Thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm từ mô hình ương giống cá chạch lấu
Mô hình ương giống cá chạch lấu, một loài cá ngon và hiện còn rất ít trong tự nhiên, giúp nông dân Hậu Giang thu cả tỷ đồng mỗi năm.
Anh Trần Thanh Hùng đang vuốt cá chạch lấu cái để lấy trứng chuẩn bị thụ tinh. (Ảnh: Tấn Phong).
Những ngày này, anh Trần Thanh Hùng ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cùng các nhân công mà anh thuê mướn đang tất bật lo lấy trứng từ cá chạch lấu cái để thụ tinh, vừa lo bán cá giống cho nông dân từ các tỉnh, thành tìm về mua.
Anh Hùng cho biết, năm nào cũng vậy, cứ vào đầu tháng 3 đến tháng 9 là anh tiến hành ép giống cá bố mẹ được nuôi trong các bể xi măng, trung bình mỗi con ép được khoảng 8 lần, mỗi lần thành công được hơn 100.000 con cá bột.
Trước đây để có được giống cá chạch lấu bố mẹ tốt, anh phải lên tận miệt An Giang, Đồng Tháp tiếp giáp với biên giới Campuchia để mua với giá 200.000 đồng/kg mang về thuần dưỡng rồi mới tiến hành ép giống.
Mấy lần đầu do không nắm vững đặc tính, kỹ thuật nên dẫn đến thất bại. Nhưng bằng sự nỗ lực và học hỏi, rút kinh nghiệm, cuối cùng anh đã thành công. Đợt cá giống đầu tiên anh giữ lại nuôi để làm cá bố mẹ. Hiện tại, anh Hùng đã có trong tay hàng trăm con cá bố mẹ.
Nói thì dễ nhưng khi tận mắt chứng kiến anh Hùng bắt tay thực hiện toàn bộ quy trình để có được con cá chạch lấu giống mới thấy hết gian nan.
Trước khi cho cá sinh sản, anh Hùng phải thuần dưỡng cá bố mẹ thật kỹ. Khi cá thành thục, mang trứng thì anh mới bắt đầu sử dụng thuốc kích thích vuốt lấy trứng. Để đạt hiệu quả cao, anh rắc trứng cá được thụ tinh lên vĩ lưới dựng đứng trong bể xi măng, có mực nước từ 60-70cm, sục khí oxy liên tục 24/24h.
Trong giai đoạn này nhiệt độ trong môi trường nước và hàm lượng oxy phải đảm bảo theo quy định. Sau 6 ngày trứng cá chạch lấu sẽ nở thành cá bột.
Trứng cá chạch lấu sau 6 ngày sẽ nở thành cá bột. (Ảnh: Tấn Phong).
Giai đoạn này, khâu cho cá ăn vô cùng quan trọng, thức ăn chủ yếu là trứng nước và trùn chỉ. Do đó, môi trường nước dễ bị ô nhiễm và phát sinh nhiều ký sinh trùng gây bệnh trên cá nên phải chăm sóc cẩn thận và theo dõi từng ngày, cho đến khi cá lớn bằng ngón tay út thì mới đảm bảo được sự an toàn.
Cũng theo anh Hùng, cá chạch lấu sống và phát triển tốt trong môi trường nước ngọt và nước lợ có lớp đáy mềm. Sau một năm nuôi, cá đạt trọng lượng 300-500 g/con. Nếu thả nuôi tiếp năm sau cá sẽ lên đến khoảng 1 kg/con. Hiện nuôi cá chạch lấu mang về giá trị kinh tế cao.
Trên thị trường, cá chạch lấu cỡ khoảng 250-500 g/con được bán với giá 280.000-350.000 đồng/kg, cá có trọng lượng lớn hơn có giá hơn 400.000 đồng/kg cá thịt. Loại cá ngon này tiêu thụ chủ yếu ở nhà hàng và các quán ăn đặc sản.
Từ giá trị mà cá mang lại, nhiều hộ nuôi trong và ngoài tỉnh đã đến cơ sở của anh Hùng đặt cá giống về nuôi cá thương phẩm hoặc mua cá bột về dưỡng để bán cá giống. Chính vì vậy lượng cá giống do anh sản xuất luôn cung không đủ cầu.
Theo anh Hùng, cá chạch lấu giống từ 9-10cm có giá bán 7.000 đồng/con; cá từ 11-12cm khoảng 9.000 đồng/con. Bình quân mỗi năm anh Hùng thu được hơn 600 triệu đồng đồng từ bán cá chạch lấu giống, riêng năm nay đạt gần 1 tỷ đồng.
Do không đáp ứng hết nhu cầu cá chạch giống trên thị trường nên thời gian gần đây anh Hùng đã truyền đạt kinh nghiệm sản xuất cá giống cho những hộ trong ấp nuôi nuôi để tăng thu nhập. Ngoài sản xuất cá chạch lấu giống bán, hiện anh đang chuẩn bị các hồ, bể để tiến hành nuôi cá chạch lấu thương phẩm theo hướng công nghệ cao.
Nông dân ở nhiều nơi đến tham quan mô hình của anh Hùng và mua cá chạch lấu giống. (Ảnh: Tấn Phong).
Bên cạnh mô hình sản xuất cá chạch lấu giống khá thành công, hiện anh Hùng còn là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Thuận Hưng. Mọi phong trào ở địa phương anh đều tích cực tham gia. Những năm qua anh liên tiếp nhận được nhiều khen, thưởng từ Trung ương, tỉnh, huyện.
Cách nay 3 năm, anh đã vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực vào hoạt động Đoàn, Hội./.
Related news
Để có được giống quý này, anh phải lặn lội sang Malaysia, nhờ người quen hướng dẫn đến một vườn sầu riêng để mua bo (mắt ghép) mang về nhân giống.
Mới ở tuổi 34, nhưng anh Nguyễn Văn Tú ở đội 2, thôn Trung Hoà, xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, Hưng Yên đã khá nổi danh trong nghề nuôi trồng nấm ăn
Thị xã Vĩnh Châu là một trong những địa phương nuôi tôm nổi tiếng với gần 6.000 hộ nuôi trên diện tích 5.500ha. Nơi đây từng được mệnh danh là cái nôi của tôm