Nâng cao hiệu quả ngành thủy sản
Gỡ khó cho tôm, cá
Trong 2 năm 2014 - 2015, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo hướng dẫn các địa phương phát triển nuôi tôm với với cơ cấu tôm sú, TTCT hợp lý. Bên cạnh đẩy mạnh nuôi TTCT, giữ tôm sú diện tích phù hợp, phát triển các vùng sinh thái tôm - rừng, tôm - lúa. Cho đến 6 tháng đầu năm 2015, hình thức nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến (nuôi chuyên tôm sú) có diện tích nuôi khá ổn định khoảng 540.432 ha, chiếm 88,9% diện tích nuôi.
Theo đó, cơ cấu tôm sú và TTCT có sự dịch chuyển trong những năm gần đây cho thấy sự đóng góp rất lớn của loài này: TTCT chiếm 12,5% về diện tích nhưng chiếm 56,9% về sản lượng, tôm sú chiếm 87,5% về diện tích trong khi đó chiếm 43,1% về sản lượng. Một số địa phương có tốc độ tăng diện tích nuôi TTCT khá nhanh (điển hình năm 2014, tỉnh Cà Mau tăng 75%, Kiên Giang tăng 58%, Bạc Liêu tăng 25% so với năm 2013).
Về cá tra, năm 2014, 2015 duy trì được diện tích, năng suất, sản lượng, nâng cao giá trị và sản phẩm cá tra. Các năm tiếp theo tăng diện tích và sản lượng phù hợp với khả năng mở rộng thị trường. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, thị trường còn nhiều khó khăn, giá nguyên liệu thấp nên Bộ NN&PTNT có định hướng ổn định diện tích, sản lượng.
Trên lĩnh vực con giống, cả nước có 2.305 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ và 230 cơ sở sản xuất giống cá tra. Hàng năm sản xuất được khoảng 100 tỷ giống TTCT, 30 tỷ giống tôm sú và 2 tỷ cá tra giống đáp ứng 100% cho nhu cầu nuôi trồng. Song song với đó, nhiều mô hình nuôi trồng triển khai áp dụng quy phạm nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP) và các tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP, ASC, BAP). Trong năm 2014 - 2015, có 9.645 ha diện tích nuôi trồng thủy sản được chứng nhận GAP3, trong đó có 2.100 ha cá tra được chứng nhận VietGAP, ASC, BAP…
Lĩnh vực khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá, đã giảm dần sản lượng khai thác thủy sản ven bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ. Tăng số nghề khai thác có hiệu quả, giảm các nghề khai thác kém hiệu quả, đặc biệt thực hiện theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, hiện nay có 2.097 tàu khai thác hải sản xa bờ, đóng bổ sung 205 tàu dịch vụ hậu cần.
Phải phù hợp điều kiện địa phương
Với cá tra, nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện tái cơ cấu thì cần phải tổ chức nuôi lại theo chuỗi liên kết dọc, từ việc hình thành hợp tác xã kiểu mới phải liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp thu mua, chế biến, công ty thức ăn và ngân hàng. Khi đó, người nuôi cá có doanh nghiệp thu mua, có nguồn vốn ngân hàng hỗ trợ và ngân hàng đảm bảo thu hồi vốn khi thu hoạch cá; người nuôi cá tiếp cận được con giống và thức ăn chất lượng hơn, đảm bảo tiến độ, sản lượng cung ứng cho doanh nghiệp chế biến…
Song song đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho cá giống, kết hợp với các viện, trường trong nghiên cứu giống bố mẹ, thức ăn… để từng bước giảm chi phí nuôi. Đồng thời, chuyển đổi thủy lợi nhiều hơn nữa, chuyển đổi đầu tư nhất là đầu tư khoa học công nghệ. Trên con tôm, khi chuyển đổi sang thâm canh phải có lộ trình, phải tiếp cận khoa học công nghệ, thị trường và nhất là vốn, chỉ có vốn mới giải quyết được vấn đề mà mục tiêu tái cơ cấu đặt ra.
Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu Lương Ngọc Lân cho rằng: “Cần thực hiện tái cơ cấu để nâng cao hơn nữa giá trị sản xuất. Trong nuôi trồng, phải xây dựng lại mô hình bền vững, có sự quản lý của cộng đồng gắn với thế mạnh của từng địa phương”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản là vấn đề quan trọng của cả nước, của từng địa phương. Trong thực hiện đề án, vấn đề nâng cao đời sống cho hàng triệu nông dân, ngư dân trên cả nước là trọng tâm nhất. Tái cơ cấu phải lấy hiệu quả sản xuất của phần đông nông dân, ngư dân qua từng mô hình sản xuất, khai thác, đánh bắt làm thước đo thành công.
Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các địa phương cần chủ động rà soát các chủ trương hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp. Với con tôm, cần tập trung cho những hộ nuôi nhỏ, hình thức nuôi quảng canh, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Tăng cường nguồn lực quản lý nhà nước, đặc biệt là hệ thống thú y để người dân tiếp cận được con giống, vật tư đầu vào chất lượng hơn…
Related news
Xuân Lộc (Đồng Nai) có 2 mô hình nuôi gà, vịt lớn nhất, hiệu quả nhất không chỉ ở Đồng Nai mà cả khu vực Đông Nam bộ.
Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái Bến Tre được UBND tỉnh phê duyệt và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp triển khai nhằm tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của thiên nhiên trước những tác động do biến đổi khí hậu thông qua việc phục hồi và duy trì hệ sinh thái tự nhiên vùng ven biển Bến Tre
Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp trên tôm nuôi quảng canh cải tiến (QCCT), trong khi đó các biện pháp kiểm soát chất lượng môi trường nước, phòng ngừa dịch bệnh đối với mô hình này dường như không có hiệu quả.
Nhiều hộ dân tại Bến Tre trúng lớn loại chôm chôm trái vụ nhờ giá quả này đang rất cao, với giá mua tại vườn lên tới 50.000 đồng/kg.