Nét Mới Trong Nuôi Trồng, Khai Thác Thuỷ, Hải Sản Ở Giao Thiện (Nam Định)
Đến xã Giao Thiện (Giao Thuỷ - Nam Định) những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí sôi động chuẩn bị cho vụ nuôi tôm thẻ chân trắng của người dân nơi đây. Anh Trần Văn Nguyên ở xóm Tân Hồng phấn khởi cho biết, gia đình anh đang lắp đặt các quạt đảo nước tạo ô-xy cho các ao nuôi để kịp thả tôm giống.
Được biết, vụ nuôi tôm trước, do thả muộn cộng với thời tiết rét vào cuối vụ nên doanh thu của gia đình anh Nguyên chỉ còn 1 tỷ đồng, trừ các chi phí, lãi 700-800 triệu đồng. Bước vào vụ nuôi mới, anh đã chủ động đi tham quan các mô hình nuôi áp dụng tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt, an toàn dịch bệnh (GAP/CoC) tại các xã Giao Phong (Giao Thủy), Hải Chính, Hải Triều (Hải Hậu), đồng thời tham gia 3 lớp tập huấn về nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGap ở HTX Nuôi trồng thuỷ sản 1 của xã Giao Phong do Cty Grobest Industrial tài trợ.
Đầu năm 2014, anh đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng xây dựng, tu bổ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nước sử dụng bảo đảm theo tiêu chuẩn, khu nuôi có hệ thống ao lắng, kênh cấp, kênh thoát riêng biệt theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 1,5ha gồm 6 ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Anh đã chuẩn bị hơn 100 vạn con tôm giống thẻ chân trắng đảm bảo sạch bệnh để kịp xuống giống vào cuối tháng 3-2014.
Trên địa bàn xã Giao Thiện hiện có khoảng hơn 100 hộ chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình thâm canh công nghiệp với tổng diện tích 298ha; trong đó tập trung chủ yếu ở xóm Tân Hồng. Bên cạnh đó, còn có 79 hộ nuôi gần 688ha tôm thẻ chân trắng kết hợp với trồng rừng ngập mặn tại khu vực Cồn Ngạn, đóng góp cho ngân sách xã hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Các hộ nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao như hộ các ông Trần Phúc Thành ở xóm 18, Vũ Hồng Chinh ở xóm 24, Đinh Trọng Bách ở xóm 27.
Bằng hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh và bán công nghiệp với các con nuôi chủ lực là tôm sú, tôm rảo, cua và ngao giống, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích nuôi trồng thủy, hải sản của toàn xã năm 2013 ước đạt hơn 985ha, tổng sản lượng thủy, hải sản ước đạt 1.224 tấn. Tổng thu nhập từ kinh tế biển của toàn xã đạt 42,5 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với năm 2012.
Ngoài ra, nhân dân trong xã còn tận dụng diện tích mương dẫn nước, ao hồ, đầm, vũng ở cả vùng nước ngọt và nước lợ để trồng rau câu. Năm 2013, sản lượng rau câu của xã ước đạt 850 tấn. Với cách trồng đơn giản (thả giống một lần, thu hoạch nhiều đợt trong năm, mỗi đợt từ 15-20 ngày), mỗi ha rau câu đạt năng suất 3-5 tấn. Hiện nay, ở Giao Thiện có khoảng hơn 100 hộ thả rau câu kết hợp với nuôi cá vược, cá rô phi đơn tính hoặc nuôi cua biển.
Đây là mô hình mới, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với mô hình nuôi thuỷ sản theo phương thức quảng canh, bán thâm canh tại khu vực Cồn Ngạn vì ngoài giá trị kinh tế, rau câu còn có tác dụng cải tạo môi trường nước, tạo khoáng chất và các sinh vật phù du có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cua biển, cá vược, cá rô phi đơn tính.
Từ mô hình này, gia đình các ông: Trần Văn Thiện, Trần Văn Lợi ở xóm Tân Hồng; Ngô Doãn Chiến, Trần Nguyên Hán ở xóm 21… đã đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bên cạnh nuôi trồng, nghề khai thác hải sản ở xã cũng phát triển, thu hút hàng nghìn lao động địa phương và các xã lân cận với gần 200 phương tiện khai thác gần bờ. Xã Giao Thiện còn từng bước hình thành các hộ cung ứng dịch vụ về vật tư, thiết bị, giống tôm thẻ chân trắng như ông Trần Hữu Lợi ở xóm Tân Hồng đã thành lập Cty TNHH một thành viên Bính Lợi chuyên cung ứng giống cho bà con trong xã.
Với kinh nghiệm hơn 13 năm sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, cua biển xanh, ngao giống, hiện tại mỗi vụ Cty cung ứng cho các hộ nuôi trong xã từ 6-17 triệu con tôm thẻ chân trắng và tôm sú, hơn 1 triệu con cua biển và hàng chục tỷ con ngao giống. Ông Lợi cho biết, hiện tại, gia đình ông đang tiến hành cải tạo 4 ao ương giống và 35 bể nuôi giống để đáp ứng nhu cầu nuôi tôm thẻ chân trắng của các hộ trong vụ nuôi mới.
Toàn bộ quy trình sản xuất tôm thẻ chân trắng giống của Cty đều được chuyển giao công nghệ từ Viện KH và CN khai thác thuỷ sản tại Nha Trang, đảm bảo con giống xuất bán khoẻ, sạch bệnh và thích nghi tốt với môi trường nước lợ nơi đây. Bình quân hằng năm, Cty thu lãi hơn 400 triệu đồng từ sản xuất và cung ứng con giống các loại.
Năm 2014, xã Giao Thiện phấn đấu giá trị thu nhập từ nuôi trồng và khai thác thuỷ, hải sản đạt 55 tỷ đồng. Hiện xã đang tiếp tục vận động các nhóm, hộ nuôi trồng thủy, hải sản đầu tư vốn, cải tạo đầm, áp dụng các quy trình nuôi thuỷ sản theo hướng VietGap để tăng giá trị sản xuất; mở rộng diện tích nuôi thâm canh, đa dạng hóa các loại thủy sản như tôm sú, cua biển để đạt giá trị thu nhập cao.
Related news
Ông Lê Văn Nhỏ, nông dân sản xuất giỏi ở xã Tân Phú, huyện Cai Lậy đã 4 năm gắn bó với mô hình này chia sẻ: Thời gian qua, làm chương trình công nghệ sinh thái, tôi thấy rất hiệu quả, giảm được chi phí thuốc trừ sâu do giữ được côn trùng có ích. Theo tôi, để xây dựng nông thôn mới, chúng ta nên tham gia mô hình công nghệ sinh thái cho đồng ruộng tươi đẹp…”.
Trước tình hình này, Trạm Bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo bà con nông dân cần giữ vườn tiêu thông thoáng, chăm sóc cho cây tiêu sinh trưởng và phát triển tốt, bón phân hữu cơ ủ hoai mục và bón cân đối hàm lượng NPK, có bổ sung thêm các nguyên tố trung vi lượng, vệ sinh vườn sau thu hoạch, xây dựng và thực hiện các biện pháp quản lý dịch bệnh ngay từ đầu vụ.
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) từ năm 2013 đến nay trên địa bàn xã đã có khoảng 100 ha/400 ha trồng quýt đường của toàn xã bị rụng trái, chết cây, nhiều hộ dân phá bỏ để trồng tiêu, nhãn…
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện Mỹ là thị trường tiêu thụ rau, quả lớn thứ tư của Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết trái cây Việt Nam mới chỉ cung ứng cho bộ phận người Châu Á, chưa xâm nhập rộng được vào thị trường này. Thêm nữa, việc đồng ý cho vải, nhãn vào thị trường Mỹ chỉ là bước đầu, còn việc hai loại trái cây này có thể vào được và tồn tại trên thị trường đầy thách thức này là cả vấn đề.
Thanh long là cây trồng đặc sản có lợi thế cạnh tranh trong 9 loại cây trồng ở nước ta mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xác định. Tính đến nay, Bình Thuận có trên 23.000 ha thanh long với sản lượng thu hoạch 600.000 tấn/năm. Bên cạnh việc xuất khẩu, trái thanh long Bình Thuận hiện đã có mặt hầu hết trên các thị trường trong nước, tuy nhiên sản lượng tiêu thụ chưa nhiều, còn bấp bênh, giá cả không ổn định.