Liên kết để tồn tại
Giá thành chỉ 26.000 đ/kg
Nếu nuôi gà trắng mà không có sự liên kết thực sự, gà trắng đúng là không thể nào cạnh tranh được với gà nhập khẩu.
Bởi theo ông Nguyễn Văn Ngọc, PCT Hiệp hội Gia cầm Đông Nam bộ, giá thành gà trắng tại các trại nuôi bình thường hiện đang ở mức 29.000-30.000 đ/kg.
Đây là mức giá thành quá cao.
Nhưng nếu nuôi gà trắng theo các mô hình liên kết thực sự, giá thành sẽ được giảm xuống đáng kể.
Hiện nay, ông Nguyễn Văn Ngọc và 3 chủ trại gà khác là bạn của ông đang tham gia vào chuỗi liên kết với các DN gồm Cty TNHH Bel Gà, Cty TNHH De Heus và Cty TNHH San Hà, tạo thành một chuỗi chăn nuôi gà trắng khép kín từ con giống đến tiêu thụ sản phẩm.
Trong chuỗi liên kết này, Bel Gà chịu trách nhiệm cung cấp con giống chất lượng tốt cho các trang trại.
De Heus cung cấp thức ăn nuôi gà.
Các trang trại tổ chức chăn nuôi theo quy trình thống nhất.
Toàn bộ sản lượng gà từ các trang trại này đều được San Hà tiêu thụ.
Bình quân mỗi ngày, trang trại ông Ngọc và 3 trang trại của bạn ông xuất cho Cty San Hà khoảng 15.000 con gà trắng.
Đến nay, chuỗi liên kết nói trên đã hình thành và hoạt động được hơn 1 năm.
Thời gian tuy chưa lâu nhưng đã đem lại những kết quả tích cực, nhất là trong việc giảm giá thành sản phẩm.
Ông Ngọc cho biết giá thành gà trắng tại các trại tham gia chuỗi liên kết đã giảm xuống còn 26.000-26.500 đ/kg (thấp hơn từ 2.500-3.000 đ/kg so với các trang trại khác) và chỉ còn nhỉnh hơn một chút so với giá thành gà trắng ở Thái Lan (25.000-26.000 đ/kg).
Và với giá thành như trên, gà trắng trong chuỗi liên kết này hoàn toàn có thể cạnh tranh được với gà trắng nhập khẩu, bởi nếu cộng thêm chi phí giết mổ..., thì giá thành sẽ vào khoảng 29.000-30.000 đ/kg.
Trong khi đó, gà trắng nhập khẩu từ Mỹ về tới Việt Nam, nếu cộng hết các chi phí như thuế, hải quan, thú y..., giá thành cũng ở mức tương tự.
Mà khi giá tương đương nhau, thì gà trắng Việt Nam sẽ có lợi thế hơn vì là gà nóng, phù hợp với sở thích của người tiêu dùng Việt Nam hơn gà đông lạnh.
Mặt khác, việc tham gia nuôi gà trắng trong chuỗi liên kết giúp cho trang trại của ông Ngọc đã có được đầu ra, giá bán ổn định.
TS Kiều Minh Lực: "Trước áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ gà trắng nhập khẩu, các DN, trang trại Việt Nam cần cùng nhau tìm ra những giải pháp để hỗ trợ nhau, nhằm tăng sức cạnh tranh của cả ngành hàng, không nên tiếp tục cạnh tranh theo kiểu triệt hạ nhau như đã từng xảy ra".
Ngay cả khi thuế nhập khẩu với gà trắng sẽ bị bãi bỏ theo TPP, ông Ngọc tự tin rằng các trang trại tham gia vào chuỗi liên kết nuôi gà trắng vẫn đứng vững được, bởi khi ấy, giá con giống, thức ăn, trang thiết bị nuôi gà...
cũng sẽ giảm mạnh do cắt giảm thuế.
Hiện nay, giá thành gà trắng ở Việt Nam vẫn còn cao hơn nhiều nước khác, không phải do năng suất, mà do phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu TĂCN nhập khẩu, con giống nhập khẩu, trang thiết bị nhập khẩu...
Vì thế, khi những yếu tố này được cắt giảm thuế, chắc chắn giá thành chăn nuôi gà trắng trong các trang trại tham gia mô hình liên kết cũng sẽ giảm mạnh.
Theo ông Nguyễn Minh Khanh, GĐ Kinh doanh Cty TNHH Bel Gà, để góp phần giúp các trang trại tham gia chuỗi liên kết giảm giá thành sản xuất gà trắng, Cty đã tiến hành nhập khẩu gà giống bố mẹ từ Mỹ, Hà Lan..., rồi tự sản xuất gà con ở trong nước.
Nhờ vậy, Cty đã xây dựng được mô hình liên kết với hơn 60 trang trại ở Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh...
các trang trại đều giảm được giá thành nuôi gà trắng xuống còn khoảng 26.000 đ/kg.
Cạnh tranh nhờ sản phẩm GTGT
Đến nay, Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam vẫn đang tiếp tục là DN tổ chức chăn nuôi gà trắng hàng đầu ở nước ta.
Và bất chấp sức ép từ TPP, C.P Việt Nam vẫn đang tiếp tục duy trì mối liên kết chăn nuôi gà trắng với nhiều trang trại một cách ổn định.
TS Kiều Minh Lực (C.P Việt Nam), cho biết, liên kết chủ yếu giữa Cty với người chăn nuôi gia cầm là cung cấp đầu vào và bảo lãnh giá bán.
Theo đó, C.P Việt Nam cung cấp con giống, thức ăn, thú y, kỹ thuật...
cho các trang trại và bảo lãnh giá gà thành phẩm.
Trên cơ sở đó, các trang trại chủ động tính toán làm sao giảm được giá thành để chăn nuôi một cách hiệu quả nhất.
Một thế mạnh khác của C.P Việt Nam là đã đầu tư sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ chăn nuôi.
Với gà trắng, Cty đã cho ra nhiều sản phẩm chế biến như xúc xích, gà rán (bán trong chuỗi cửa hàng Five Star do C.P Việt Nam phát triển)...
Nhờ vậy, C.P Việt Nam đã tăng cao được giá trị từ con gà trắng và tiếp tục duy trì được mối liên kết chăn nuôi với nông dân, mà không phải lo ngại với gà trắng nhập khẩu.
Theo ông Lê Văn Quyết, PCT Hiệp hội Gia cầm Đông Nam bộ, hiện nay, hầu hết các trang trại nuôi gà trắng là thành viên của Hiệp hội, đều đã có mối liên kết chăn nuôi với các DN, theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn.
Các DN tham gia vào thị trường gà trắng cũng đều đẩy mạnh liên kết với nông dân.
Bên cạnh những DN tự làm chuỗi liên kết, thì cũng có những mô hình nhiều DN cùng bắt tay với nhau để liên kết với các trang trại.
Giá thành gà trắng ở nhiều trang trại tham gia các chuỗi liên kết chỉ còn khoảng 26.500 đ/kg, có thể cạnh tranh được với gà nhập khẩu.
Vì vậy, ông Quyết khẳng định, các trang trại nuôi gà trắng theo mô hình liên kết ở Đông Nam bộ vẫn tự tin, tiếp tục gắn bó với sản phẩm này.
Họ không ngại cạnh tranh với gà được nhập khẩu một cách đàng hoàng, mà chỉ ngại gà nhập khẩu theo kiểu gian lận thương mại hoặc có vấn đề về chất lượng như trong thời gian qua.
Related news
Chúng tôi trở lại vùng xoài Tân Minh, Tân Phúc (Hàm Tân - Bình Thuận) ngay sau khi những quả xoài cát chu của Việt Nam được bày bán tại Nhật Bản với giá khá cao.
Xã Văn Khúc (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) cuối năm như nhộn nhịp hơn bởi những câu chuyện về nghề nuôi trồng thủy sản khi mà nhiều hộ gia đình đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch.
Đầu tháng 9 âm lịch, khi những cơn mưa trút xuống đồng ruộng, nhất là các vùng lúa trọng điểm của tỉnh ở các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, TP Tuy Hòa, mùa cá đồng lại trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Tổng Cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ tổ chức hội thảo "Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản".
Tính đến tháng 9 năm 2015, toàn tỉnh Phú Thọ đã phát triển được 921 lồng cá (quy mô 90m3/lồng) tập trung tại sông Đà, sông Lô, sông Bứa và một số hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh, tăng 500 lồng so với năm 2014.