Chuối Việt xuất ngoại coi chừng bẫy việt vị
Hãy nhìn vào thực tế để đừng thấy khen mà chủ quan!
Trên tờ The Manila Times của Philippines có dẫn nguồn Hiệp hội các nhà trồng chuối và xuất khẩu Philippines (PBGEA) nhận định rằng Việt Nam là đối thủ cạnh tranh lớn đối với ngành xuất khẩu chuối của Philippines.
Nhưng để đạt điều đó, theo cách nhìn của PBGEA thì Việt Nam, bằng cách này hay cách khác, sẽ công nghiệp hóa ngành sản xuất chuối, sẽ sớm bỏ một số giống chuối truyền thống và thay vào đó phát triển những loại chuối hiện đang phổ biến trên thị trường quốc tế.
Nói cho vui
Nhận định của PBGEA đối với tình hình xuất khẩu chuối Việt Nam có thể là sự lo xa, dè chừng khi gần đây, Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc đẩy mạnh nhập khẩu chuối của Việt Nam. Trong khi xuất khẩu chuối tươi của Philippines đã giảm mạnh 69% trong tháng 7/2015 và chỉ đạt 31,3 triệu USD, so với 101,8 triệu USD tháng 7/2014.
Nhưng những nhận định của PBGEA cũng có thể chỉ là "nói cho vui", nhất thời nếu như ngành chuối Việt Nam chậm chuyển biến, không chịu sớm công nghiệp hoá sản xuất chuối.
Theo ghi nhận, chuối là một trong những cây ăn quả có diện tích lớn nhất (trên 100.000 ha, chiếm 19% tổng diện tích cây ăn quả của Việt Nam hàng năm) và sản lượng cao (khoảng 1,4 triệu tấn/năm).
Tuy nhiên, diện tích trồng chuối lại không tập trung. Trong đó chuối tiêu chiếm khoảng 20% ở các tỉnh miền Nam và khoảng 50% các loại chuối ở các tỉnh miền Bắc. Ngoài tiêu dùng nội địa, hàng năm xuất khẩu chuối cũng đạt kim ngạch vài triệu USD.
Vậy mà, trong quy hoạch nhóm cây ăn quả ở các địa phương thì hầu như cây chuối vẫn không được coi là cây chủ lực và không có trong kế hoạch phát triển.
Nguyên nhân, cũng bởi giá bán thấp, đầu ra bấp bênh, chưa thực sự đầu tư thâm canh cây chuối, người sản xuất tự lo tiêu thụ. Còn các nhà xuất khẩu chuối chưa thực sự kết nối ưng ý với người trồng chuối.
Hơn nữa, cây chuối dễ trồng nhưng lại dễ đổ do giông bão nên rủi ro cao. Người dân vẫn trồng chuối tự phát, dễ rơi vào tình trạng "chặt - trồng, trồng - chặt".
Đơn cử như Đồng Nai có hơn 7.000 ha chuối các loại. Năm ngoái, người trồng chuối ở đây vấp phải khó khăn khi giá liên tục rớt vì đầu ra sản phẩm chế biến ngưng trệ. Do giá chuối bấp bênh, nhiều nông dân chặt bỏ cây chuối khiến các cơ sở chế biến chuối sấy hết sức lo lắng vì vùng nguyên liệu bị thu hẹp.
Cũng như những loại rau quả xuất khẩu khác, chuối Việt được xuất khẩu đi ở nhiều quốc gia, trong đó có 10 thị trường xuất khẩu chính là: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore.
Theo Bộ Công Thương, trong 10 thị trường xuất khẩu rau quả chính của Việt Nam, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu, chiếm 28,6% thị phần, tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ nhưng với thị phần rất nhỏ lần lượt là 4,74%, 3,76% và 3,44%.
Và dĩ nhiên, trái chuối hay thanh long, mít, dưa hấu cũng không thoát khỏi thị trường Trung Quốc. Điều đáng lo ngại là việc xuất khẩu chuối sang thị trường này chủ yếu qua tiểu ngạch với các chính sách và hình thức buôn bán không ổn định nên thường gặp khó khăn và có nhiều rủi ro. Do phụ thuộc lớn vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc nên xuất khẩu dễ thụ động qua thương lái tư nhân của họ và giá chuối dễ bị o ép hoặc rớt giá.
Theo các chuyên gia kinh tế, đối với các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU thì xuất khẩu chuối Việt hay vướng các rào cản kỹ thuật với các điều kiện khắt khe đối với chất lượng, nhất là trong bối cảnh thị trường Hoa Kỳ có xu hướng tăng nhập khẩu các sản phẩm rau quả tươi và giảm dần các sản phẩm đóng hộp từ Việt Nam.
Các nhà nhập khẩu chuối Việt cũng yêu cầu sản phẩm nhập khẩu cần có kích cỡ đồng nhất, cùng độ chín và tránh những lỗi trên vỏ quả cũng như không nhập các loại quả bị sâu. Theo thống kê, khoảng 30% số chuối nhập khẩu vào thị trường EU bị từ chối chỉ vì lý do tính thẩm mỹ.
Công nghiệp chuối, khi nào?
Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng trái cây ở Tp.HCM cho biết lượng chuối về chợ đầu mối mỗi ngày khá lớn, nhưng do khâu bảo quản, vận chuyển không tốt gây ra nhiều va đập, trầy xước nên đa phần đều bị thâm đen. Nhiều lô hàng còn để nguyên cả buồng, chưa cắt thành từng nải khiến việc vận chuyển càng khó khăn, trái chuối càng xấu, vỏ xỉn màu, không hấp dẫn.
Tiêu thụ nội địa đã tệ như vậy thì xuất khẩu phải làm sao? Do đó, các thương lái thường phải cố tìm thu mua chuối thật đẹp để xuất khẩu với số lượng hạn chế.
Thấy rõ điều này, nên trên tờ Manila Times của Philippines cũng nói thẳng công nghệ bảo quản chuối của Việt Nam hiện chưa đạt chuẩn quốc tế. Và vì vậy, chỉ một số ít sản phẩm của Việt Nam được cấp phép vào thị trường giàu có như Nhật Bản.
Thế nhưng, theo Manila Times, vấn đề này có thể sớm được giải quyết, khi Việt Nam chú ý nhiều hơn đến công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch.
Công nghệ bảo quản chuối của Việt Nam hiện chưa đạt chuẩn quốc tế
Trong khi đó, nhìn vào sản phẩm chuối nhập khẩu tại các siêu thị hiện nay, thấy rõ rằng chuối nhập thường được chọn lọc kỹ, đóng gói trong bao bì giấy đẹp, giữa các nải chuối còn lót lớp giấy mềm, chống va đập.
Điển hình như chuối Philippines thời gian trước xuất hiện khá nhiều tại các chợ, siêu thị trên địa bàn Tp.HCM. Dù chất lượng thua xa chuối trong nước và giá cũng cao hơn nhưng nhờ bề ngoài bắt mắt nên vẫn bán khá chạy.
Một vấn đề lớn đặt ra là chuối Việt tuy có đa dạng về chủng loại, mùi vị nhưng vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn để nằm trong danh sách các nước cung cấp hàng cho thị trường chuối toàn cầu. Do chưa được đầu tư nghiên cứu phát triển các giống chuối quý mới nên cơ hội tìm chỗ đứng trên thị trường quốc tế vẫn hạn chế.
Ông Vũ Kim Sơn, chủ một trang trại trồng chuối ở huyện Bến Cát (Bình Dương), bày tỏ rằng để ngành trồng chuối xuất khẩu phát triển thì ngoài các thông tin về thị trường xuất khẩu, công tác thông tin tại thị trường nội địa cần được cải thiện hơn.
Theo ông Sơn, nhất thiết phải có kênh truyền đạt thông tin đến tận người nông dân trồng chuối để có kế hoạch từ khâu sản xuất mới có thể giúp công tác tiêu thụ chuối đạt hiệu quả, hạn chế tối đa tình trạng ứ đọng và đổ bỏ sản phẩm như các loại rau quả khác.
Một yếu tố quan trọng góp phần xuất khẩu chuối thành công cần phải kể đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu chuối Việt. Để có thị trường tiêu thụ ổn định nội địa cũng như xuất khẩu, quả chuối Việt cần phải được xây dựng và quảng bá, phát triển thương hiệu thật mạnh.
Các doanh nghiệp xuất khẩu chuối cũng cần phải chủ động, tích cực, khai thác các thông tin thị trường và tìm kiếm bạn hàng đa dạng. Không những vậy, doanh nghiệp cần phải trang bị các kiến thức về thị trường chuối toàn cầu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh gay gắt.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam
Sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp còn mong manh, dễ đổ vỡ. Doanh nghiệp phải thu gom sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng không đồng đều, rủi ro rất cao. Doanh nghiệp chưa đầu tư cho vùng nguyên liệu.
Related news
Khi nghe lãnh đạo xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết hộ ông Lê Minh ở thôn Đông Lâm mỗi năm xuất bán 2 triệu con cá giống, hơn 300 tấn cá thịt thương phẩm và hàng chục con bò, tổng doanh thu 12 - 14 tỷ đồng, lãi ròng khoảng 1,3 - 1,5 tỷ đồng, ai trong chúng tôi cũng bán tín bán nghi.
Ngày 3/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng họp chỉ đạo một số sở, ngành tỉnh, huyện liên quan xúc tiến đầu tư các dự của Công ty TNHH MTV Việt - Úc trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, Công ty TNHH MTV Việt - Úc xin đầu tư 4 dự án gồm: Ðầu tư xây dựng khu sản xuất tôm sú và thẻ chân trắng bố mẹ tại đảo Hòn Khoai; Khu sản xuất giống thuỷ sản tập trung (giai đoạn II) và trung tâm giống cấp I tại huyện Ngọc Hiển; Nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao; Xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thuỷ sản tại Khu Công nghiệp Khánh An, huyện U Minh.
Theo Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, việc nuôi trồng, khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định có nhiều chuyển biến tích cực nhờ ngư dân đã chủ động bám biển đánh bắt, khai thác thủy sản; các mô hình cộng đồng tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản triển khai có hiệu quả…
Trong 2 ngày 5 và 6/9, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An đã tiến hành thả rạn nhân tạo tại vùng biển xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu và Quỳnh Long, Quỳnh Lưu.
Bức xúc trước tình trạng nước thải ô nhiễm của các nhà máy xả trực tiếp ra sông làm chết cá, người nuôi cá mang cá chết đến đổ tại doanh nghiệp.