Người có diện tích cam VietGAP nhiều nhất Hà Nội
Sản xuất bây giờ đặt nhẹ hơn so với tiêu thụ mà muốn tiêu thụ được vấn đề hàng đầu là hàng hóa phải an toàn và chất lượng.
Vườn cam sạch của ông Trần Văn Dàu (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Chuẩn VietGAP được cho là phù hợp với nông dân Thủ đô ở giai đoạn này bởi nó không quá khó, quá khắt khe như GlobalGAP.
Thu nhập hàng chục tỉ, lãi hàng tỉ đồng mỗi năm là điều mà hàng vạn nông dân mới có một người có thể đạt được. Thế mà trang trại cây ăn quả Phù Đổng của ông Trần Văn Dàu ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã đạt được trong mấy năm liền. Ông chính là người nông dân có diện tích cam nhiều nhất của Thủ đô.
Vốn gốc ở tỉnh Hưng Yên, hơn chục năm trước ông Dàu thuê đất bồi ven sông của người dân ở xã Phù Đổng để trồng chuối - loại cây trồng khi đó tại quê ông đang là "mốt". Lúc ấy, với hơn 10ha chuối trong tay, thu nhập cũng không hề nhỏ. Nhưng khi thấy đầu ra cho cây này bắt đầu bão hòa vì đâu đâu cũng trồng, 6 năm trước ông chuyển hướng sang nghiên cứu, trồng cây có múi, mà cụ thể là cam.
Lúc đó cũng nhiều nơi trồng cam mà nhiều nhất là ở các thủ phủ Hòa Bình, Sơn La, Bắc Giang, để phát triển bền vững về đầu ra ông đi theo hướng sạch và chất lượng.
Qua 6 năm kiên trì xây dựng, đổ bao công sức, tiền của ông đã tạo lập được một vườn cam VietGAP rộng mênh mông với tổng diện tích lên tới hơn 12ha. Những công đoạn tỉ mỉ từ chăm bón chủ yếu bằng phân hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ chủ yếu là loại sinh học, ít độc, đảm bảo thời gian cách ly đến ghi chép mọi bước kỹ thuật vào sổ để theo dõi đều được ông tuân thủ nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, quả cam của vườn còn được đăng ký truy xuất nguồn gốc để ở bất cứ ở đâu người tiêu dùng cũng có thể tra cứu về xuất xứ, quy trình sản xuất.
Chính nhờ đó mà trong khi cam ở một số nơi đang ế, dội chợ vì chất lượng không đảm bảo thì sản phẩm của trang trại ông Dàu đã có mặt ở nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh thành xung quanh, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Theo ông Dàu, trồng cây gì cũng vậy nói khó thì không phải, nói dễ cũng không phải mà đòi hỏi người trồng phải dành thời gian, tâm sức ngay từ khâu xuống giống đến khi thu hoạch thì mới chắc ăn. Như những gốc cam Canh, cam Vinh, bưởi da xanh, bưởi Đào Chuyên trong vườn của ông khi mua giống đã chọn loại tốt, nhà vườn uy tín, mua vật tư chăm sóc cũng thế. Làm nông phải nghiên cứu tất cả kỹ thuật liên quan đến đối tượng của mình chứ không dễ thất bại.
“Nông sản bẩn đang là vấn nạn lớn không chỉ đe dọa trực tiếp sức khỏe của người tiêu dùng mà còn gián tiếp hại chính người sản xuất, người thương lái. Bản thân tôi luôn tâm niệm rằng sản xuất gì thì sản xuất phải xuất phát từ cái tâm. Mình làm giàu nhưng cũng còn để đức cho con cái sau này", ông Trần Văn Dàu.
Năm vừa qua, dù giá các loại quả có múi thấp hơn mấy năm nhưng giá cam của ông Dàu vẫn nhỉnh hơn những loại cam không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không phải là hàng VietGAP. Với sản lượng khoảng 100 tấn các loại dự tính vụ này trang trại có thể đạt mức thu trên 10 tỷ đồng.
Thời gian tới, tuy cây cam có biểu hiện đã gần bão hòa nhưng ông vẫn tiếp tục đầu tư để cải tạo, nâng cao năng suất và chất lượng đối với diện tích hiện có bởi hơn ai hết ông hiểu sự an tâm, hài lòng của người tiêu dùng chính là một bệ đỡ ổn định nhất cho nhà nông.
Hướng đi này của ông cũng rất hợp với định hướng của huyện Gia Lâm trong phát triển các mô hình trang trại cây ăn quả theo quy mô lớn với quy trình sạch.
Các trang trại bỏ vốn, kỹ thuật trồng và chăm sóc còn địa phương sẽ hỗ trợ vốn để làm đường giao thông, hệ thống điện để thuận tiện cho ứng dụng công nghệ cao, máy móc cơ giới trong quá trình chăm sóc cũng như thương lái vào thu mua khi thu hoạch.
Related news
Thực hiện mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI) trên cánh đồng mẫu lớn thuộc dự án FLOW/EOWE do Chính phủ Hà Lan tài trợ.
Nhiệt độ úm rất quan trọng, vì trong những ngày tuổi đầu, do chưa thích nghi với môi trường bên ngoài nên gà con cần nhiệt độ úm thích hợp
Đánh giá kết quả sản xuất lúa lai F1 tập trung của Cty Cường Tân tại huyện Trực Ninh (Nam Định)
Mô hình khảo nghiệm trồng dưa lưới trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao, có thể sản xuất được quanh năm đã mở ra hướng đi mới cho nông dân huyện Kim Động
Các hộ đã bắt tay với doanh nghiệp, liên kết nuôi lợn bằng cám thảo dược, được bao tiêu toàn bộ đầu ra cho sản phẩm.