Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngày Xuân Trảy Hội Xuống Đồng

Ngày Xuân Trảy Hội Xuống Đồng
Publish date: Saturday. February 14th, 2015

Với mong muốn giành được mùa vàng bội thu, khi không khí xuân đang tràn ngập trên khắp đường làng, ngõ xóm và trong mỗi gia đình thì trên khắp các cánh đồng những ngày cuối năm Giáp Ngọ, nhiều bà con nông dân trong tỉnh vẫn nô nức “trảy hội” xuống đồng. Nơi thì khẩn trương thu hoạch nốt diện tích cây vụ đông, nơi thì tích cực san phẳng ruộng, chăm sóc mạ, nơi lại đang khẩn trương gieo cấy lúa xuân. Không khí lao động thật nhộn nhịp.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, 22 tháng Chạp (10-2-2015), các địa phương xuống đồng gieo cấy lúa và trồng cây vụ xuân, chúng tôi tranh thủ du xuân ngắm đồng ruộng sang xuân. Dọc theo Quốc lộ 10 và các tuyến giao thông chính về phía bắc và phía tây của tỉnh, qua các xã vùng đồng màu Liên Minh, Liên Bảo, Kim Thái, Trung Thành, Thị trấn Gôi (Vụ Bản); Yên Lộc, Yên Nhân, Yên Cường, Yên Đồng, Yên Dương… (Ý Yên), nông dân tấp nập đổ xuống đồng trồng lạc xuân.

Người bổ hốc, người tra phân, người gieo hạt… hối hả với những câu chuyện không dứt về Tết, về Xuân. Chị Đoàn Thị Hoài, nông dân xã Liên Minh (Vụ Bản) vừa nhanh tay tra hạt, vừa tranh thủ trao đổi với tôi: “Mưa thế này thuận lợi cho cây lạc lắm. Tôi tranh thủ trồng lạc xong ngay trong ngày để mai đi cấy, sao cho kịp cấy xong trước Tết…”.

Khí thế xuống đồng thu hoạch nốt diện tích cây khoai tây đông và trồng lạc xuân còn có ở các xã Nam Hồng, Nam Hùng, Nam Hoa, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực); các xã Giao Thịnh, Giao Yến (Giao Thuỷ)... Từ hiệu quả cây lạc cao gấp 2-3 lần cấy lúa nên diện tích trồng lạc được nhân rộng trên các chân ruộng cao hạn, cơ giới nhẹ, gieo cấy lúa kém hiệu quả do năng suất thấp.

Từ 3,5 nghìn ha những vụ xuân trước, đến nay diện tích lạc xuân của toàn tỉnh đã đạt trên 5 nghìn ha. Ngoài trồng lạc, nông dân các xã Nam Hồng (Nam Trực); Giao Phong, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy); Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu)… còn đang làm đất để trồng vụ dưa hồng, dưa hấu, dưa lê mà mấy năm nay nguồn thu từ cây dưa thường đạt trên 80 triệu đồng/ha...

Hòa trong không khí lao động của bà con nông dân, chúng tôi có mặt tại cánh đồng xóm 2, xã Nam Mỹ (Nam Trực). Dường như không khí đón Tết nơi đây đang được người dân chuyển từ nhà ra đồng. Người san phẳng ruộng, người kéo ống sạ rất đông vui, nhộn nhịp. Nông dân Nam Mỹ vẫn nhắc lại cách đây 6-7 năm, xã đã vận động các hộ nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật sạ hàng và kết quả ngay vụ gieo sạ đầu tiên thật thuyết phục: năng suất cao, hiệu quả vượt trội… lại giảm được lao động nặng nhọc, giảm phun thuốc BVTV so với cấy truyền thống.

Từ 10ha vụ xuân đầu tiên đến vụ xuân năm nay, diện tích gieo sạ ở tất cả các xóm đã lên tới 180ha, chiếm 90% tổng diện tích gieo cấy lúa của xã. Chị Nguyễn Thị Hằng, nông dân xóm 2 tâm sự: “Từ hiệu quả rõ rệt của phương pháp gieo sạ hàng, ở mỗi dây ruộng, chúng tôi chung tiền để mua ống gieo sạ với mỗi sào là 37 nghìn đồng. Giờ đây số hộ cấy truyền thống ở Nam Mỹ trong vụ xuân chỉ đếm trên đầu ngón tay…”. Chị Trần Thị Lan đang san ruộng ở ruộng bên cạnh cũng “góp chuyện”: “Tôi phải san nhanh ruộng này xong trong ngày để mai hoàn thành gieo sạ luôn một thể…”.

Cảnh xuống đồng làm đất, san ruộng để gieo sạ hàng liên tục gặp trên đường nơi chúng tôi đi qua ở các xã: Bình Minh, Nam Tiến, Đồng Sơn (Nam Trực); Nghĩa Minh, Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng); Hải Thanh, Hải Hà (Hải Hậu); Xuân Kiên (Xuân Trường); Giao Hà (Giao Thủy)… Các địa phương đã tận dụng tối đa diện tích chủ động được nước để tổ chức gieo sạ hàng, vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất cả về giống, phân bón, thuốc BVTV, cả công lao động… vừa tạo điều kiện đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp.

Diện tích gieo sạ hàng vụ xuân này của toàn tỉnh chắc chắn sẽ đạt 20 nghìn ha. Đây là kết quả của nhiều năm, nhiều vụ gần đây và cũng là phát huy tác dụng sau cuộc "cách mạng" dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, kết hợp làm giao thông và thuỷ lợi nội đồng, theo hướng sản xuất hàng hoá chuyên canh tập trung. Vui hơn khi về đến Xuân Ninh (Xuân Trường), nông dân xuống đồng cấy lúa như đi hội trong trống giong cờ mở.

Gần 40ha sản xuất lúa giống cả 2 vụ vài năm nay đã cho tổng thu nhập bình quân 180-200 triệu đồng/ha, cao gấp đôi bình quân chung sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Nông dân Nguyễn Văn Mạnh chỉ cho tôi cách cấy một dảnh, đâu là hàng lúa mẹ, đâu là hàng lúa bố 1, lúa bố 2; hăng hái giải thích cho tôi vì sao sản xuất hạt lai F1 phải cấy mà không được gieo sạ, cách cấy và thời gian cấy lúa bố 1, bố 2, mẹ; phương pháp khử lẫn… nhưng không phải gặt, không phải phơi… cứ như một chuyên gia về sản xuất hạt lúa lai F1. Mặc dù kỹ thuật khó và phức tạp nhưng sản phẩm trị giá gấp nhiều lần sản xuất đại trà.

Từ nhiều ngày trước đó, những chiếc máy xúc miệt mài vươn cánh tay xây đắp những con đường ra đồng, giúp cho kênh mương được thông thoáng. Những chiếc máy cày tất bật chạy đua với thời gian cày lật đất để kịp đổ ải. Trong 2 đợt xả nước của các hồ chứa thủy điện, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL vùng thủy triều đã bám sát lịch xả nước từ các hồ thủy điện và quy luật thủy triều tranh thủ từng giờ mở cống để khai thác tối đa nguồn nước chất lượng; những nơi có điều kiện tranh thủ thay - tháo nước để thau rửa chua, mặn.

Các Cty TNHH một thành viên KTCTTL vùng động lực căn cứ kế hoạch, lịch làm đất, gieo cấy lúa xuân 2015 và tình hình cụ thể các địa phương, chủ động bơm nước từng đợt theo yêu cầu của sản xuất; tổ chức tốt việc khoanh vùng và điều tiết nước, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm. Đi qua các huyện Mỹ Lộc, Ý Yên, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy… những cánh đồng trải rộng mênh mông đã được đổ ải ăm ắp nước, tiếng máy bơm rộn rã, khí thế lao động sản xuất khẩn trương hiện rõ trên từng khuôn mặt, bước đi của người nông dân.

Các địa phương đã huy động tối đa mọi lực lượng, phương tiện, máy móc tập trung làm đất nhanh ngay sau khi lấy nước… để bảo đảm đúng theo phương châm “ruộng chờ mạ”. Hầu hết các diện tích mạ gieo hoàn thành trước ngày 10-2, hiện được bảo vệ và chăm sóc đúng kỹ thuật. Nhiều chân ruộng đang được phủ bằng màu xanh của lúa.

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, tính đến hết ngày 11-2-2015, toàn tỉnh đã bừa lồng được 66.890ha, đạt 88% tổng diện tích; lấy nước cho 96% diện tích gieo cấy. Các địa phương sạ và cấy được 8.970ha, trong đó diện tích lúa sạ đạt 5.115ha, diện tích lúa cấy 3.855ha; trồng được 4.005ha cây màu xuân, trong đó diện tích lạc là 1.580ha, ngô là 653ha và 1.772ha cây rau màu khác.

Từ nhiều ngày nay, trên những cánh đồng của các địa phương trong tỉnh, không khí nhộn nhịp xuống đồng như trẩy hội luôn hiện hữu từ sáng sớm tinh mơ cho đến tối mịt. Bà con nông dân hăng say lao động không chỉ vì mục tiêu hoàn thành kế hoạch phủ xanh toàn bộ 75.800ha lúa và 12.885ha cây màu vụ xuân trong tháng 2-2015, đúng trong khung thời vụ tốt nhất; mà bởi họ hiểu được rằng, những năm gần đây thời tiết có nhiều biến động khó lường, nếu không tranh thủ những ngày nắng ấm để gieo cấy thì rất có thể nhiều ngày sau đó sẽ không cấy được vì thời tiết bất thuận, mạ sẽ già đi và cũng có thể cây lúa vừa cấy xuống sinh trưởng chậm.

Đi trong mưa xuân, qua nhiều cánh đồng, với nhiều cảm nhận khác nhau về không khí nhộn nhịp sản xuất, sự vất vả của những người nông dân, điều làm tôi thấy xúc động nhất là dù vất vả, hối hả lao động, nhưng trên những cánh đồng thấm đẫm mồ hôi vẫn không vắng đi tiếng cười, lời hỏi thăm, chúc mừng năm mới. Và trong không khí tưng bừng đón một mùa xuân mới, tôi càng cảm nhận sâu sắc tâm niệm của mỗi người nông dân là cầu mong cho một năm mới “đầu xuôi, đuôi lọt”, mùa màng bội thu.


Related news

Được, mất chuyện nuôi lợn rừng Được, mất chuyện nuôi lợn rừng

Lợn rừng phù hợp với điều kiện chăn thả tự do hoặc trên diện tích đất rộng rãi.

Sunday. November 22nd, 2015
Có một Thủ đô ăn gà lông Có một Thủ đô ăn gà lông

Thực tế, văn hóa ăn gà lông không chỉ hằn sâu trong nếp nghĩ của người dân Thủ đô Hà Nội mà còn du nhập theo kiều bào sang tận các quốc gia phát triển.

Sunday. November 22nd, 2015
Năng suất, chất lượng là yếu tố quyết định Năng suất, chất lượng là yếu tố quyết định

Ngày 19/11, Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội phối hợp với Công ty CP Sữa quốc tế (IDP) tổ chức hội nghị triển khai chương trình hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa và xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sữa tươi trên địa bàn TP Hà Nội.

Sunday. November 22nd, 2015
Hướng Hóa chú trọng phát triển cây bời lời đỏ Hướng Hóa chú trọng phát triển cây bời lời đỏ

Đối với người dân huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) thì cây bời lời trắng không còn xa lạ bởi từ lâu loại cây này đã có mặt hầu như ở khắp nơi, từ khe suối đến dốc đá cao. Tuy nhiên, giá trị kinh tế mang lại của nó rất thấp nên người dân chẳng mấy quan tâm tới loại cây này.

Sunday. November 22nd, 2015
Cà phê mất mùa, mất giá Cà phê mất mùa, mất giá

Gia Lai hiện có khoảng 78.000 ha cà phê kinh doanh đang đối mặt với tình trạng giảm năng suất, chất lượng, cộng với giá cà phê đang xuống thấp khiến người nông dân thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Những ngày qua, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh bước vào thu hoạch cà phê.

Sunday. November 22nd, 2015