Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cây Mía Ra Rìa, Con Tôm Lên Ngôi

Cây Mía Ra Rìa, Con Tôm Lên Ngôi
Publish date: Thursday. March 13th, 2014

Trong cái nắng chang chang của những ngày đầu tháng 3, bên những rẫy mía vừa thu hoạch xong, chuyện trà dư tửu hậu về cây mía bắt đầu bằng tiếng thở dài và kết thúc bằng những cái lắc đầu ngao ngán.

Sức chịu đựng của nông dân vùng mía nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần như đã cạn kiệt sau hai năm liên tục lỗ lã. Bây giờ, nơi này người ta tính chuyện bỏ mía để nuôi tôm, chỗ khác bàn chuyện sạ lúa, trồng rau màu, thậm chí có nơi còn quyết định trồng cây gây rừng ngay trên nền đất mía...

Buồn tênh đồng mía

Năm nay, năm thứ hai anh Phạm Văn Mẫn (ấp Văn Sáu, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) thu hoạch mía trong nỗi buồn vô hạn. Đây là nguồn sống của gia đình bốn nhân khẩu này, nhưng tổng cộng tiền bán mía chỉ thu được hơn 6 triệu đồng trên mảnh đất rộng 1.500 mét vuông.

Món nợ vật tư trồng mía hai năm liền lại tiếp tục phải chịu lãi. Đón Tết đơn sơ vừa xong, vợ chồng anh Mẫn gửi lại đứa con gái lớn (8 tuổi) cho bà nội trông nom, tất tả bồng đứa con nhỏ mới hơn 2 tuổi chạy về Bình Dương tìm việc làm, kiếm tiền trả nợ do cây mía gây ra.

Người có ít đất như anh Mẫn thường có nguy cơ mang nợ đã đành. Bà Trần Thị Hường (cùng ấp Văn Sáu) sống một mình, canh tác 5.000 mét vuông đất mía cũng than thở: “Tính ra mấy năm nay tui trồng mía chỉ đủ lo cho mình tui ăn”. Thực trạng này đang bao trùm khắp các ấp thuộc xã Đại Ân 1.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ấp An Lạc, nói: “Mía năm nay thất mùa, giá cũng thất luôn, rất đông lao động ở địa phương đã đi nhiều nơi để kiếm việc làm sau khi bán mía xong”. Ông Phạm Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Đại Ân 1, xót xa: “Toàn xã có khoảng 10.000 nhân khẩu, nhưng vài năm nay có hơn 2.000 trường hợp lao động trong độ tuổi cứ hết mùa mía là tạm vắng tại địa phương, đi nơi khác tìm kế sống”.

Niên vụ 2013-2014, huyện Cù Lao Dung trồng hơn 8.200 héc ta mía, hiện tại đã thu hoạch được khoảng phân nửa diện tích. Ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cù Lao Dung, nhẩm tính: “Giá mía mua tại rẫy hiện chỉ ở mức 700 đồng/ki lô gam, nếu vùng đất đạt năng suất 120 tấn/héc ta, nông dân mới có thể kiếm lời 1-2 triệu đồng”. Như vậy nếu năng suất mía ở mức 100 tấn/héc ta, người trồng mía đứng trước nguy cơ mang nợ.

Cũng với giọng buồn như nông dân trồng mía ở huyện Cù Lao Dung, ông Trần Ngọc Điển, người trồng mía ở xã Hòa An (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), so sánh: “Giá mía năm nay thấp hơn niên vụ năm ngoái khoảng 200 đồng/ki lô gam”. Theo ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, giá thành sản xuất mía năm nay khoảng 780 đồng/ki lô gam, nên người trồng mía cầm chắc lỗ 10-15 triệu đồng/héc ta.

Ông Tự cho rằng, chỉ có những vùng mía cho năng suất 130-140 tấn/héc ta thì nông dân mới có thể huề vốn hoặc lỗ ít. Trong khi đó, “trên cùng đơn vị diện tích, chỉ cần trồng chuối, nông dân vẫn có thu nhập cao hơn so với trồng mía”, ông Tự khẳng định. Do vậy, ông Tự cho biết: “Những năm tới, huyện Phụng Hiệp sẽ chỉ giữ lại 5.000 héc ta (trong tổng số hơn 9.550 héc ta) đất trồng mía nguyên liệu nằm trong những vùng đê bao. Phần còn lại sẽ khuyến khích nông dân chuyển sang trồng các loại cây ăn trái hoặc trồng lúa”.

Phải bán mía với giá 650 đồng/ki lô gam, bà Nguyễn Thị Liên ở xã Hòa An (huyện Phụng Hiệp) than thở: “Nếu bán được giá trên 800 đồng/ki lô gam còn kiếm lời được chút đỉnh, chứ giá này thì nợ cũ chưa trả nay lại chồng thêm nợ mới”. Theo bà Liên, nhiều nông dân vùng trũng, phèn nặng ở xã Hòa An đã lần lượt chuyển sang trồng các loại cây lấy gỗ như bạch đàn, tràm, trúc... để khỏi bỏ đất hoang, bởi “vùng đất này nếu chuyển sang trồng lúa sẽ bị chim, chuột... phá hoại”, bà Liên bối rối chưa biết chọn đường nào.

Những mùa tôm chụp giật

Dọc tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu, vùng mía nguyên liệu thuộc các xã Long Phú, Long Đức, thị trấn Long Phú... (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) bây giờ đã biến thành vùng nuôi tôm công nghiệp chạy suốt theo nhánh sông Hậu đổ ra biển qua cửa Trần Đề.

Huyện Long Phú từng có vùng chuyên canh mía nguyên liệu rộng hơn 1.000 héc ta, nhưng diện tích mía cứ thu hẹp dần, nhường chỗ cho nhiều mô hình sản xuất khác, đặc biệt là nuôi tôm. Năm ngoái có 79 héc ta đất mía được nông dân đào ao nuôi tôm và hầu hết hộ nuôi đều trúng đậm, nên năm nay phong trào chuyển dịch từ cây mía sang con tôm càng rầm rộ hơn.

Ông Lâm Văn Vũ, Phó phòng NN&PTNT huyện Long Phú, cho biết: “Chỉ riêng hai tháng đầu năm 2014 này, có hơn 100 héc ta đất mía đã được nông dân chuyển sang đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng”.

Ông Lâm Thăng Bằng vừa chuyển đổi rẫy mía của mình ở ấp 2, thị trấn Long Phú trở thành ao nuôi tôm có diện tích mặt nước rộng 4.200 mét vuông hồi năm ngoái. Sau ba vụ thả nuôi tôm thẻ, ước tính đã thu hồi vốn đầu tư mà còn có lãi khoảng 1,4 tỉ đồng.

Gần đó, ông Nguyễn Văn Mì với ao nuôi rộng 4.000 mét vuông, vừa thu hoạch hơn 5 tấn tôm. Với giá bán 220.000 đồng/ki lô gam (loại tôm 40 con/ki lô gam), tính ra ông Mì lãi hơn 750 triệu đồng.

Lợi nhuận đạt được qua mấy vụ tôm liên tiếp tại vùng đất mới chuyển dịch này thúc giục ông Bằng, ông Mì... thuyết phục những người trồng mía khác cho thuê nền đất trồng mía để đầu tư nuôi tôm. Ông Bằng cho hay, vụ tôm tiếp theo ông đã đầu tư mở rộng lên 3 héc ta, ông Mì cũng thuê thêm 3,5 héc ta đất trồng mía để đầu tư dãy ao nuôi tôm mới.

Với kinh nghiệm 14 năm theo nghiệp nuôi tôm ở huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng), ông Bằng cho rằng, nuôi tôm chỉ dễ thành công ở những vùng đất mới chuyển dịch và đặc biệt là nơi có nguồn nước lưu thông tốt như vùng tôm huyện Long Phú hiện tại. Chính vì vậy, Phó phòng NN&PTNT huyện Long Phú, ông Lâm Văn Vũ, dự báo: “Vùng nuôi tôm Long Phú sẽ đạt 300 héc ta ngay trong năm nay”.

Ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), năm ngoái, 90% hộ chuyển dịch từ trồng mía sang nuôi tôm đều có lãi. Thấy vậy, ông Hồ Văn Cò ở xã An Thạnh 2 đã không ngần ngại chuyển 4 héc ta đất trồng mía sang nuôi tôm ngay từ đầu năm nay. Ở xã Đại Ân 1, mới năm ngoái có không ít những rẫy mía rộng 1-3 héc ta chạy xa mút tầm mắt, nay đã trở thành những dãy ao nuôi tôm liên tiếp.

Theo kế hoạch, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung, ông Hồ Thanh Kiệt, cho biết: “Trong hai năm 2014-2015, mỗi năm Cù Lao Dung sẽ chuyển đổi 500 héc ta đất trồng mía sang nuôi thủy sản hoặc trồng các loại hoa màu”. Theo tính toán của địa phương, đến năm 2020, Cù Lao Dung chỉ duy trì khoảng 50% diện tích mía hiện tại.

Tuy nhiên, theo những người nuôi tôm có kinh nghiệm như ông Lâm Thăng Bằng, vùng đất mới đầu tư có khả năng cho khai thác hiệu quả trong thời gian năm năm, sau đó sẽ giảm dần. Có lẽ vì vậy mà không ít người trồng mía ở huyện Long Phú chọn con đường “chuyển dịch” riêng cho họ là cho thuê đất với giá 5-7 triệu đồng/1000 mét vuông/năm, thời gian cho thuê đất 3-5 năm và thu tiền một lần để đảm bảo ăn chắc.

Không ít người trồng mía chọn con đường “chuyển dịch” riêng là cho người ta thuê đất để nuôi tôm với giá 5-7 triệu đồng/1.000 mét vuông/năm, thời gian cho thuê 3-5 năm và thu tiền một lần để đảm bảo ăn chắc.


Related news

Nuôi Tôm Thẻ Thay Tôm Sú Nuôi Tôm Thẻ Thay Tôm Sú

Trong vụ nuôi tôm năm 2013 này, đa số bà con nuôi tôm sú ở tỉnh Trà Vinh đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Nguyên nhân là do khi nuôi tôm, dịch bệnh hoại tử gan tuỵ vẫn còn đe doạ đến sự phát triển của tôm nuôi.

Monday. August 5th, 2013
Nuôi Tôm Hầm Đất Nuôi Tôm Hầm Đất

Mô hình nuôi tôm hầm đất (còn gọi là tôm oxy) đang được nông dân vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) áp dụng mang lại hiệu quả cao do rút ngắn thời gian thả nuôi, hạn chế thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra.

Monday. June 3rd, 2013
Tăng Cường Quản Lý Nuôi Chim Yến Tăng Cường Quản Lý Nuôi Chim Yến

Từ ngày 6-9 tới, chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với phòng chuyên môn cấp huyện, nơi có cơ sở nuôi chim yến, trường hợp đã nuôi chim yến trước ngày 6-9 thì phải khai báo chậm nhất vào ngày 31-12-2013. Khi có sự thay đổi về quy mô diện tích và số lượng của cơ sở nuôi chim yến, tổ chức, cá nhân nuôi chim yến phải khai báo chậm nhất vào ngày 30-10 hàng năm.

Monday. August 5th, 2013
Bè Cá Gặp Nguy Trước Dòng Nước Xiết Bè Cá Gặp Nguy Trước Dòng Nước Xiết

Lúc 15 giờ 10 phút ngày 15-10-2013, tại địa bàn ấp Phước Thọ, xã Đa Phước (An Phú), hàng loạt bè cá của người dân bị dòng nước lũ cuốn trôi và nhấn chìm (tại khu vực gần cầu Cồn Tiên). Phóng viên Báo An Giang đã có mặt tại hiện trường để tìm hiểu vụ việc.

Saturday. October 19th, 2013
Giống Chuối Quý Được Trồng Thử Nghiệm Ở Tiên Yên (Quảng Ninh) Giống Chuối Quý Được Trồng Thử Nghiệm Ở Tiên Yên (Quảng Ninh)

Chuối tiêu hồng được biết đến là giống chuối đặc sản, ngày xưa thường được dùng để cung tiến cho vua chúa. Thời gian vừa qua, giống này đã được Viện Nghiên cứu rau quả tuyển chọn, phục tráng và nhân giống thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào.

Monday. August 5th, 2013