Nghệ An tăng cường quản lý lợn giống và thức ăn chăn nuôi
Mục đích triển khai quản lý lợn đực giống nhằm tăng cường công tác quản lý về giống vật nuôi đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng bền vững-hiệu quả-nâng cao giá trị gia tăng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng Lợn đực giống, phát huy hiệu quả lai tạo giống, nâng cao chất lượng đàn lợn của tỉnh; nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong việc chọn lọc giống, lai tạo giống, sử dụng tinh và sử dụng lợn đực giống để phối giống cho lợn nái.
Theo đó, kế hoạch gồm các nội dung như: Triển khai thống kê, phân loại lợn đực giống; đánh giá, phân loại và đeo thẻ tai cho lợn đực giống và công khai kết quả; xử lý kết quả, nhập số liệu, thông tin và hồ sơ theo dõi lợn đực giống; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về tác dụng của việc sử dụng lợn đực giống đạt tiêu chuẩn và tác hại của sử dụng lợn đực giống kém chất lượng đến người chăn nuôi.
Hội nghị cũng đã thảo luận, triển khai công tác quản lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, bên cạnh việc tuyên truyền về các quy định trong lĩnh vực này, còn tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề chất lượng và an toàn thức ăn chăn nuôi; kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, kinh doanh và an toàn thức ăn chăn nuôi; kiểm tra giám sát chất lượng và ATTP đối với nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm; kiểm tra giám sát chất cấm trong sản xuất, sử dụng thức ăn chăn nuôi.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Vi Lưu Bình - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nêu rõ: Công tác giống có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển chăn nuôi, là một trong những yếu tố tiên quyết đến chất lượng sản phẩm, hiệu quả chăn nuôi. Tuy nhiên trong thời gian qua, công tác này vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là tình trạng lạm dụng các chất cấm, chất kích thích, kháng sinh tràn lan, gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe người tiêu dùng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 nhà máy và trên 70 hãng sản xuất đang cung ứng thức ăn chăn nuôi với hàng trăm loại sản phẩm khác nhau. Qua điều tra có 100% trang trại, gia trại và trên 60% số hộ chăn nuôi có sử dụng thức ăn công nghiệp, một số sử dụng thức ăn dư thừa hoặc các chất bổ sung, thuốc thú y… là những đối tượng có nguy cơ cao về chất lượng và ATTP.
Trước yêu cầu ngày càng cao của phát triển chăn nuôi, nhu cầu người tiêu dùng cũng như yêu cầu, thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế, quản lý lợn đực giống và thức ăn chăn nuôi được coi là một yêu cầu cần thiết và bắt buộc. Sau hội nghị cấp tỉnh, các huyện sẽ tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch này, theo đó từng vấn đề cụ thể của các kế hoạch này phải được triển khai đến tận cấp quản lý cơ sở, tuyên truyền đến tận người chăn nuôi để bà con có sự lựa chọn tốt nhất trong phát triển chăn nuôi.
Related news
9 tháng đầu năm, 25 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bạc Liêu đã chế biến và xuất khẩu được trên 36.000 tấn thủy sản các loại...
Australia là một thị trường tiêu thụ thủy sản lớn. Mỗi năm, Australia có nhu cầu nhập khẩu khoảng 200.000 tấn thủy sản, trị giá hơn 1 tỷ USD. Các loại thủy sản Việt Nam được thị trường Australia ưa chuộng nhất là tôm, cá chẽm, cá basa…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, vừa phát hiện chất vàng-ô có thể gây ung thư trong thịt gà, cá, trứng gia cầm...
Nhờ năng động, sáng tạo cùng với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Nguyễn Văn Hanh, thôn Chân Chim, xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn cho thu lãi tiền tỷ mỗi năm.
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay tình trạng bơm nước vào gia súc, gia cầm trước và sau khi giết mổ vẫn còn diễn ra tại một số địa phương và có chiều hướng phức tạp, thủ thuật tinh vi hơn.