Người trồng dứa ở vùng nguyên liệu Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang ngao ngán với phương án thu mua của nhà máy chế biến dứa xuất khẩu thuộc Công ty cổ phần Thực phẩm Nghệ An (Nafoods).
Ép dân đến mức thua lỗ
Đang làm cỏ cho luống dứa quả to, đều tăp tắp chuẩn bị thu hoạch mà anh Nguyễn Trọng Thịnh, người có 1ha dứa ở xóm 7, xã Quỳnh Châu buồn như cảnh mùa màng thất bát. Bởi theo thông báo từ nhà máy của Nafoods (đóng tại xã Quỳnh Châu), dứa năm nay được chia làm hai loại. Loại dứa xanh, dùng chế biến dứa đóng hộp có giá khoảng 2.500 – 3.000 đồng/kg. Dứa chín dùng làm nước dứa ép, cô đặc là 1.200 – 1.500 đồng/kg. So với năm 2011, giá dứa cả 2 loại năm nay giảm hơn một nửa.
Anh Thịnh cho biết: “Với các khoản “đổ” vào cây dứa như giống, phân bón, đất đèn để kích thích ra hoa, công chăm sóc…, giá bán phải ở mức 3.000 đồng/kg, gia đình mới có lãi. Nếu giá dứa mua vào như nhà máy công bố, chúng tôi chỉ còn cách bán nhà trả nợ”.
Tưởng rằng việc mua thêm dứa xanh sẽ mở thêm một cơ hội cho nông nhưng điều này sẽ đẩy người trồng dứa vào thế bí.
Ông Hồ Diên Thắng- Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng phân tích: “Công suất dây chuyền sản xuất dứa hộp của Nafoods (tiêu thụ dứa xanh, ương) khoảng 10-15 tấn/ngày là quá nhỏ so với sản lượng khoảng 5.000 tấn của toàn vùng nguyên liệu năm nay. Hơn nữa, dứa là loại chín nhanh, từ ương chuyển sang chín chỉ khoảng 10 ngày nên khả năng bán dứa xanh giá cao cho nhà máy là rất thấp.
“Với phương án này, hơn 80% bà con phải bán dứa chín giá thấp cho nhà máy. Nếu bán giá 1.200 đồng/kg dứa chín, bà con mới chỉ đủ tiền để trả công cho việc bẻ dứa từ đồi mang đi bán. Tiền của đầu tư coi như mất trắng”.
Lại kêu nhà nước... trợ giá
Hiện dứa của Quỳnh Lưu được tập trung trồng tại các xã Quỳnh Châu, Quỳnh Thắng, Tân Thắng và một tổng đội thanh niên xung phong của huyện Quỳnh Lưu với khoảng 800 hộ tham gia. Nếu việc thu mua diễn ra từ 1.6 tới đúng như “kịch bản” của Nafoods, bằng ấy hộ nông dân sẽ rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần. Và kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, công nghiệp chế biến dứa - thứ được mệnh danh là “quả vua”, tạo bước đột phá của nông nghiệp Nghệ An sẽ khó thành hiện thực.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Trung Kiên- Giám đốc Chuỗi cung ứng sản phẩm của Nafoods lý giải: “Nguyên nhân giá thu mua dứa thấp là do thị trường xuất khẩu khó khăn. Giá nước dứa cô đặc năm 2011 là 1.600 USD/tấn nay giảm còn 1000 - 1.200 USD/tấn; đơn hàng khan hiếm”.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Nafoods cho biết: “Việc thu mua dứa xanh số lượng ít cũng là nỗ lực của công ty do mở thêm được dây chuyền sản xuất mới. Nếu không mua dứa xanh, công ty cũng chỉ thu mua toàn bộ dứa chín với mức giá thấp như đã công bố”.
Theo ông Hùng, Công ty mong bà con nông dân cũng hiểu khó khăn của doanh nghiệp và chấp nhận quy luật của thị trường. Nhà nước cũng nên trợ giá cho nông dân như Chính phủ Thái Lan đang thực hiện với nông dân trồng dứa.