Nâm Nung Tranh Thủ Mọi Nguồn Lực Xây Dựng Cơ Sở Hạ Tầng

Những năm qua, chính quyền xã Nâm Nung (Krông Nô) đã tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ nhiều dự án, chương trình để xây dựng giao thông nông thôn, điện thắp sáng, hội trường…, từng bước góp phần phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, cũng như đưa bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khởi sắc.
Đầu năm 2014, người dân thôn Nam Tiến đã được đi lại trên con đường bằng bê tông. Theo bà con nơi đây thì trước đây, con đường này còn là đường đất nên mùa mưa đi lại rất khó khăn, nhiều đoạn còn lầy lội. Vì thế, từ ngày tuyến đường được kiên cố hóa, bà con đã vui mừng khôn xiết.
Anh Lê Tuấn Đình, một người dân trong thôn chia sẻ: “Có con đường mới, việc chuyên chở hàng hóa cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Trước đây, để mang được hàng nông sản ra chợ thì tiền chuyên chở tốn gấp đôi so với bây giờ. Đến nay, con đường được mở rộng, vừa giúp người dân giảm chi phí vận chuyển, vừa hạn chế tình trạng tư thương ép giá như trước đây. Không những vậy, các cháu học sinh đến trường cũng nhờ đó mà đỡ gian nan hơn nhiều”.
Theo ông Đinh Công Đình, Trưởng thôn Nam Tiến thì trong năm 2013, với tổng số vốn đầu tư từ Dự án phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên, tuyến đường nội thôn dài hơn 1km đã được bê tông hóa.
Ngoài sự hỗ trợ về vốn của dự án, thôn đã linh hoạt trong việc vận động các hộ dân hiến đất để giải phóng mặt bằng, cũng như góp ngày công lao động. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, tuyến đường nội thôn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần tạo điều kiện cho bà con trong quá trình đi lại, sản xuất, cũng như làm cho bộ mặt của thôn thêm khang trang.
Tương tự, được sự hỗ trợ từ Dự án “Tăng cường năng lực kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông”, hiện nay, hội trường thôn Thanh Thái đã được xây mới khang trang, rộng rãi, đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt của bà con.
Theo Ban tự quản thôn Thanh Thái thì trước đây, mỗi lần muốn phổ biến chủ trương, chính sách gì là thôn phải mượn tạm nhà dân để sinh hoạt nên hiệu quả các buổi họp nhiều lúc không được như mong muốn. Còn từ khi có hội trường mới, không những ban tự quản thôn, mà tinh thần bà con cũng phấn khởi hơn hẳn.
Theo ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Nâm Nung thì với phương châm "dễ làm trước, khó làm sau", thời gian qua, địa phương tích cực lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình để xây dựng nhiều công trình, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, sinh hoạt của bà con.
Chỉ tính riêng năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, xã đã tranh thủ được nguồn vốn lên đến hàng tỷ đồng từ các dự án để xây dựng gần 3,2 km đường giao thông nông thôn, 2 cây cầu, 1 đường dây điện vào khu sản xuất thôn Dốc Du, 2 hội trường thôn.
Điều đáng kể hơn, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các dự án, địa phương cũng luôn lồng ghép và phát huy được sức mạnh của toàn dân trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Cụ thể, mỗi công trình được thi công, xây dựng, hoàn thiện đều có sự góp sức, góp của của hàng ngàn hộ dân trong xã.
Ông Trần Văn Quảng cho biết thêm: “Mặc dù hạ tầng nông thôn của xã từng bước được cải thiện, nhưng hiện nay vẫn còn những khó khăn nhất định. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tìm giải pháp, tranh thủ lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau, cũng như vận động nhân dân đóng góp, để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi…, nhằm thúc đẩy hạ tầng, kinh tế ngày càng phát triển hơn”.
Related news

Hiện nay, nguồn cá đồng ở địa phương ngày càng được phát triển. Nếu như năm 2011, việc nuôi cá bổi thâm canh chỉ diễn ra nhỏ lẻ, khoảng 30 ha thì năm 2013, diện tích nuôi cá bổi tăng thêm 8 ha. Không chỉ đối với nuôi thâm canh mà hình thức nuôi cá bổi công nghiệp cũng ngày càng được mở rộng.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020”, toàn tỉnh có 20.638 lao động được đào tạo nghề. Kết quả khảo sát thực tế cho thấy, trên 71% lao động sau học nghề có việc làm, tăng thu nhập. Đây là nỗ lực không nhỏ trong công tác đào tạo nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn.

Nhằm giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến, tỉnh Bạc Liêu đang tăng cường công tác quản lý chặt chẽ nguyên liệu trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra giám sát việc kinh doanh của tất cả cơ sở, đại lý thu mua nguyên liệu.

Dù mới chỉ có vài chục hộ ở TP Bảo Lộc và huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) bắt đầu sử dụng né gỗ để nuôi tằm và máy để gỡ kén tằm, thế nhưng, hiệu quả của việc nuôi tằm theo công nghệ mới này đã giúp người nông dân giảm được nhiều công lao động và tăng cao thu nhập.

Theo số liệu vừa được Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản công bố, sản lượng khai thác thủy sản năm 2013 ước đạt 2.661,8 nghìn tấn.