Ngành Mía Đường Tồn Kho Tăng, Giá Giảm, Hàng Lậu Tung Hoành!
Lượng đường tồn kho đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức 350.000 tấn trong khi vụ mía mới đã khởi động, làm tăng nỗi lo lắng của cả người trồng mía lẫn các nhà máy đường.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, khẳng định: “Chưa bao giờ ngành công nghiệp mía đường gặp phải khó khăn như lúc này.”
Ông Long cho biết: “Lượng đường tồn kho hiện cao gấp đôi cùng kỳ năm trước, và giá đường tại Cần Thơ cũng đang thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 1.000 đồng/ki lô gam… trong khi mùa thu hoạch mía niên vụ 2014 – 2015 đã bắt đầu.”
Theo ông Long, nếu giá mía nguyên liệu mua vào ở mức 900 đồng/ki lô gam (đối với mía 10 chữ đường (10CCS), giao nhận tại cầu cảng nhà máy – PV)) như hiện tại, giá đường bán ra phải cao hơn mức 12.000 đồng/ki lô gam (chưa tính VAT) thì nhà máy mới có lời.
Trong khi đó, giá bán đường bình quân sau thuế trong tháng 8-2014 dao động trong khoảng 12.300 – 13.000 đồng/ki lô gam (đường trắng loại 1), giảm khoảng 100 đồng/ki lô gam so với tháng 7.
Giám đốc một công ty mía đường ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), còn ví von rằng số đông các nhà máy đường trong nước đang gánh chịu nhiều “di căn” từ căn bệnh “ung thư” chung của toàn ngành.
Ông Lê Văn Chí, nông dân trồng mía ở xã Phụng Hiệp (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), cho rằng mía đầu vụ ở tỉnh Hậu Giang tùy giống và tuổi mía… nhưng hầu như tất cả đều không thể đạt 10CCS nên thương lái mua tại ruộng với giá chỉ khoảng 700 – 800 đồng/ki lô gam. Với mức giá này, nông dân trồng mía chỉ từ huề vốn tới lỗ.
Với chất lượng mía nguyên liệu như vậy, cơ hội tăng giá mua mía nguyên liệu cho nông dân càng ít đi.
Ông Long cho rằng, nhiều năm liền ngành đường xuống dốc khiến đa phần các nhà máy ở ĐBSCL luôn không đạt định mức khấu hao, và thực tế này làm giảm giá trị tái đầu tư cho nhà máy. Thiết bị vì vậy xuống cấp dần, tỷ lệ thu hồi đường ngày càng giảm và tất nhiên mẫu mã sản phẩm theo đó cũng sẽ ngày càng xấu đi.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, nhà máy đường Thới Bình (huyện Thới Bình, Cà Mau) lỗ lã nhiều năm nay nên không có nguồn tài chính để đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Mới đây, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã phải kiến nghị Thủ tướng đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với nhà máy này trong niên vụ chế biến mía đường 2014 – 2015 do không khắc phục được tình trạng gây ô nhiễm.
Niên vụ sản xuất đường 2013 – 2014 cả nước đạt sản lượng trên 1,5 triệu tấn đường, tăng khoảng 65.000 tấn so với niên vụ trước đó.
Năm nay, dù diện tích trồng mía có phần giảm nhưng năng suất và chất lượng mía được đánh giá đã cải thiện rất nhiều nên ngành mía đường ước tính sẽ đạt sản lượng 1,6 triệu tấn đường trong niên vụ 2014 - 2015.
Tuy nhiên, theo ông Long, con số này sẽ không còn ý nghĩa, thậm chí còn là gánh nặng lỗ lã cho doanh nghiệp ngành chế biến mía đường khi tình trạng buôn lậu đường còn rầm rộ trên các tuyến biên giới; hoạt động tạm nhập tái xuất đối với sản phẩm đường không quản lý được…
Đường ngoại nhập đang gây lũng đoạn thị trường đường trong nước nhờ ưu thế về giá và mẫu mã tốt hơn so đường nội.
Related news
Điển hình trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây tiêu vào trồng trọt ở xã Thái Thủy có gia đình anh Ngô Xuân Quang, ở thôn Bắc Thái. Nhờ loại cây trồng này, gia đình anh không những đã thoát được nghèo, mà còn vươn lên làm giàu. Gia đình anh Quang hiện có 4 ha đất đồi, ban đầu anh tập trung vốn liếng trồng các cây ngắn ngày như nén, gừng, khoai lang..., tuy nhiên lợi nhuận thu về không được bao nhiêu.
Đồng Nai là tỉnh đi đầu trong xây dựng nông thôn mới với huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh đều đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Điểm nổi bật của 2 địa phương này là đã thực hiện tốt việc chuyển đổi giống cây trồng mới, xây dựng các vùng chuyên canh đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Võ Thành Nhơn làm 6,2 ha lúa ở ấp Vĩnh Thành cho biết: "Tham gia mô hình này, Trạm BVTV huyện xuống tập huấn áp dụng chương trình "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm". Sau đó, hướng dẫn trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, nhờ đó giảm được lần phun thuốc ở giai đoạn đầu và trước khi thu hoạch".
An Giang là tỉnh sản xuất lúa lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, năng suất và sản lượng lúa không ngừng gia tăng, đã góp phần quan trọng phục vụ xuất khẩu và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Thành công này có phần đóng góp không nhỏ của công tác khuyến nông, đó là chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tăng thu nhập cho nông dân.
Vụ Đông Xuân (ĐX) 2013 - 2014 và vụ Thu 2014, huyện Phù Cát (Bình Định) đã thực hiện 2 mô hình (MH) cánh đồng mẫu lớn (CĐML) sản xuất đậu phụng trên diện tích 88 ha tại 2 xã Cát Hiệp và Cát Hải, có 373 hộ tham gia. Bên cạnh việc thực hiện tốt quy trình kỹ thuật, MH còn được triển khai 5 công thức bón phân cho cây đậu phụng.