Bỏ Chuột Để Nuôi Ếch
Bước vào trại nuôi ếch của Nguyễn Thế Khoa (38 tuổi) ở ấp Tân Quới, xã Tân Hòa, TP.Vĩnh Long (Vĩnh Long) đã nghe dàn “đồng ca” miền quê vang um.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân tin học tại TP.HCM, năm 2000, Khoa xin vào làm ở một công ty tại thành phố này với mức lương cao. Công việc lý tưởng, tương lai rộng mở, thế nhưng Khoa vẫn luôn tha thiết nhớ quê nhà, và anh đã xin nghỉ việc, quay về Vĩnh Long mở dịch vụ internet.
Những lúc lang thang trên mạng, Khoa chú ý đến thông tin có những người nuôi ếch làm giàu. Thế là đầu năm 2003, Khoa góp tiền nhờ người quen mua giúp 5.000 con ếch giống Thái, với giá 4.000 đồng/con. Anh đóng cửa tiệm internet, vác xẻng đào mảnh đất vườn, xây ao, bể nuôi ếch. Khoa tâm sự: “Thật sự mình gặp sóng gió, không ít người chê học đại học tốn kém rốt cuộc cũng làm nông dân nuôi ếch. Nhưng mình đã thành công”.
Hồi nào tới giờ chỉ quen “nhắp chuột”, lướt web, nay bắt tay vào nuôi ếch, đối với Khoa thật không dễ dàng. Nuôi vài tháng, bầy ếch cứ chết dần, Khoa tất tả tìm người học hỏi nhưng chỉ nhận được nhiều lời khuyên trái ngược. Nhìn bầy ếch hao hụt quá nửa, Khoa quyết định tới Trường ĐH Cần Thơ gặp các kỹ sư thủy sản để được hướng dẫn. Nhờ chỉ dẫn, Khoa nắm được cặn kẽ tập tính ếch Thái nên dần dà khắc phục được hiện tượng ếch chết, bầy ếch tăng dần “quân số”.
Đã hiểu được ếch ngoại, Khoa nghiên cứu cho lai với ếch đồng. Khoa nói: “Nuôi ếch Thái nếu cho chúng tự phối giống với nhau, tỷ lệ trứng nở không nhiều, sức sống không cao. Còn lai tạo với ếch đồng thì tạo ra thế hệ ếch mới với khả năng thích hợp môi trường cao hơn. Tỷ lệ trứng nở cao, nòng nọc con cũng sống nhiều hơn...”. Có người cắc cớ hỏi Khoa, sao không đi làm lãnh lương cao ngất mà cực nhọc với lũ ếch nhái làm chi, Khoa cười và lý giải nuôi ếch lời lắm. Nuôi ếch giống khoảng 3 tháng là xuất chuồng bán, trong khi đầu tư trang trại nuôi ếch và tiền mua giống không quá cao.
Khoa thành công với việc cho lai tạo ếch Thái và ếch đồng, đàn ếch lai tỷ lệ hao hụt khoảng 10%. Lần mò chăn nuôi, Khoa nắm được bí quyết cho ếch đẻ nhiều và ít hao hụt. Thông thường, ếch nuôi 8 tháng tuổi là bắt giống và đẻ. Nhưng đẻ sớm như vậy con cái sẽ mau xuống sức và con đực cũng yếu hẳn đi. Thế là Khoa “bắt” ếch đổi chu kỳ sinh sản so với tự nhiên. Ếch cái và ếch đực Khoa nuôi đến 12 - 14 tháng mới cho phối giống. Nhờ đó mà ếch bố mẹ đều khỏe mạnh. Khoa nói: “Như thế ếch cái sẽ đẻ nhiều lần hơn và trứng cũng nhiều hơn.
Tỷ lệ trứng nở hao hụt rất thấp, lúc trứng nở sẽ cho bầy nòng nọc kích cỡ đều nhau, khắc phục được tình trạng nòng nọc lớn ăn nòng nọc bé”. Khoa cho biết ếch giống tùy theo thời điểm mà giá thay đổi, như thời điểm chính vụ (từ tháng 2 - tháng 9) ếch giống 800 - 1.200 đồng/con, thời điểm trái vụ (từ tháng 9 - tháng 2) giá ếch giống từ 1.400 - 1.900 đồng/con. Ngay giá ếch thịt cũng tùy vào thời điểm trái vụ hay chính vụ, chính vụ giá từ 90.000 - 140.000 đồng/kg, còn trái vụ từ 200.000 - 250.000 đồng/kg.
Ở miền Tây, có nhiều người nuôi ếch nhưng quy mô và tầm cỡ không lớn như Khoa. Nhiệt huyết, tận tình, biết giữ chữ tín nên khách hàng của Khoa giờ đông lắm; các tỉnh xa cũng tìm tới Khoa mua ếch giống. Bây giờ chẳng ai còn chê Khoa “ếch”, ngược lại còn khen anh là thanh niên có chí.
Nhiều nhà nông phục Khoa nên gọi anh là cử nhân nuôi ếch hay ông chủ ếch miền Tây. Khoa nói tấm bằng cử nhân tin học tuy xếp cất nhưng ứng dụng thì còn mãi. Khoa đã tận dụng trình độ để lên mạng, giới thiệu trại ếch, cách nuôi và đầu ra của ếch...
Related news
Trong 2 ngày (22 và 23/4/2015), Quỹ Prudence thuộc Prudential Việt Nam đã trao tặng 50 con bò, “đầu cơ nghiệp” cho 50 hộ gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai.
So với các tỉnh, thành trong cả nước, Bạc Liêu được xếp vào tỉnh giàu tiềm năng về kinh tế biển. Với bờ biển dài 56km, Bạc Liêu đã và đang hình thành những mô hình nuôi trồng, xuất khẩu đột phá đứng nhất, nhì cả nước. Đồng thời nơi đây cũng đang tập trung nhiều dự án động lực để doanh nghiệp, ngư dân thay nhau làm giàu.
Ngày 21-4, Cục Thú y phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo “Tác nhân và một số giải pháp phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp AHPNS và bệnh vi bào tử trùng EHP trong sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm”. Các cơ sở sản xuất tôm giống ở tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, và một số hộ nuôi tôm thương phẩm dự hội thảo.
Thời tiết nắng nóng kéo dài, hạn hán gay gắt đã ảnh hưởng lớn đến việc nuôi trồng thủy sản (NTTS), người dân cần cẩn trọng khi thả nuôi.
Tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến cá tra phục vụ cho xuất khẩu, nhằm tháo gỡ khó khăn trong giải quyết nguồn vốn đầu tư vùng nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. Dự án đầu tư chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco sản xuất - chế biến – xuất khẩu do công ty TNHH SXTM DV Thuận An (Tafishco) thực hiện đã mang lại kết quả tích cực.