Người Phụ Nữ Mông Vươn Lên Làm Giàu
Là một hội viên phụ nữ tiêu biểu của xã Bản Phố, được các chị em trong xã yêu quý và lấy làm tấm gương để học tập. Bao năm qua, chị đã cùng chồng vượt qua khó khăn, gian khổ để làm giàu trên chính vùng đất quê hương – Cao nguyên trắng Bắc Hà.
Nhắc đến chị Vàng Thị Cở có lẽ không ai ở xã Bản Phố không biết đến. Cách đây hơn chục năm về trước, người nghèo nhất bản là chị, và nay người ta biết đến chị với tinh thần vượt khó, chiến đấu với cái nghèo để giành lấy cuộc sống ấm no cho gia đình mình bằng bàn tay, khối óc và sự chân chính của một người nông dân tiêu biểu.
Sinh ra trong một gia đình người Mông tại xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, gia đình chị và biết bao gia đình khác ở vùng cao bị cái nghèo, cái khổ bao vây tưởng như chẳng bao giờ thoát ra được. Tuổi thơ của chị là sự lam lũ, nghèo khổ, là sự vật lộn để giành lấy sự sống trước cái đói, cái nghèo. Rồi năm, tháng cũng dần trôi qua, như bao cô gái khác đến tuổi trưởng thành, chị xây dựng gia đình, tiếp theo đó là 3 đứa con lần lượt chào đời. Lấy chồng, sinh con là thiên chức, là hạnh phúc của người phụ nữ. Song, gánh nặng cuộc sống lại thêm chất chồng lên vai người mẹ trẻ. Nhiều đêm thức trắng với suy nghĩ phải làm sao để thoát nghèo, thoát khổ. Con đường duy nhất vẫn phải là lao động sản xuất, bắt đất đai sinh ra của cải, vật chất. Sau nhiều lần bàn bạc, vợ chồng chị đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư vào chăn nuôi và trồng cấy. Sẵn có sức khoẻ, sự cần cù, tinh thần ham học hỏi của anh chị. Sau gần chục năm miệt mài lao động sản xuất, đến nay anh chị đã có một cơ ngơi kha khá, còn việc sản xuất thì đã đi vào nề nếp.
Đến thăm nhà chị, nhìn đàn lợn, trâu, ngựa con nào con ấy béo tốt, nương ngô thì xanh mướt mắt, rượu ngô thì hàng trăm lít được chứa trong chum để ở góc nhà, chúng tôi không khỏi cảm phục sự cần cù, sáng tạo, tinh thần học hỏi và sự quyết tâm của anh chị. Trao đổi với chúng tôi, chị không giấu diếm: “Cô Hậu là cán bộ khuyến nông xã thì biết rồi đấy! nhà tôi lúc nào mà chẳng có hàng chục con lợn thịt, số trâu, bò, ngựa cũng có hàng trên chục con. Lợn thì bán thịt, còn trâu thì để cày ruộng, ngựa thì giúp thồ hàng xuống chợ. Ngoài ra, chúng tôi cũng nuôi nhiều gà, vịt để có thêm thu nhập. Là người nông dân, không chịu làm thì chỉ có đói thôi. Vụ ngô này nhà tôi thu được hơn 10 tấn ngô, bán đi cũng được khoảng trên 50 triệu đồng, số tiền này để tích lũy, cho con cái đi học rồi còn phải để mua giống, phân bón để sản xuất vụ sau. Còn việc chi tiêu sinh hoạt hàng ngày thì dùng bằng tiền lãi từ nấu rượu bán thôi…”
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh chị còn hết sức quan tâm đến việc định hướng, dạy dỗ con cái học hành, vì theo chị muốn thực sự thoát nghèo thì cần phải học, cần phải có tri thức để tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, chính vì vậy việc học hành của con cái được anh chị ưu tiên hàng đầu và kết quả tuy chưa thực sự mong muốn, nhưng 3 đứa con của anh chị đều hết sức cố gắng học hành, chăm ngoan. Hiện nay đứa con gái cả của anh chị đang học Cao Đẳng Sư phạm Lào Cai, con gái thứ 2 đang học Trung học phổ thông, còn cậu con trai thứ 3 đang học lớp 7 tại xã.
Không những đảm việc nhà, chị còn là một hội viên tích cực của Hội phụ nữ xã, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tuyên truyền vận động chị em phụ nữ trong xã cùng nhau phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế gia đình. Với sự nhiệt tình, cởi mở, có trách nhiệm với cộng đồng và đặc biệt luôn là tấm gương sáng trong phong trào phát triển sản xuất, chị luôn được bà con trong xã tin yêu, nể trọng. Còn với những cán bộ khuyến nông như chúng tôi trên địa bàn công tác của mình cứ thêm một hộ như nhà chị cở là chúng tôi lại có thêm niềm vui.
Related news
Các vụ lúa gần đây bệnh vi khuẩn bộc phát mạnh, gây hại nặng làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất lúa. Tham dự sự kiện này, nông dân được tham quan 4 trại trưng bày mẫu vật bao gồm các mẫu lúa bị nhiễm bệnh, hướng dẫn cách nhận diện chính xác triệu chứng các bệnh do nấm, do vi khuẩn, biện pháp chủ động phòng trị hiệu quả, an toàn và nhận dạng thuốc bảo vệ thực vật chính hiệu, hạn chế tình trạng mua nhầm hàng kém chất lượng.
Năm 2014 được đánh dấu là năm có chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất trong “lịch sử” xuất khẩu của Gia Lai. Những mặt hàng chủ lực của tỉnh luôn giữ vị trí cao với sản lượng xuất và thị trường ổn định, trong đó phải kể đến cà phê-mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất với 77,8% tổng kim ngạch...
Đến giờ này, câu chuyện thoát nghèo của ông Út được bà con trong vùng vẫn truyền tai nhau với sự nể phục. “Nói thật, đôi lúc tôi cứ nghĩ mình nằm mơ. Lúc bắt tay trồng nấm, tôi chỉ nghĩ đơn giản là có cái nghề để thoát nghèo và đã cố gắng hết sức. Ông trời quả không phụ lòng người” - ông Út thổ lộ.
Với diện tích chưa đến 1.000m2, trung bình mỗi tháng, người trồng rau má thu nhập từ gần 1 triệu đồng. Giá của rau má không bấp bênh như nhiều loại mặt hàng nông sản khác. Hiện nay, giá mỗi ki-lô-gam rau má được thương lái vào tận vườn thu mua từ 10.000 - 15.000 đồng.
Thời điểm này, cam Vinh tại Lục Ngạn đang được thu hoạch, diện tích khoảng 286 ha, tập trung nhiều ở các xã: Thanh Hải, Nam Dương, Tân Mộc, Mỹ An... Hiện giá bán bình quân tại vườn đạt 30 nghìn đồng/kg. Năm 2014, sản lượng cam Vinh toàn huyện ước đạt 1.475 tấn, giá trị đạt hơn 44 tỷ đồng.