Người Nuôi Cá Sặc Bổi Lao Đao
Là loài cá đặc sản được ưa chuộng nhưng hiện nay, việc tìm đầu ra cho cá sặc bổi gặp khó khăn. Đến kỳ thu hoạch cá sặc bổi, nông dân liên hệ nhiều lần nhưng thương lái vẫn không thèm đến...
Lời hơn cá tra
Từ đầu năm 2011 đến tháng 8-2014, nông dân nuôi cá sặc bổi đã có nhiều mùa “bội thu”, bởi giá cá luôn ở mức cao, có khi lên đến 90.000 đồng/kg (kích cỡ 6 – 7 con/kg). Với mức giá này, người nuôi cá sặc bổi lãi ít nhất cũng từ 7.000 đồng/kg. Nếu so với cá tra và nhiều loại thủy sản khác thì đây là mức lời cực kỳ hấp dẫn, trong khi thời gian nuôi chỉ dài hơn cá tra 1 tháng. Nhiều người nuôi cá tra thua lỗ đã tìm đồng vốn để chuyển sang nuôi cá sặc bổi nhằm “gỡ nghèo” và có người đã thành công.
Giá cá sặc bổi thương phẩm luôn ở mức cao trong một thời gian dài, mức đầu tư cho mỗi vụ nuôi cũng vừa phải (không cần bơm nước liên tục hàng ngày như cá tra nên chi phí nuôi thấp hơn) nên đã dấy lên phong trào thuê ao nuôi cá sặc bổi. “Đây chính là nguyên nhân làm cho nghề nuôi cá sặc bổi lâm vào tình trạng mất kiểm soát như con cá tra trước đây.
Bởi, tập quán của nông dân ĐBSCL là “thấy người ta ăn khoai thì vác mai đi đào” nên ai cũng chạy lo vốn, thuê hầm nuôi cá tra (đã bị bỏ trống) để nuôi cá sặc bổi, trong khi đầu ra cứ giao cho thương lái nên đến giờ phải chịu cảnh khổ” – ông Nguyễn Văn Sang, nông dân nuôi cá sặc bổi huyện An Phú, tâm sự.
Ở tỉnh An Giang, khi con cá tra gặp khó khăn “trăm bề”, để tháo gỡ khó khăn cho nông dân, ngành Nông nghiệp đã chủ động nghiên cứu, xây dựng mô hình “Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nuôi cá sặc bổi” ở huyện An Phú từ năm 2011. Trên phương diện kỹ thuật, mô hình này rất thành công vì từ con giống đến mức tăng trưởng, tỷ lệ chuyển hóa thức ăn (FCR) đều đạt. Song, mô hình chỉ dừng lại ở khâu nuôi trong khi thị trường tiêu thụ lại bỏ ngỏ.
Đầu ra bế tắc
Từ tháng 8-2014 đến nay, cá sặc bổi bắt đầu rớt giá mạnh khiến nhiều người “lao đao”. Hiện nay, thương lái đến An Giang chủ yếu tìm mua cá lớn để bán vào các nhà hàng, tiệm cơm, quán ăn hoặc chợ đầu mối Bình Điền, cá chợ, làm khô… chứ không mua cá nhỏ.
Trước đây, cá kích cỡ từ 6 – 7 con/kg, giá từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, nay chỉ còn 40.000 – 50.000 đồng/kg. Cá có kích cỡ 10 con/kg chỉ còn 24.000 – 25.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn mà không ai mua và nếu có mua thì cũng mua thiếu. “Hiện nay, đầu ra con cá sặc bổi gặp khó. Tình trạng này gần giống như cá tra trong thời gian qua, nghĩa là thấy nông dân đang khổ sở, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, một số người có ý “lừa đảo” đã nảy sinh ý định đi làm lái cá.
Họ thuê xe hơi đắt tiền, trên xe lúc nào cũng có người phụ nữ đẹp, ăn mặc sang trọng, nói năng từ tốn. Họ tìm đến những ao hầm nuôi cá sặc bổi của nông dân để trả giá mua cá. Họ mua giá rất cao, trả tiền một ít, bắt cá rồi thiếu nợ, sau đó trốn đi mất” – ông Trần Văn Lắm, nông dân nuôi cá sặc bổi huyện Thọai Sơn, nói.
Đầu ra bế tắc, nhiều hộ nuôi cá sặc bổi phải áp dụng biện pháp nuôi giãn, nuôi thưa, cho ăn mỗi ngày chỉ có 1 lần (thay vì mỗi ngày 3 lần như trước đây) để chờ giá.
Nghịch lý
Hơn một thập niên trở lại đây, do nguồn cá thiên nhiên đã cạn kiệt, những hộ làm khô đã khuyến khích ngư dân nghiên cứu nuôi cá sặc bổi để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, từ đó nghề nuôi cá sặc bổi hình thành và phát triển. Nghề này đã giúp nhiều người làm giàu, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động ở ĐBSCL và cũng chính từ đây, sản phẩm khô cá sặc bổi đã phát triển, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Nghịch lý ở chỗ, dù cá nguyên liệu rớt giá nhưng giá khô sặc bổi lại không giảm mà tiếp tục tăng. Cụ thể, khô kích cỡ 5 – 6 con/kg bán lên đến 230.000 – 240.000 đồng/kg, trong khi cá nguyên liệu chỉ có giá 40.000 – 50.000 đồng/kg. Nếu tỷ lệ chế biến khô, cứ 1,7 – 1,8kg cá tươi chế biến được 1kg khô (loại một nắng) thì mức lời của người bán khô là quá cao, trong khi người nuôi cá sặc bổi lại không “sống” được với nghề này…
“Cái khó của việc phát triển nuôi cá sặc bổi hiện nay là đầu ra. Nông dân chỉ biết nuôi đạt năng suất và chất lượng cao, trong khi đầu ra hoàn toàn giao cho thương lái quyết định. Tôi đề nghị Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ về mặt thị trường để nghề nuôi cá sặc bổi phát triển ổn định và bền vững” – ông Nguyễn Văn Chum, nông dân xã An Phú (Tịnh Biên), đề nghị.
Nguồn bài viết: http://www.baoangiang.com.vn/An-Giang-24-Gio/Thoi-su/Nguoi-nuoi-ca-sac-boi-lao-ao.html
Related news
“Đất đai là vốn quý của người nông dân, tuy nhiên không nhất thiết có nhiều đất thì họ mới làm giàu được”. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trọng Oánh ở ấp Cầu Rạt, xã Tân Phước (Đồng Phú), có 14 năm kinh nghiệm trồng rau cho thu nhập cao.
Anh Phạm Văn Nam ở khu phố 5, phường Thác Mơ (TX. Phước Long) có hơn 1 sào đất trồng rau húng lủi. Vào mùa nắng mỗi ngày anh cắt 20kg, mùa mưa giảm một nửa. Trung bình 20 ngàn đồng/kg, thu hoạch đến đâu anh bỏ mối đến đó, thậm chí có những thời điểm không đủ tiêu thụ ở chợ thị xã Phước Long.
Quảng Nam đang nỗ lực phòng, chống bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nuôi nói riêng, khống chế dịch bệnh trong nuôi tôm nước lợ nói chung.
Dịch cúm gia cầm vừa bùng phát trên đàn chim cút ở tỉnh Tiền Giang. ở Đồng Nai, nơi có tổng đàn chim cút khá lớn, nguy cơ bùng phát dịch khá cao. Phóng viên Báo Đồng Nai có trao đổi với ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh.
Nông dân xã Hiệp Xương (Phú Tân - An Giang) trồng thành công giống nếp CK92 (nếp đùm) cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã có khoảng 1.711 héc-ta canh tác nếp (vụ hè thu), năng suất đạt 6,8 tấn/héc-ta. Hiện, giá nếp dao động khoảng 5.800- 6.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, nông dân lãi từ 1,5 - 2 triệu đồng/công.