Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghệ An áp dụng VietGAP vào nuôi tôm

Nghệ An áp dụng VietGAP vào nuôi tôm
Publish date: Thursday. April 9th, 2015

Trong 4 năm gần đây, các giống tôm nuôi đã xuất hiện những căn bệnh mới, phức tạp, tốc độ lây lan nhanh khiến tôm chết hàng loạt. Năm 2012, hội chứng hoại tử gan tụy đã làm cho gần 250 ha tôm bị chết, gây thất thu hàng chục tỷ đồng…

Để nghề nuôi tôm phát triển một cách bền vững, mang lại hiệu quả và lợi ích lâu dài, năm 2013, từ dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát bền vững Nghệ An (CRSD), Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã xây dựng được 7 vùng nuôi tôm áp dụng VietGAP đảm bảo an toàn sinh học cho 172 hộ trên tổng diện tích 185 ha; gồm các xã: Diễn Trung (Diễn Châu); Quỳnh Thanh, Quỳnh Bảng, Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu) và Quỳnh Lộc, Quỳnh Xuân, Quỳnh Dị (Hoàng Mai - Nghệ An).

Tại các vùng nuôi này có 8 hộ được lựa chọn với tổng diện tích là 31.000 m2 để dự án hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi an toàn sinh học VietGAP. Ngoài việc được hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, người dân còn được tham gia các tổ cộng đồng với các quy định xử lý nghiêm các vi phạm trong bảo vệ môi trường, quản lý vùng nuôi; từ đó hạn chế được việc xả thải bùn thải, nước có mầm bệnh chưa xử lý ra môi trường chung… Trong năm 2015, tại 7 vùng nuôi trên, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 7 hộ dân xây dựng 7 mô hình trên tổng diện tích 28.000m2 (2,8 ha) theo quy trình VietGAP.

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.700 ha phục vụ nuôi tôm, kế hoạch vụ 1 năm 2015, cả tỉnh dự kiến có 1.350 ha thả tôm, trong đó có 95% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng. Cho đến thời điểm này, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã cơ bản thực hiện xong các bước xử lý ao đầm để chuẩn bị mua tôm giống về thả.

Tại xã Diễn Trung (Diễn Châu) có 37,5 ha nuôi tôm thâm canh theo hình thức công nghiệp với 40 hộ nuôi. Đầu tháng 4, bà con đã thả được 15 ha, số ao đầm còn lại đang ráo riết thực hiện những công tác cuối cùng để tiến hành thả giống.

Trước khi thả tôm, các hộ dân đã đến trại ương gièo của doanh nghiệp cung ứng giống và kiểm tra chất lượng tôm giống rồi bắt 1 ít về thả thử. Nếu sau 1 ngày, tôm không có biểu hiện khác thường thì mới nhận tôm về thả. Thay vì cách nuôi truyền thống phụ thuộc vào thiên nhiên, việc nuôi tôm theo mô hình VietGAP, giúp người nuôi chủ động phòng tránh được bệnh tật. Nhờ kiểm soát tốt nguồn thức ăn, nguồn nước và hạn chế sử dụng các thuốc, hóa chất nên sản phẩm sẽ đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, các doanh nghiệp cũng yên tâm về sản phẩm khi xuất bán cho thị trường nước ngoài.

Ông Đậu Ngọc Hòa, Trưởng Ban Khuyến nông xã Diễn Trung (Diễn Châu) cho biết: Năm 2013, xã đã quy hoạch vùng an toàn sinh học, thành lập 1 tổ cộng đồng có quy ước để nuôi theo qui trình VietGAP gồm 12 hộ tham gia trên diện tích 20 ha.

Vùng nuôi an toàn sinh học được xây dựng đảm bảo về cơ sở hạ tầng, hệ thống kênh mương cấp thoát nước riêng biệt, không xả thải ra môi trường. Nhờ được đầu tư, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất luôn cao hơn vùng nuôi đại trà khác khoảng 20%. Từ mô hình được hưởng lợi dự án, hiện các hộ nuôi tôm đã có những nhận thức cơ bản về việc nuôi theo hướng an toàn sinh học. Đặc biệt là công tác xử lý ao đầm trước khi thả giống và cách chọn giống...

Anh Nguyễn Cường ở vùng nuôi An toàn sinh học Đập Ráng, xã Diễn Trung (Diễn Châu) được lựa chọn để nhận hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng VietGAP. Áp dụng theo đúng quy trình, trên diện tích 4.000m2 sau gần 3 tháng nuôi, anh Cường thu được 4.300 kg tôm, tỷ lệ sống đạt 85%, kích cỡ tôm đạt 80 con/kg; với giá bán 130.000 đồng/kg, anh có tổng thu 559 triệu đồng, trừ chi phí lợi nhuận thu được 258 triệu đồng. Theo anh Cường, nuôi tôm theo hướng VietGAP không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt về quy trình cải tạo ao đầm mà chất lượng con giống đặc biệt được chú trọng. Con giống phải có kích cỡ đồng đều, được cơ quan chuyên ngành kiểm dịch.

Trước khi thả, người nuôi phải tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường như độ pH, độ kiềm, độ mặn... để phát hiện, điều chỉnh thích hợp, tránh gây sốc cho tôm. Nếu thực hiện đúng quy trình VietGAP thì tỷ lệ tôm sống sẽ đạt trên 85%, sinh trưởng nhanh, không những cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn mà còn nâng cao hiệu quả về môi trường vì nguồn nước thải và ao đầm được xử lý cơ bản triệt để. “Vụ tôm này tôi vẫn tiếp tục áp dụng quy trình nuôi VietGAP ở diện tích trên. Năm nay thời tiết thuận lợi hơn nên các công tác cải tạo, xử lý ao đầm, lấy nước… được dễ dàng hơn.

Nhưng không vì thế mà chúng tôi chủ quan vì dịch bệnh càng ngày càng phức tạp. Tôi đã cho công nhân xúc hết lớp đất trên cùng rồi thay thế bằng lớp cát, khi lấy nước vào, tôi xử lý đến 3 lần bằng clorin” - Anh Cường cho biết thêm.

Xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) có 75 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, 5 ha nuôi tôm sú quảng canh với 129 hộ nuôi. Từ cuối năm 2012, xã cũng đã quy hoạch vùng nuôi an toàn sinh học với 3 tổ cộng đồng nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích mặt nước 37,5ha.

Hưởng lợi dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, năm 2014 xã được chọn 3 hộ để xây dựng mô hình. Năm 2015, có 1 hộ là gia đình anh Trần Xuân Lương (ở xóm 1), diện áp dụng 4.500m2 ao nuôi. Hiện anh Lương đã xử lý xong ao hồ, dự kiến sau ngày 20/4 sẽ tiến hành thả giống.

Theo ông Hồ Xuân Xuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh: Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch nuôi tôm, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro cho nông dân, ngay từ đầu năm, xã đã tập trung chỉ đạo bà con tiến hành nạo vét lại ao đầm, những chỗ hư hỏng xuống cấp thì kịp thời tu sửa.

Đặc biệt công đoạn xử lý môi trường nước, mầm bệnh được bà con nuôi tôm đặt lên hàng đầu để có thể hạn chế tối đa sự phát sinh dịch bệnh trong vụ nuôi mới. Hiện nay, toàn xã mới chỉ thả được 5 ha, trong khi 100% ao đầm của các hộ nuôi đều đã được xử lý xong, chỉ chờ phía Công ty cung ứng báo có giống là lấy nước vào ao tiến hành thả. Nguồn giống năm nay nhìn chung khan hiếm và giá bán cao hơn nhiều so với năm ngoái. Như giống CP giá hiện đang là 1.150.000 đồng/1 vạn con (năm 2014 là 1.020.000 đồng/1 vạn con); giống Việt Úc đang là 1.020.000 đồng/1 vạn con (năm 2014 là 950.000 đồng/1 vạn con)...

Quá trình triển khai áp dụng VietGAP trong nuôi tôm cho thấy điều kiện hạ tầng cơ sở nuôi trồng còn yếu. Hiện nay, chủ yếu là nông hộ quy mô nhỏ nên hạ tầng vùng nuôi, đặc biệt là thủy lợi và hệ thống ao chứa, ao lắng không đáp ứng được yêu cầu. Đến nay, hơn 90% diện tích nuôi tôm trên địa bàn đã chuyển sang mô hình nuôi thâm canh trên đối tượng tôm thẻ.

Song, tại các vùng nuôi cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Người nuôi tôm vẫn đang sử dụng chung hệ thống cấp và thoát nước mà chưa có sự tách bạch riêng; và theo quy định bùn thải trong ao phải gom lại đưa về ao chứa thải, nhưng người nuôi vẫn chưa có ý thức bỏ ra một ít diện tích để quy hoạch ao chứa thải nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao.

Ngoài ra, áp dụng VietGAP là nuôi trồng theo chuỗi, đảm bảo sạch từ trang trại đến bàn ăn, khi cơ sở nuôi thực hiện đúng các tiêu chí VietGAP thì chi phí sẽ tăng lên khoảng 20 - 25% trong khi việc khẳng định thương hiệu “sạch” và giá bán trên thị trường hiện chưa có sự khác biệt với sản phẩm thông thường, do đó sẽ rất khó để các cơ sở nuôi theo VietGAP cạnh tranh được với những cơ sở nuôi theo cách đại trà...

Những vấn đề đặt ra, đòi hỏi các địa phương đến các tổ liên kết và mỗi hộ nuôi cần rà soát, qui hoạch lại hợp lý vùng nuôi để tạo chuỗi chăn nuôi sạch, đạt năng suất cao để cùng phát triển bền vững.


Related news

Nhiều Mặt Hàng Giảm Theo Giá Xăng Nhiều Mặt Hàng Giảm Theo Giá Xăng

Ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc truyền thông Big C Việt Nam - cho biết, từ đầu năm tới nay, giá xăng giảm nhiều lần nhưng trên thực tế mỗi lần chỉ giảm ở mức vài trăm đồng nên các nhà cung cấp không điều chỉnh giá tương ứng. Tuy nhiên, lần giảm giá ngày 7/11 nhiều hơn nên siêu thị sẽ có công văn đề nghị nhà cung cấp xem xét lại mức giá hàng hóa hợp lý.

Monday. November 10th, 2014
Vì Một Nền Sản Xuất Xanh Bền Vững Vì Một Nền Sản Xuất Xanh Bền Vững

Tham dự hội nghị có PSG – TS Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Trần Phi Hổ. Về phía tỉnh Đồng Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Châu Hồng Phúc đến dự.

Monday. November 10th, 2014
Thầm Lặng Bảo Vệ Bãi Nghêu Xứ Gò Thầm Lặng Bảo Vệ Bãi Nghêu Xứ Gò

Đội bảo vệ BQLCB huyện Gò Công Đông hiện có 17 người tham gia, gồm 5 chòi canh, 6 phương tiện thủy với nhiệm vụ bảo vệ trên 2.000ha diện tích cồn bãi. Trong đó, BQLCB huyện nuôi 350ha thuộc cù lao cồn Ông Mão, phần còn lại do người dân ven biển nuôi.

Friday. November 14th, 2014
Giải Quyết Ô Nhiễm Môi Trường Trong Chăn Nuôi Bằng Chế Phẩm Sinh Học Weviro Giải Quyết Ô Nhiễm Môi Trường Trong Chăn Nuôi Bằng Chế Phẩm Sinh Học Weviro

Các hộ tham gia đánh giá, mô hình giải quyết được việc ô nhiễm môi trường và mùi hôi thối do chất thải trong chăn nuôi gây ra, giúp đàn vật nuôi khỏe mạnh, tăng trọng nhanh, giảm đáng kể số lượng điều trị thuốc thú y, hạn chế được rủi ro do dịch bệnh lây lan, tạo ra sản phẩm an toàn, tăng lợi nhuận cho người nuôi khoảng 20% so với cách nuôi truyền thống.

Monday. November 10th, 2014
Công Ty Xuất Nhập Khẩu Trái Cây Nhiệt Đới Đến Khảo Sát Nhãn Idor Công Ty Xuất Nhập Khẩu Trái Cây Nhiệt Đới Đến Khảo Sát Nhãn Idor

Qua khảo sát, đoàn đánh giá cao chất lượng trái nhãn cũng như điều kiện canh tác của các vườn nhãn Idor thuộc HTX nhãn Châu Thành, sẽ quay lại tìm hiểu và làm việc cụ thể với HTX vào đầu năm 2015. Đoàn khảo sát cho biết, để nhập khẩu được vào thị trường Anh Quốc thì đòi hỏi tất cả sản phẩm trái cây đều phải có chứng nhận GLOBALGAP.

Monday. November 10th, 2014