Ngư Dân Bình Sơn Vào Mùa Biển Mới
Sau những ngày đón Tết Ất Mùi, đất trời bắt đầu êm dịu, biển khơi không còn những cơn sóng dữ. Đây cũng là lúc những tàu thuyền ngư dân khai thác hải sản xa bờ ở huyện Bình Sơn chuẩn bị ra khơi, bước vào mùa biển mới với nhiều niềm tin và hy vọng.
Ngư dân Nguyễn Văn Quỳnh, chủ tàu QNg 55455 hành nghề lưới vây ở xã Bình Đông cho biết: Năm nào cũng vậy, hầu hết tàu lưới vây ở xã cứ ăn Tết Nguyên đán xong là ra khơi đi vào ngư trường các tỉnh phía nam để khai thác hải sản. Mấy năm trước khoảng qua rằm tháng giêng tàu xuất bến, nhưng năm nay thì sớm hơn.
Anh em bạn chài ở trong đó cứ gọi điện thúc giục, báo tin biển đang có cá nên cho tàu vào sớm để ra khơi. Mỗi chuyến biển của tàu hành nghề lưới vây ở phía nam chỉ tốn khoảng trên dưới 50 triệu đồng tổn phí nên chủ tàu cũng đỡ lo. Năm 2014, tàu anh Quỳnh liên tục bám biển ở các ngư trường phía nam, phía bắc đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí mỗi bạn chài kiếm được 70 đến trên 100 triệu đồng.
Cũng theo anh Quỳnh để tàu ra khơi đúng theo dự định và thắng lợi sau mỗi chuyến biển, trước Tết anh đã chốt số lượng bạn chài và chọn ngày tốt xuất hành vào dịp đầu năm mới Ất Mùi. Mùa này do ngư trường Quảng Ngãi, Đà Nẵng ít có cá nên tàu lưới vây nào chuyển ngư trường vào Nam khai thác, vì vậy ở đây ngư dân thường gọi mùa đi nam.
Ngư dân Nguyễn Thành Trung ở xã Bình Chánh hành nghề câu mực khơi bộc bạch: Cùng với việc vui Xuân đón tết, ngư dân ở làng chài tranh thủ kiểm tra lại dụng cụ như rườn, thúng, đèn nháy... để chuẩn bị cho chuyến biển đầu tiên.
Anh Trung đã có hơn hai mươi năm theo nghề biển nhưng chuyến ra khơi đầu tiên hằng năm lúc nào cũng làm anh bâng khuâng và kỳ vọng. Bởi chuyến biển đầu tiên tốn rất nhiều chi phí vì đa phần phương tiện hành nghề phải sắm mới; đồng thời phải chuẩn bị nhiều lương thực, thực phẩm mà đầu năm thì giá cả lúc nào cũng tăng cao.
Chi phí cho chuyến đầu tiên của mỗi lao động khoảng trên 30 triệu đồng, vì vậy phải câu đạt từ 7 đến 8 tạ mực mới đủ tổn và kiếm thu nhập trang trải cho gia đình. Chuyến ra khơi đầu tiên cũng là chuyến đầy hứa hẹn bởi thời tiết thuận lợi, mực nhiều.
Ngư dân Bình Đông trúng đậm nhiều loại cá
Từ ngày mùng 2 Tết Ất Mùi đến nay, ngư dân hành nghề lưới cước, lưới ba màng ở xã Bình Đông (Bình Sơn) liên tục trúng đậm nhiều loại cá, mỗi ngư dân có thu nhập từ 800.000 đến 1 triệu đồng sau một chuyến ra khơi. Ngư dân ở đây cho biết nghề lưới cước đánh đủ thứ cá, nhưng mấy ngày Tết chủ yếu đánh được cá trích, cá ngân, cá bạc má.
Hiện tại 1 kg cá trích có giá từ 12.000 đến 15.000 đồng, cá ngân có giá từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/kg, cá bạc má từ 100.000 đến 120.000 tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Ngoài ra, một số ngư dân hành nghề thúng câu, cũng có thu nhập từ 1 đến 1,5 triệu đồng/đêm.
Anh Nguyễn Đình Hiệp, chủ tàu QNg 95514 hành nghề câu mực ở xã Bình Chánh trải lòng: Chuyến biển đầu tiên không chỉ có bạn chài lo lắng về khoản tổn phí mà hơn 80 chủ tàu thuyền ở xã cũng có chung tâm trạng như vậy. Bởi mỗi chuyến ra khơi thường kéo dài từ 2 đến 3 tháng mới vào bờ một lần, nên tàu nào cũng phải trang bị nhiều dầu mỡ, lương thực, thực phẩm với tổng chi phí trên 300 triệu đồng. Đó là chưa kể những khoản tiền tu sửa tàu thuyền, máy móc chuẩn bị trước khi ra khơi. Nếu năm nay mực nhiều như năm ngoái và giữ mức giá tầm 80.000 đồng/ kg trở lên thì ngư dân có lãi khá.
Ông Hồ Minh Sơn - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Năm 2015 các tàu đánh bắt xa bờ ra khơi khai thác hải sản sớm hơn mọi năm. Hiện nay ngư dân trong huyện chuẩn bị khá đầy đủ trang thiết bị cũng như các nguồn lực để chọn ngày tốt xuất bến.
Toàn huyện có 1.212 chiếc tàu thuyền với công suất 157.312 CV hoạt động đánh bắt hải sản, tập trung ở các xã Bình Châu, Bình Thuận, Bình Hải, Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Dương; trong đó có gần 50% tàu thuyền khai thác xa bờ. Điều mà nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ phấn khởi trong mùa biển mới năm 2015 là tình hình giá cả nhiên liệu giảm xuống 30% so với các năm trước.
Mặc dù không khí Tết cổ truyền vẫn còn nhưng ngư dân đánh bắt xa bờ huyện Bình Sơn ai cũng hăng hái, tất bật cho chuyến ra khơi đầu năm. Những con tàu đang chờ đợi ngày tốt để xuất bến vượt sóng ra khơi chứa chan niềm hy vọng, trời yên biển lặng, tôm cá được mùa.
Related news
Mọi ngư dân đóng mới tàu công suất lớn, nâng cấp, cải hoán tàu cá công suất nhỏ, tàu cá cũ đủ điều kiện đều được hỗ trợ. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đưa ra quy hoạch và định hướng các ngành nghề khai thác, mẫu tàu để ngư dân lựa chọn, quyết định.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình sản xuất cá tra đang có dấu hiệu khả quan, người nuôi đã có lãi. Giá cá tra nguyên liệu trong tháng 11 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ 23.500 - 24.000 đồng/kg, ổn định so với tháng trước, trong khi giá thành sản xuất từ 22.000 - 23.000 đồng/kg.
Xác định vai trò chủ thể của nông dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Hội Nông dân huyện Cai Lậy đã tích cực vận động hội viên thi đua lao động sản xuất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất... để địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM theo tiến độ.
Giá lúa tại ĐBSCL đã tăng trở lại bình quân từ 100-200 đồng/kg so với cách nay 1 tuần. Hiện lúa IR50404 tươi có giá 4.500 - 4.700 đồng/kg, lúa khô từ 5.500-5.600 đồng/kg; lúa tươi hạt dài thường đang ở mức từ 4.750 - 5.000 đồng/kg và lúa khô từ 5.700-5.900 đồng/kg. Lúa thơm khô từ 6.000 - 6.200 đồng/kg.
Ông Yukio Kikuchi, giám đốc dự án tại Việt Nam của Công ty Yanmar (Nhật Bản) cho biết, doanh nghiệp đang đầu tư thí điểm khoảng 180 tàu composite giúp ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định đánh bắt cá ngừ đại dương xuất khẩu.