Cậy nhờ cây, con trọng điểm để tăng trưởng dương
Mức tăng thấp nhất trong 6 năm
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, 9 tháng đầu năm ngành nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng 5,93% của toàn nền kinh tế 9 tháng qua, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 0,65% - mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây. Cụ thể, 9 tháng đầu năm của các năm 2011-2015, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng lần lượt là 3,95%; 2,75%; 2,38%; 2,94%; 2,08%.
Trong ảnh: Nhiều loại trái cây Việt Nam gần đây được các thị trường lớn nhập khẩu, góp phần vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Ảnh: Sơ chế thanh long xuất khẩu tại Bình Thuận. Ảnh: C.T
Điều cần quan tâm là chú trọng để gia tăng giá trị sản xuất, thay vì chỉ chạy theo sản lượng. Trong đó, điều quan trọng là phải tích cực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng có thể giảm cây/con nọ, tăng cây/con kia nhưng vẫn đạt yêu cầu, thậm chí vượt về giá trị, tăng trưởng là được”.
Ông Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối
Như NTNN phản ánh gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự lo ngại khi trong quý I và quý II, tăng trưởng của ngành nông nghiệp âm 0,18% và đã đưa ra rất nhiều cảnh báo. Đó là hậu quả của tình trạng rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía Bắc; tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trong ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, ĐBSCL; rồi tình trạng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất và đời sống nhân dân... Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, vào khoảng 15.200 tỷ đồng, bằng 5,2% GDP của khu vực nông nghiệp.
Nguyên nhân chính có thể là do giá hàng hóa nông sản xuất khẩu không những ở mức thấp, mà còn liên tục giảm mạnh từ 2011 đến nay, khiến sự thua thiệt của nông dân ngày càng lớn. Theo các chuyên gia tài chính, nếu quy về giá cùng kỳ năm 2011 – năm mà hàng nông sản xuất khẩu được giá nhất kể từ năm 2010 trở lại đây – thì tổng kim ngạch xuất khẩu của 7 nhóm hàng chính (gạo, cà phê, điều, sắn và sản phẩm sắn, cao su, hạt tiêu, chè) trong 6 tháng đầu năm 2016 phải lên tới xấp xỉ 8 tỷ USD. So với con số thực tế chỉ đạt 6,19 tỷ USD, thì ngành nông nghiệp đã bị thua thiệt về giá tới 1,8 tỷ USD.
Bình luận về con số này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng sự thua thiệt của ngành nông nghiệp Việt Nam cũng là tình trạng chung của nông nghiệp thế giới. Tuy nhiên cần lưu ý rằng đây là lần thứ 2 trong gần 6 thập niên qua, giá các loại hàng nông sản của nước ta giảm trong suốt 5 năm liền. Rõ ràng tác động của việc giảm giá hàng nông sản đã khiến “sức khỏe” của khu vực nông nghiệp yếu dần, ngày càng mong manh và trở nên khó chống đỡ trước thiên tai. Các vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn… là những “cú đòn” khiến nông nghiệp đuối sức một cách đáng lo ngại.
Con tôm, cây rau sẽ bù đắp thiếu hụt?
Trao đổi thêm với NTNN, ông Võ Trí Thành nhận định, nhiều khả năng những tháng cuối năm 2016 nông nghiệp sẽ tiếp tục giữ đà tăng trưởng như quý III, nhưng sẽ thấp hơn so với trung bình các năm trước. “Xem các số liệu mặt hàng nông sản chính, có thể thấy sự tăng trưởng trở lại của ngành nông nghiệp trong quý III không đến nỗi kém, mà có thể nói là khá tốt trong bối cảnh hiện nay. Nếu có điều chỉnh kịp thời thì chắc chắn các lĩnh vực có tín hiệu khả quan như xuất khẩu thủy sản (đặc biệt là mặt hàng tôm), xuất khẩu rau, hoa quả sẽ bù đắp được những thiếu hụt của ngành” – ông Thành nói.
Cùng quan điểm này, ông Hồ Xuân Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong quý III chưa phải là thành quả của chương trình tái cơ cấu ngành, mà chủ yếu do sự tăng trưởng của các mặt hàng thủy sản, lâm nghiệp, rau hoa quả… “Lâu nay người ta vẫn nhận định nông nghiệp sụt giảm là do thiên tai, nhưng thực tế thiên tai từ ngàn đời nay vẫn có, không riêng gì nước ta mà các nước khác còn nhiều thiên tai hơn. Vấn đề là do chiến lược phát triển ngành nông nghiệp còn tồn tại yếu kém” – ông Hùng thẳng thắn nói.
Ông Hùng cũng cho rằng, ngành nông nghiệp chưa có cơ cấu cây trồng – vật nuôi thích hợp từng vùng; chưa có giải pháp kỹ thuật phù hợp với các vùng khí hậu đặc thù… “Tại sao Israel khí hậu khắc nghiệt như thế mà nông nghiệp của họ vẫn phát triển mạnh? Đó là nhờ họ áp dụng công nghệ cao. Còn ở nước ta, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo chưa rõ ràng. Khẩu hiệu phát triển nông nghiệp toàn diện theo tôi không còn phù hợp nữa, mà cần phát triển có trọng tâm, trọng điểm, xác định mặt hàng lợi thế phù hợp từng thời kỳ, từng vùng…” – ông Hùng nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng khẳng định vấn đề lớn nhất của nông nghiệp hiện nay là vấn đề tăng trưởng bền vững. “Dù không có những “cú sốc” về thiên tai, biến đổi khí hậu, hạn hán, dịch bệnh... thì nông nghiệp Việt Nam những năm gần đây vẫn có xu hướng tăng chậm và ngày càng giảm. Do đó thời gian tới, nông nghiệp cần thực hiện 2 việc: cải tổ căn bản cơ cấu ngành, tập trung những lĩnh vực có lợi thế; thay đổi thể chế trong nông nghiệp và thích ứng với những đòi hỏi mới về tiêu dùng, khoa học công nghệ, biến đổi khí hậu...” – ông Thành nói.
Related news
Trong số 29 loại trái cây xuất khẩu của Việt Nam, có nhiều loại trái cây có giá trị xuất khẩu tăng kỷ lục
Đến thời điểm này, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã có 16/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). 2 xã Dương Quang
Chỉ đạo “đóng cửa rừng Tây Nguyên” của Thủ tướng Chính phủ khiến người dân khu vực này bớt nỗi lo