Người Thuần Hóa Vịt Trời
Nhiều người gọi anh Tô Quang Dần ở xóm Đoàn Tùng, xã Đông Phú, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang là vua vịt trời.
Tôi cho rằng, người ta có lý khi gắn cho anh "vương miện" ấy nếu biết rằng trước đó, anh chỉ là một nông dân nghèo.
Từ 2 con vịt trời mắc lưới
Anh Dần sinh năm 1974. Năm 1992, anh nhập ngũ và được rèn luyện trong quân đội gần 2 năm. Trở lại địa phương do không có bằng cấp gì nên anh vẫn quanh quẩn với vườn vải thiều và chăn nuôi lợn gà.
Mặc dù chịu khó làm ăn nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, gia đình anh gần như lúc nào cũng thuộc diện nghèo nhất xóm. Cuối 2001, anh quyết định vào Nam kiếm sống mong có việc làm tốt, thu nhập cao nhưng được 6 năm thì tay trắng về quê.
Trở lại nhà, anh có ý định bán vườn đồi nhà mình để có vốn cho đầu tư làm ăn lớn nhưng vì khách trả giá thấp nên anh lại lưỡng lự không bán.
Thế rồi, định mệnh đã sắp xếp cuộc đời anh vào một công việc chưa từng có ở địa phương. Vào một ngày mùa đông năm 2010, trên chiếc thuyền nan quen thuộc, anh khua mái chèo đi đánh cá. Trong lúc đánh cá ở hồ Cây Đa (gần nhà) thì tình cờ anh phát hiện 2 con vịt bị mắc lưới. Lúc đầu anh tưởng là chim nhưng sau bắt được thấy nó to nên khẳng định luôn là vịt.
Anh Dần bảo, bản tính tò mò nên bắt về không có ý định làm thịt mà để nuôi, coi như đó là vận may để vui chơi. Vịt được nhốt ở lồng. Nó luôn sợ người, nhất là thời gian đầu, mỗi lần mang thức ăn, nước uống đến.
Sau 2 tháng nuôi nhốt, anh mở lưới cho vịt ra ngoài. Sự tò mò và kiên trì đã giúp anh thuần hóa thành công đôi vịt trời để rồi 7 tháng sau, anh thấy vịt đẻ trứng. 4 quả trứng đầu tiên, anh cho gà mái ấp và nở được 3 vịt con.
Chính vì sự tò mò và thường xuyên quan sát nên anh Dần nhận thấy rằng, vì cho ăn thóc nên vịt đẻ ít và rất lâu nó mới đẻ. Khi chuyển sang cho vịt ăn cám thì thấy nó đẻ nhiều và đẻ dày. Có được lứa trứng nào, anh vừa cho gà ấp, vừa ấp bằng máy. Tất cả số vịt nở ra đều được vợ chồng anh chăm sóc chu đáo và không hề làm thịt một con nào.
Khi trong đàn có tiếng kêu thì phát hiện được vịt đực, vịt cái. Anh Dần bảo, chỉ có con cái nó kêu thôi. Cũng từ đó anh bắt đầu làm thịt một ít vịt đực. “Nuôi được 2 tháng rưỡi thì vịt nặng 1,2 kg. Nếu nuôi 5 – 6 tháng thì nó nhỏ lại, còn khoảng 1kg. Song vịt già thì ngon, thịt thơm, xương chắc hơn” – anh Dần chia sẻ.
Đàn vịt được 40 con, vợ bảo chồng mang ra chợ bán. Nghe lời vợ, anh Dần đã mang một ít vịt đến các nhà hàng ở thị trấn huyện và TP Bắc Giang gửi nhờ họ bán xem khách hàng đến ăn có thích thú món vịt này không?
Lúc đầu, chỉ gửi 1 – 2 con/nhà hàng nhưng sau đó thì các nhà hàng đã liên tục gọi điện và họ cử người trực tiếp đến gia đình xem có đúng vịt do anh nuôi hay là lấy ở đâu về. Một vài con đầu gửi ở quán thì anh không lấy tiền nhưng sau đó, các chủ hàng thống nhất trả cho anh mỗi con 250 ngàn đồng trên cơ sở tham khảo giá các loại chim và ngỗng.
Muốn có HTX vịt trời
Từ đó, tiếng lành đồn xa, vịt của anh Dần đã đến được với thị trường Hà Nội và Ninh Bình. Qua thăm dò thị trường, anh Dần quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi.
Năm 2012, anh đầu tư hơn 80 triệu đồng xây hai dãy chuồng nuôi vịt ven hồ. Để có số tiền này anh đã không ngần ngại đi vay, thậm chí là vay lãi ngày để đầu tư. Hiện trong chuồng có 200 vịt bố mẹ. So với vịt thường thì vịt trời đẻ 220 quả trứng/năm. Mỗi tháng anh cho ra lò khoảng 1.500 vịt con.
Chỉ tính năm 2013, anh đã bán được 5.000 con (cả vịt giống và vịt thịt) đạt doanh thu 1,1 tỷ đồng. Trong đó, vịt giống anh bán 110.000 đ/con; vịt thịt bán từ 230.000 – 250.000đ/con. Anh bảo, trừ chi phí, mỗi năm còn lãi được trên 300 triệu đồng.
Đến giờ anh không còn mắc nợ mà đã có tiền gửi ở ngân hàng. Có được khoản thu nhập khá, anh chị dốc sức đầu tư cho con cái ăn học. Nay đứa con trai đầu đang học năm thứ 3 Trường Cao đẳng Y Hải Dương; đứa con thứ 2 lên lớp 7.
Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2014, anh đã cung ứng cho thị trường 10.000 con vịt, đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng (chủ yếu bán trứng và vịt giống). Dự kiến 6 tháng còn lại anh sẽ bán được khoảng 15.000 con nữa.
Anh bảo, tiếc là không đủ số lượng để bán chứ khách hàng thì liên tục gọi điện. Nếu đủ số lượng thì chắc mỗi tháng bán được 5.000 con. Trước nhu cầu đòi hỏi của thị trường, một số gia đình ở xung quanh nhà anh Dần bắt đầu mua giống về nuôi. Ước mong của anh Dần là sớm được nhà nước chấp thuận cho việc thành lập Hợp tác xã vịt trời để có điều kiện mở rộng quy mô đầu tư phát triển.
Có một điều thú vị là 4 năm nay đàn vịt của anh Dần chưa bao giờ bị dịch. Anh Dần không vì thế mà gia đình chủ quan trong việc phòng tránh các loại dịch bệnh đối với gia cầm. Bằng kinh nghiệm tích lũy và niềm đam mê, anh Dần đã có được những kỹ thuật thành thạo trong việc chăn nuôi, phát triển vịt trời trên địa bàn.
Related news
Trà Vinh hiện có hơn 340 hecta rừng Phi lao phòng hộ ven biển, nằm trên địa bàn các xã: Trường Long Hòa, Hiệp Thạnh, Dân Thành, Đông Hải của huyện Duyên Hải và Mỹ Long Nam của huyện Cầu Ngang. Hiên nay hơn 28 hecta rừng phi lao tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang bị chết khô mà vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể và cách phòng trị.
Với cách làm nêu trên, thời gian qua huyện Quang Bình đã có những "bước đi" rất quyết đoán trong việc lãnh, chỉ đạo người nông dân phát triển sản xuất dựa trên những thế mạnh sẵn có của vùng theo mô hình cánh đồng mẫu "5 cùng", gồm: Cùng thời gian, cùng thời điểm, cùng giống, cùng chăm sóc và cùng thu hoạch.
Từ vụ lúa Hè thu năm 2011, tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) ở địa bàn các huyện: Châu Thành, Tiểu Cần, Cầu Kè, Trà Cú và Cầu Ngang, với tổng diện tích hơn 2.700 hec-ta (ha); trong đó, diện tích mỗi mô hình từ 300 - 500ha. Qua các vụ sản xuất cho thấy, để CĐML ngày càng được mở rộng thì vấn đề đặt ra là giữa các “nhà” cần tạo dựng niềm tin lẫn nhau thì mô hình mới thật sự bền vững và lan rộng.
Ngày 21.6, tại xã Hoài Thanh Tây, Ban quản lý Dự án sinh kế nông thôn bền vững tỉnh phối hợp với UBND huyện Hoài Nhơn đã tổ chức hội thảo tổng kết mô hình thâm canh, phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa.
Với hơn 30 công ruộng, nhà lại ít người làm, nên hầu như vụ nào, gia đình ông Trần Din ở ấp Trà ông, xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cũng phải tốn rất nhiều chi phí mướn nhân công, từ khâu gieo sạ, cấy dặm, bón phân đến phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa.