Nâng Cao Năng Lực Sản Xuất Giống Lúa Cho Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long
Là cơ quan nghiên cứu chọn tạo các giống lúa mới và cung ứng các giống đầu dòng cho hệ thống giống 3 cấp, hằng năm, Viện Lúa ĐBSCL sản xuất và phân bổ cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL hơn 2.000 tấn giống phục vụ nhu cầu sản xuất lúa ở các địa phương.
Cùng với chủ trương liên kết “4 nhà” trong cánh đồng lớn, Viện Lúa đang tăng cường liên kết với ngành nông nghiệp địa phương, các doanh nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất và quản lý chất lượng giống lúa sản xuất, đáp ứng yêu cầu sản xuất trong các cánh đồng lớn.
Theo Phòng Điều hành sản xuất-Viện Lúa ĐBSCL, hiện nay, năng lực cung ứng giống của Viện gần 2.000 tấn lúa giống/năm. Trong đó, có khoảng 300-400 tấn lúa giống là do Viện liên kết với các địa phương để sản xuất tại chỗ. Các cá nhân, đơn vị tham gia liên kết với Viện Lúa để sản xuất giống tập trung ở các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) và huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng).
Thạc sĩ Nguyễn Văn Tạo, Trưởng phòng Điều hành sản xuất, cho biết: “Trong quá trình liên kết, Viện Lúa sẽ cung cấp giống đầu dòng, giống siêu nguyên chủng để nông dân nhân ra các cấp giống còn lại và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.
Để các nông hộ sản xuất giống tại địa phương đúng quy trình và đảm bảo chất lượng nguồn giống, Viện sẽ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cử cán bộ xuống địa phương hỗ trợ nông dân trong quá trình canh tác cũng như tổ chức thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm nghiệm tại ruộng giống và trong phòng thí nghiệm trước khi cấp chứng chỉ”.
Theo Quyết định số 713/QĐ-BNN-TT ngày 10-4-2014 “Về việc ban hành Kế hoạch sản xuất giống lúa vùng ĐBSCL giai đoạn 2014-2015” với mục tiêu xác định cơ cấu giống phù hợp cho vùng ĐBSCL và từng địa phương, đáp ứng yêu cầu nâng cao giá trị gia tăng cho gạo xuất khẩu.
Nâng cao năng lực sản xuất và quản lý chất lượng giống lúa, phấn đấu đến năm 2015, diện tích gieo trồng bằng giống xác nhận 1 hoặc giống xác nhận 2 đạt 50% diện tích, tăng 10% so với năm 2012. Trong đó, hệ thống giống chính quy cung ứng giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận cho 30% diện tích gieo trồng, 20% còn lại ở cấp xác nhận 1 và xác nhận 2 do hệ thống giống nông hộ cung cấp.
Việc xây dựng cơ cấu giống lúa hợp lý, phù hợp thị trường xuất khẩu, giảm số lượng giống, giảm tỷ lệ gieo trồng giống chất lượng trung bình-thấp không chỉ là yêu cầu chung của ngành nông nghiệp đối với sản xuất lúa hàng hóa mà còn là yêu cầu đặc biệt cần tuân thủ đối với các cánh đồng lớn.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, cho biết: “Công ty đã tham gia mô hình cánh đồng lớn từ năm 2012 và cung ứng giống cho nông dân để sản xuất trực tiếp trong cánh đồng lớn. Trước đây công ty lấy lúa giống từ các trại giống ở Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh để cung ứng cho nông dân.
Sang đến vụ hè thu 2014, với diện tích cánh đồng lớn của công ty khoảng 3.500ha, công ty ký hợp đồng với Viện Lúa ĐBSCL để mua 200 tấn giống OM 5451 để cung cấp cho các cánh đồng lớn này với diện tích gieo sạ khoảng 2.000ha, phần còn lại mua từ các trại giống bên ngoài.
Tuy nhiên, về lâu dài công ty đang có định hướng liên kết với Viện Lúa để nhận giống xác nhận về cung cấp cho nông dân và nhờ Viện chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác cho nông dân trong cánh đồng lớn để nâng dần chất lượng, năng suất cho các cánh đồng lớn. Song song đó, việc nhận nguồn giống từ Viện để cung ứng cho các cánh đồng lớn cùng giúp nông dân tin tưởng hơn vào chất lượng hạt giống đầu vào và yên tâm sản xuất”.
Với sự tham gia của “4 nhà” trong cánh đồng lớn, Viện Lúa ĐBSCL giữ vai trò quan trọng trong hệ thống giống chính quy, vừa sản xuất giống 3 cấp vừa chuyển giao kỹ thuật canh tác giống cho các Trung tâm giống ở các địa phương và các tổ hợp tác, hợp tác xã, nông hộ nhân giống.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định: “Đối với mô hình cánh đồng lớn chỉ sử dụng cùng một loại giống, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) phải cung ứng nguồn giống xác nhận cho nông dân để canh tác.
Việc làm này vừa đảm bảo chất lượng lúa gạo vừa đảm bảo quá trình thực hiện hợp đồng bao tiêu giữa DN và nông dân suôn sẻ hơn vì nếu DN tham gia đầu tư vật tư đầu vào, tình trạng phá vỡ hợp đồng sẽ được hạn chế. Tuy nhiên, trong quá trình cung ứng giống cho các cánh đồng lớn, một phần nông dân phải tự túc hạt giống, phần còn lại DN cung ứng nhưng nguồn giống chủ yếu từ các cơ sở sản xuất giống tư nhân.
Với thế mạnh về sản xuất lúa, Viện Lúa ĐBSCL có khả năng liên kết với các DN để xác định nhu cầu thực tế của DN về chủng loại và sản lượng giống lúa cần cung ứng cho các cánh đồng lớn. Căn cứ vào nhu cầu thực tế này, Viện sẽ liên hệ với các địa phương tổ chức sản xuất và nhân giống tại chỗ, vừa đảm bảo chất lượng giống vừa giảm bớt chi phí vận chuyển, cung cấp giống cho các cánh đồng lớn”.
Theo Kế hoạch sản xuất giống lúa vùng ĐBSCL giai đoạn 2014-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ cho Viện Lúa ĐBSCL chủ trì thực hiện hiệu quả Dự án sản xuất giống lúa vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015, tập trung vào việc hỗ trợ cho các Trung tâm giống các tỉnh sản xuất giống siêu nguyên chủng, đào tạo tập huấn cấp chứng nhận cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cung cấp giống gốc, đảm bảo cung cấp 60-70% nhu cầu giống lúa siêu nguyên chủng cho ĐBSCL.
Viện Lúa cũng có trách nhiệm tổ chức sản xuất và cung cấp lúa giống cấp nguyên chủng cho hệ thống giống nông hộ để sản xuất giống xác nhận 1 và xác nhận 2.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng giao cho Viện Lúa chủ trì thực hiện hiệu quả Dự án Khuyến nông sản xuất giống lúa vùng ĐBSCL, trong đó tập trung hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn, đặc biệt là ưu tiên hỗ trợ cho hệ thống giống nông hộ.
Hiện nay, Viện Lúa ĐBSCL đang tích cực phối hợp với các địa phương, DN cập nhật các thông tin cần thiết về nhu cầu và năng lực sản xuất giống tại địa phương để xây dựng kế hoạch liên kết, phối hợp hoạt động nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu cung ứng giống cho sản xuất lúa của vùng theo hướn g nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Related news
Ngân hàng Phát triển (VDB) ủng hộ các đề nghị của VASEP về gói hỗ trợ khẩn cấp cho DN cá tra Việt Nam. Trên cơ sở này, ngày 7/6/2012, VDB đã gửi Công văn hỏa tốc số 1812/NHPT-TDXK tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra theo Nghị quyết số 13/NQ-CP.
Tôm khoẻ mạnh vỏ thường có màu xanh lá cây, hoạt động (di chuyển, bắt mồi) nhanh nhẹn. Màu xanh da trời ở tôm khoẻ thường có ngay sau khi lột xác, một thời gian sau chuyển sang màu xanh lá cây. Cũng có giống tôm do di truyền hoặc do thức ăn, điều kiện nuôi dưỡng mà có màu xanh da trời ngay cả khi tôm khoẻ mạnh, cơ thể không lột xác.
Chiều 9.6, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội NDVN Hà Phúc Mịch đi thăm mô hình trồng quýt của anh Trần Văn Bảo ở ấp 8, xã Tấn Thành, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Bộ NNPTNT vừa có văn bản đề nghị Bộ TNMT xem xét, đưa tôm thẻ chân trắng (TTCT) ra khỏi danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Lý do là nếu giữ TTCT trong danh mục đó sẽ ảnh hưởng đến tình hình phát triển sản xuất và xuất khẩu loại thủy sản này
Sau dừa, khoai lang, cua..., các thương nhân Trung Quốc (TQ) đã đến vùng nguyên liệu ở ĐBSCL đặt trạm và trực tiếp mua khóm (dứa) của nông dân với giá cao. Họ còn tới tận ruộng khóm xem xét và gợi ý sẽ “cung cấp thuốc” để nông dân xử lý cho trái thật to!