Nghề biển ở Duy Hải

Những ngày qua, thời tiết nắng nóng, người dân xã Duy Hải tập trung hấp cá, tẩm cá, làm cá bò khô. “Qua mùa nắng rồi thì có muốn cũng chẳng thể sản xuất được. Thời điểm cuối vụ, chị em chúng tôi tranh thủ hấp cá, làm cá bò để có thêm thu nhập. Vụ này đi qua, tùy theo việc, có thể chúng tôi sẽ làm nghề bán cá, phụ chồng đi biển hoặc tham gia làm mắm cùng chị em địa phương” - chị Ngô Thị Phượng ở thôn Trung Phường nói. Ông Võ Quốc Hai - cán bộ phụ trách thủy sản UBND xã Duy Hải cho biết, trên địa bàn hiện có 4 cơ sở chế biến cá bò, cá hấp với tổng sản lượng khoảng 7 nghìn tấn/năm, tạo thu nhập tương đối ổn định cho lao động nữ ở mức 3 triệu đồng mỗi tháng. Toàn xã cũng có gần 10 cơ sở chế biến nước mắm, thương hiệu tiếp tục được khẳng định nhờ hoạt động quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ dịp cuối năm.
Chế biến hải sản hoạt động hiệu quả ở xã Duy Hải nhờ khai thác tăng sản lượng trong thời gian qua. Đến nay, toàn xã có 127 tàu thuyền, tổng công suất 5.265CV, trong đó tàu cá có 11 tàu công suất từ 90CV trở lên. Nghề cá ở xã phân bổ theo các nghề lưới vây, câu khơi, câu cá hố, lờ mực. Đến xã Duy Hải hỏi tìm ngư dân sản xuất giỏi, người ta chỉ ngay đến ông Lê Chí ở thôn An Lương. Theo ông Chí, nghề câu cá hố gia đình khai thác đạt trong vài năm trở lại đây. Mỗi chuyến biển (khoảng 10 ngày - PV) đem lại nguồn thu hàng chục triệu đồng. Từ việc ổn định sản xuất, ông Chí đang đầu tư cải hoán nâng cấp tàu cá có công suất từ 60CV lên thành 150CV để thuận lợi hơn trong sản xuất.
Tổng sản lượng đánh bắt trong năm 2014 của Duy Hải đạt hơn 6 nghìn tấn, vượt 15% so với kế hoạch. Đáng chú ý, hải sản xuất khẩu như mực, cá hố chiếm khoảng 33% sản lượng chung. Đến thời điểm này của năm 2015, tổng sản lượng khai thác hải sản của xã đạt khoảng 5 nghìn tấn (tăng 10% so với cùng kỳ). Ông Nguyễn Văn Thống - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho rằng, nghề biển của xã tương đối phát triển trong thời gian qua nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Địa phương đang khuyến khích ngư dân góp vốn đầu tư tàu có công suất lớn để đánh bắt xa bờ theo hướng vừa khai thác vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tin vui đối với làng biển Duy Hải là mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định phân bổ cho ngư dân địa phương được vay vốn lãi suất ưu đãi để đóng mới 3 tàu vỏ composite có công suất từ 800CV trở lên để hoạt động trên các vùng biển xa của Tổ quốc.
Related news

Trung tâm Giống thủy sản đang tập trung thực hiện công tác phòng chống lụt bão, củng cố các công trình hồ chứa, đồng thời triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các loại giống thủy sản trong mùa mưa lũ năm nay.

Vườn quốc gia Bái Tử Long (VQG BTL) được thành lập năm 1982 trên cơ sở chuyển hạng từ khu bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn nằm trên địa giới hành chính 3 xã Minh Châu, Hạ Long, Vạn Yên (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh).

Phú Giáo (Bình Dương) là huyện có nhiều mô hình “Dân vận khéo” mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.

Thiên nhiên đã ưu đãi cho mảnh đất huyện Đức Linh (Bình Thuận) điều kiện thổ nhưỡng trù phú. Nơi đây có diện tích mặt nước thích hợp cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt khá lớn, với trên 2.000 ha. Trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản 1.150 ha...

Hiện tại, giá tôm hùm thương phẩm tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn được thương lái thu mua bằng hình thức “cân xô, đổ đồng” tức là tính bình quân tôm loại I, II và III đều lấy cùng một thang giá từ 1 triệu đến 1,1 triệu đồng/kg.