Người Nuôi Bò Khốn Khó Vì Nắng Hạn

Nắng hạn gay gắt kéo dài làm cho đồng cỏ trồng ở Phú Yên không phát triển, còn đồng cỏ tự nhiên bị “đốt cháy”. Thiếu thức ăn dẫn đến đàn bò kiệt sức, chết đói. Nhiều người dân phải nấu cháo… nuôi “đầu cơ nghiệp”.
Đứng cạnh đám cỏ trồng cao không quá gang tay, ông Nguyễn Văn Tấn ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) cho biết: “Nắng quá khiến đám cỏ trồng bị thiếu nước, không phát triển. Tôi cắt lứa vừa rồi cách nay một tháng, đến nay thân cây không ra thêm lá non nào. Trước đây bỏ ra 30 phút để cắt cỏ về cho bò ăn cả ngày, còn nay mang giỏ ra ngồi “nạo” sát bờ ruộng suốt buổi không đầy giỏ cỏ”.
Đối với người dân miền núi, con bò là nguồn thu nhập chính, giúp không ít gia đình thoát nghèo. Thế nhưng thời gian qua nắng hạn kéo dài, nhiều đồng cỏ bị lụi, dẫn đến bò thiếu thức ăn, gầy ốm, chết đói. Bà La Lang Thị Xinh, người dân tộc Chăm H’ Roi, ở xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) cho biết: Ngày nào tôi cũng lùa đàn bò gần 20 con, đi trên 2km chăn thả ở vùng gò đồi và rẫy lúa đã thu hoạch từ lâu. Ngày nào cũng thả bò ăn qua ăn lại, riết không còn gốc rạ nào. Bò của tôi nay ốm lắm vì thiếu thức ăn, có con bị kiệt sức đi không nổi nhưng tôi không biết phải làm sao.
Cạnh đó, đàn bò của ông Y Thái vừa chết 2 con nghé. “Vừa mới đẻ, bò mẹ ốm quá do không có cỏ ăn, dẫn đến mất sữa nên nghé con bị chết”, ông Thái than vãn. Trước đó, đàn bò của ông Thái có 12 con, vì nắng hạn thiếu thức ăn nên ông bán bớt 4 con. Tuy nhiên khi bán bò, ông cũng bị lái buôn ép giá, mỗi con chỉ bán được 15 triệu đồng, nếu như trước đây thì sẽ có giá 20 triệu đồng.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, năm 2012, tổng đàn trâu bò của huyện gần 21.000 con, nhưng đến nay chỉ còn 18.764 con và có nguy cơ tiếp tục giảm đàn. Nguyên nhân là do đàn bò luôn ở trong tình trạng thiếu thức ăn. Nhiều con gầy, ốm, còi cọc, suy dinh dưỡng, không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm phòng nên bị ốm chết, hoặc người dân bán bớt. Đặc biệt, đàn bò nuôi tại các xã Ea Trol, Ea Bá, Ea Bia, Ea Lâm và Ea Bar không chủ động được nguồn thức ăn, chủ yếu dựa vào đồng cỏ tự nhiên là chính, nhưng hiện nắng hạn đã “đốt cháy” đồng cỏ.
Còn ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa cho hay: Tổng đàn bò của huyện 20.130 con, trước tình trạng nắng hạn kéo dài, nguồn thức ăn cạn kiệt, bò ốm mất sức đề kháng nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao. Vì vậy, phòng phải phối hợp với Trạm thú y huyện thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh xảy ra trên đàn bò để có biện pháp xử lý kịp thời.
Để “đầu cơ nghiệp” đủ sức vượt qua đợt khô hạn này, nhiều người chọn giải pháp nấu cháo cho bò ăn. Ông Trần Văn Trọng ở thôn Hảo Danh nuôi 5 con bò, cho hay: “Gia đình tôi không có ruộng, việc nuôi bò phải trông chờ vào đồng cỏ tự nhiên và mua thêm rơm của người khác. Vừa rồi, tôi phải đến xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) mua 1 sào rơm khô về trữ làm thức ăn cho bò, nhưng giờ số rơm này cũng đã gần hết.
Mấy hôm nay tôi phải nấu cháo cho bò ăn. Nồi cháo bằng rau, cám thì dành cho bò cỏ ăn, còn nồi cháo có thêm ít gạo thì cho bò lai ăn. “Cuối tháng 2 vừa qua, tôi mua 2 con bò lai về nuôi, với hy vọng sau một thời gian vỗ béo sẽ bán kiếm được ít đồng lời gửi cho đứa con đang học đại học. Không ngờ bò lại thiếu thức ăn, xù lông thế này. Dù có nấu cháo “thúc” thì bò cũng không lại sức”, ông Trọng nói.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, tình hình nắng hạn từ đầu năm đến nay đang diễn ra rất gay gắt, nguồn thức ăn gia súc bị cạn kiệt. Trước tình hình này, sở khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững gắn với an toàn dịch bệnh, trong đó có việc tập trung phát triển các trang trại và các cơ sở chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp, bán công nghiệp với quy mô phù hợp.
Related news

Ngày 11/9/2013, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN và PTNT) đã gửi công văn đến Sở NN và PTNT các tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương ven biển đề nghị cảnh báo tới cơ sở nuôi tôm khi xuất bán tôm thương phẩm.

Cuối tuần qua, tại thị trấn Long Mỹ, Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với Công ty Bayer Việt Nam tổ chức ra mắt dự án chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo tỉnh Hậu Giang thuộc cánh đồng mẫu của thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ.

Nhiều nông dân ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) chọn nuôi cá chình để phát triển kinh tế. Bởi cá chình dễ nuôi, ít bệnh, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc và có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn... Với giá từ 460.000 - 520.000 đồng/kg, cá chình trở thành loại thủy sản cho giá trị kinh tế cao, đặc biệt là đầu ra tương đối ổn định.

Gần đây, nhiều vườn hồ tiêu trên địa bàn Quảng Trị bị chết hàng loạt, thiệt hại lớn về kinh tế và gây tâm lý lo lắng cho người dân.

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng vừa hoàn thiện và chuyển giao “quy trình sản xuất cà rốt đẹp” cho nông dân các khu vực chuyên canh cà rốt như Trại Mát, Xuân Thọ (Đà Lạt) với tổng diện tích gieo trồng khoảng 2.000 ha/năm.