Người nông dân có đôi bàn tay vàng
Hiện trong xóm, hầu hết đàn ông, thậm chí cả trẻ nhỏ đang cắp sách đến trường học chữ đều biết nghề ghép cây ăn qủa và cây cảnh. Nhưng nói về nghề ghép cây, bà con trong xóm thường nhắc đến ông Nguyễn Đình Sáng, 55 tuổi, người nông dân có đôi bàn tay vàng và một tấm lòng nhân hậu.
Ông có thể ghép được nhiều loại cây khác nhau trên một thân gốc. Từ đó tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn so với trước đó. Ví như 1 gốc bưởi ta, nếu để quả sẽ có giá bán từ 5 đến 10.000 đồng/quả. Nhưng khi được ghép mắt bưởi Diễn, hoặc bưởi Da xanh lên thân gốc thì cây bưởi đó có giá trị kinh tế cao hơn ít nhất là 10 lần.
Ông Sáng cho biết: Năm 30 tuổi, tôi về Hưng Yên, tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Miền để học nghề ghép cây. Mất 2 tháng dòng, tôi chuyên tâm học và thực hành kỹ thuật ghép cây, chủ yếu là ghép cành và ghép mắt. Trong ghép cành được phân ra thành ghép áp nhánh và ghép đoạn cành; trong ghép mắt có ghép chữ T và ghép cửa sổ.
Vừa học, vừa làm, cho đến lúc đôi tay thuần thục, tôi trở về giúp bà con trong xóm ghép tạo cây mới, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cây ăn quả. Khi cây sống, đơm hoa, đậu quả, có người đến nhà trả tiền công, có người mang đến biếu chục quả đầu mùa, gọi là chút lòng chòm xóm. Mà công xá đáng là bao, nhưng cái tình nó nặng lắm anh ạ.
Tôi nói vui: Ông đang làm cái nghề tạo phúc cho cuộc đời đấy chứ. Nhưng là tạo phúc cho các loài cây; ghép duyên giữa các loài cây, để sau đó cây dâng hiến cho con người những hoa thơm, quả ngọt. Hơn nữa, những dao, kéo của ông khi cắt vào một thân cây, thì cây ấy trở lên có giá trị kinh tế gấp nhiều lần.
Qua trò chuyện chúng tôi còn được biết: Từ 25 năm nay, ông đã đi đến nhiều tỉnh trong vùng Tây Bắc và Đông Bắc để làm nghề tạo phúc cho các loài cây. Mỗi chuyến đi thường kéo dài từ 2 đến 6 tháng. Ngoài mấy bộ quần áo bảo hộ lao động, đồ đoàn ông mang theo gồm chiếc kéo cắt mắt cây, dao ghép cây, giấy nilon và dây buộc mắt ghép, cành ghép và chút tiền ăn đường, tất cả được đựng gọn trong một chiếc túi nhỏ khoác vai.
Nghề ghép cây không cần ở sự quảng cáo khéo, mà cần có đôi bàn tay khéo. Khi đến các nhà vườn, ông tư vấn giúp chủ vườn về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả, cây cảnh. Với những cây không cho giá trị kinh tế cao, ông tư vấn chủ vườn nên cắt ghép, tạo cây mới để từ đó cây cho năng suất, giá trị kinh tế cao hơn, như các loại cây ăn quả: Cam, chanh, nhãn, bưởi, hồng, xoài… các loại cây cảnh như: Mai, đào, xanh, si…
Sau khi thỏa thuận hợp đồng ghép tạo cây với chủ vườn, ông dùng dao cắt những cành cần được ghép, rồi đi tiếp đến những nhà vườn khác để tư vấn và nhận hợp đồng ghép cây. 4 tháng sau, mầm lộc đã nảy xanh ở những vị trí cành bị cắt trước đó, ông bắt đầu thực hiện công đoạn ghép cây theo ý muốn của chủ vườn.
Cứ thoăn thoắt, loang loáng, từng mầm cây đặc sản được ghép lên thân gốc cây bản địa. Ông giải thích như một nhà khoa học: Trong trường hợp gốc ghép và mắt ghép thuộc cùng một cá thể, thì đó là một sự tự ghép; nếu từ các cá thể khác nhau của cùng một loài, là sự đồng ghép; còn sự kết hợp giữa các loài hoặc giống cây khác nhau, thì đó là một sự dị ghép.
Ông dừng lời, đôi tay thoăn thoắt cắt, ghép, buộc để từng gốc ghép và cành ghép chồng khít lên nhau, những vết ghép và đầu cành ghép được chằng buộc kín bằng dây nilon mỏng. Gặp cây cao, ông làm giàn giáo, và ở nguyên trên đó cả ngày để làm việc.
Trung bình mỗi ngày ông làm được từ 250 đến 300 mắt ghép, với giá tiền công 6.000 đồng/mắt ghép. Đương nhiên, các mắt ghép phải sống khỏe trên thân gốc được ghép, chủ vườn mới trả tiền công.
Ông tự tin: Tôi có thể ghép bất cứ loại cây nào, nhưng phải là cây cho giá trị kinh tế cao hơn so với cây bản địa. Trong những chuyến đi ghép cây cho các chủ vườn lớn, tôi cũng đã ghép tặng cho nhiều hộ nghèo được các cây ăn quả có giá trị, với mong muốn giúp những cảnh nghèo vơi đi khó khăn.
Related news
Trong 11 tháng đầu năm 2015, Chi cục Thú y TP.HCM đã xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng chất cấm 2.678 trường hợp với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Sáng 24.11, Tại Hà Nội, CLB Phóng viên Nông nghiệp, nông dân, nông thôn phối hợp với Báo Nông Thôn Ngày Nay đã tổ chức buổi Tọa đàm về nông dân và kinh tế hợp tác. Các chuyên gia, nhà quản lý và nhiều nhà báo đã quan tâm tới dự, chia sẻ sôi nổi về vấn đề này.
Những năm gần đây, Quang Chiểu - xã vùng cao biên giới của huyện Mường Lát (Thanh Hóa) luôn dẫn đầu huyện về giảm tỷ lệ hộ nghèo. Dự kiến cuối năm nay, số hộ nghèo của xã còn khoảng 4%.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, từ giữa tuần này các tỉnh miền Bắc sẽ đón đợt rét đậm, rét hại kéo dài.
Trước năm 2004, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) trồng lúa rẫy nhưng năng suất thấp, thường xuyên phải ăn sắn. Đời sống bà con nơi đây đã đổi thay rõ rệt từ khi Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị mở nhà máy tinh bột sắn...