Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Trồng Mía Gánh Nhiều Nỗi Lo

Người Trồng Mía Gánh Nhiều Nỗi Lo
Publish date: Wednesday. November 27th, 2013

Ở Đồng Nai đang vào vụ thu hoạch mía, song người trồng mía kém vui bởi nhiều nỗi lo: năng suất thấp, giá giảm mạnh, chữ đường trồi sụt khó lường và bị đánh giá tạp chất cao.

Theo nhiều người trồng mía, chữ đường tăng hoặc giảm ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập. Ở vụ mía này, các nhà máy quy định, cứ giảm 1 chữ đường sẽ trừ 85 ngàn đồng/tấn. Như vậy, chỉ cần giảm 1 chữ đường, nông dân sẽ mất hơn 5 triệu đồng/hécta. Nếu bị đánh giá tạp chất cao, sẽ bị trừ thêm gần 1 triệu đồng/hécta.

* Thắc mắc chữ đường, tạp chất

Niên vụ 2013-2014, giá mía tại bàn cân nhà máy chỉ còn 930-950 ngàn đồng/tấn với mía 10 chữ đường, giảm hơn 100 ngàn đồng/tấn so với vụ trước. Nhiều người trồng mía đang thắc mắc việc đo chữ đường và tạp chất của các nhà máy. Trong thực tế, rất ít nông dân trồng mía đạt được 10 chữ đường, đa số chỉ đạt trên dưới 8 chữ đường. Vì thế, giá mía nông dân bán tại bàn cân nhà máy chỉ chừng 700-780 ngàn đồng/tấn. Tính chi phí đầu tư, thuê thợ chặt, xe chở mía về nhà máy, nông dân hết lời.

Ông Ngô Ngọc Hưởng ở ấp An Bình, xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom), nói: “Cùng một ruộng mía chăm sóc như nhau và thu hoạch đưa về nhà máy cùng thời điểm, song xe thì đo được 9 chữ đường, xe chỉ gần 8 chữ“. Tương tự, ông Nguyễn Văn Huệ, ấp 1, xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch), thắc mắc: “Mía thu hoạch đầu vụ với cuối vụ chênh nhau 1-2 chữ đường còn hợp lý, nhưng thu cùng thời điểm mà chênh nhau đến 2 chữ đường là rất vô lý. Và cùng là mía như nhau, có xe đánh giá tạp chất cao, xe lại thấp”.

Lý giải vấn đề kiểm tra chữ đường, tạp chất, Phó giám đốc Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An Trần Văn Ngà khẳng định: “Nhà máy từ trước đến nay làm việc rất uy tín, không có chuyện gian lận chữ đường hoặc cố tình đẩy tạp chất trong mía lên cao để trừ tiền của nông dân”. Tuy nhiên, ông Ngà cũng thừa nhận việc đánh giá chữ đường đôi khi chưa thật công bằng. Vì trên một xe mía, nhà máy sẽ lấy ngẫu nhiên một bó mía để đo chữ đường và đánh giá tạp chất. Nếu không may gặp phải bó mía nông dân chặt để ngọn và lá quá nhiều thì chữ đường sẽ thấp, còn tạp chất thì cao. Phía Công ty cổ phần mía đường La Ngà cũng cho hay, việc đo chữ đường và tính tạp chất là vấn đề khá nhiều nông dân trồng mía thắc mắc, nhưng cách đo chữ đường và tạp chất các nhà máy đều giống nhau.

* Lỗi ở khâu nào?

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phan Minh Báu, nhận xét: “Mía chăm sóc khác nhau, thu hoạch đầu vụ, giữa vụ hoặc cuối vụ chữ đường tăng, giảm là chuyện bình thường. Song trên cùng ruộng chăm sóc, thu hoạch cùng thời điểm, mía khó có thể chênh nhau đến 2 chữ đường”.

Cũng theo ông Báu, nhiều nông dân đề nghị nên có đơn vị độc lập đo chữ đường, tạp chất trong mía vì sẽ công bằng hơn. Song điều này hiện không thể thực hiện được vì sẽ không có đủ con người, máy móc để làm. Ông Huỳnh Thành Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết: “Những giống mía các nhà máy đưa về cho nông dân sản xuất đều là giống có năng suất, chất lượng cao trên 10 chữ đường. Nhưng khi sản xuất tại Đồng Nai, chỉ đạt 8-9 chữ đường thì phải coi lại xem lỗi do khâu nào để tránh thiệt hại cho nông dân”.

Ông Nguyễn Văn Tải, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường La Ngà, nhận định: “Với giá mía này, những hộ trồng mía có năng suất thấp sẽ lỗ. Để tránh thiệt thòi trong quá trình đo chữ đường, tạp chất, khi thu hoạch nông dân cần làm đúng theo quy trình”. Còn Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An yêu cầu nông dân chặt mía sát gốc, năng suất tăng thêm 4 tấn/hécta, còn chữ đường tăng thêm 0,5. Như vậy, nông dân sẽ có thêm hơn 7 triệu đồng/hécta.

Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, đến cuối tháng 10-2013 lượng đường tồn kho tại các nhà máy trong cả nước là 159.500 tấn, tăng hơn 49 ngàn tấn so với cùng kỳ năm 2012. Trong tháng 9, Bộ Công thương vẫn cấp quota nhập khẩu về 75 ngàn tấn đường. Việc nhập khẩu số lượng lớn, kèm theo đường lậu tràn vào Việt Nam khá nhiều buộc các doanh nghiệp mía đường trong nước giảm tiếp 500 đồng/kg đường, xuống còn 14.500 đồng/kg loại đường trắng.


Related news

Sản Xuất Khảo Nghiệm Các Giống Lúa Chịu Mặn Sản Xuất Khảo Nghiệm Các Giống Lúa Chịu Mặn

Đây là vụ lúa thứ 2 mô hình sản xuất khảo nghiệm các giống lúa chịu mặn được thực hiện trên địa bàn huyện Tuy An. Trong vụ sản xuất hè thu 2013, mô hình này đã đưa vào sản xuất 20 giống lúa GSR, thời gian sinh trưởng của các giống lúa từ 87 đến 106 ngày.

Tuesday. January 7th, 2014
Củ Mì Rớt Giá, Thương Lái Và Người Trồng Đều Lao Đao Củ Mì Rớt Giá, Thương Lái Và Người Trồng Đều Lao Đao

Sau khi giá củ mì tươi tăng cao đến 2.600 đồng/kg ở thời điểm mới bước vào vụ thu hoạch, hiện giá mì tươi bán tại rẫy tụt dốc nhanh chóng khiến cho cả thương lái và nông dân hết sức lao đao.

Wednesday. December 18th, 2013
Giá Lúa Ở Mức Cao Lúc Nông Dân Hết Lúa Giá Lúa Ở Mức Cao Lúc Nông Dân Hết Lúa

Khoảng 1 tháng qua, giá lúa gạo nguyên liệu tại ĐBSCL ở mức cao, nhưng thời điểm giá này, nông dân không còn lúa để bán và đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch lúa đông xuân 2013-2014. Nông dân không đủ điều kiện tạm trữ để chờ giá nên luôn chịu thiệt thòi, hầu hết nông dân phải bán lúa tươi tại ruộng ngay khi thu hoạch.

Tuesday. January 7th, 2014
Lợn Tăng Giá Và Tính Bền Vững Của Chăn Nuôi Trang Trại Lợn Tăng Giá Và Tính Bền Vững Của Chăn Nuôi Trang Trại

Mặc dù một thời gian dài vào giữa năm 2013, thịt lợn hơi giảm giá mạnh làm cho người chăn nuôi không lãi nhiều nhưng vẫn cầm chừng đàn và với sự tính toán, nắm bắt nhu cầu thị trường, từ tháng 9/2013, nông dân tăng đàn để đảm bảo lượng thịt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong Tết Nguyên đán. Đúng vào thời điểm này, giá thịt lợn tăng trở lại tạo điều kiện để người chăn nuôi nâng cao thu nhập.

Wednesday. December 18th, 2013
Phủ Xanh Cát Trắng Nhờ Đa Dạng Hóa Cây Trồng Phủ Xanh Cát Trắng Nhờ Đa Dạng Hóa Cây Trồng

Xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị là vùng đồng bằng ven biển có diện tích tự nhiên khá lớn nhưng 3/4 diện tích là đất cát bạc màu, hàng năm phải đối mặt với hạn hán, đất nghèo sinh dưỡng, cát lấp và cát bay.

Tuesday. January 7th, 2014