Muối được mùa nhưng... ế

Sản lượng muối tồn đọng từ năm trước vẫn chưa tiêu thụ hết, dồn ứ kéo dài.
Từ đầu vụ đến nay, vùng sản xuất muối thôn Tuyết Diêm, xã Xuân Bình và thôn Trung Trinh, Lệ Uyên thuộc xã Xuân Phương (TX Sông Cầu, Phú Yên) rộng 181ha, diêm dân vào vụ sản xuất được 3 tháng.
Trời nắng nên muối được mùa, tuy nhiên, giá muối thấp, chỉ 500 đến 600đ/kg, thấp hơn đầu mùa 100đ/kg, sức mua chậm.
Chỉ đống muối to đùng chất đống trước nhà, ông Nguyên Văn Tùng, một diêm dân làm muối ở thôn Tuyết Diêm cho hay: Năm nay được mùa nhưng muối ế. Cách đây 2 năm khi thu hoạch muối, thương lái đưa xe đến đậu cạnh đường rồi thuê nhân công vận chuyển muối từ ruộng vào. Năm nay muối người dân SX ra đem chất đống cạnh đường không thấy ai hỏi mua.
Hàng năm, cứ vào tháng Giêng là diêm dân các xã Xuân Phương, Xuân Bình (TX Sông Cầu) bắt đầu khởi động vụ muối mới. Ruộng muối sau khi cuốc lên rồi đầm đất bằng phẳng, ruộng chứa nước mặn cũng đầu tư gia cố bờ bao kết tinh muối.
Năm nay nắng gắt nên tiến độ kết tinh muối nhanh, thông thường cứ 5 ngày là được 1 mẻ, nay 3 ngày thu 1 mẻ. Chỉ tính riêng vùng muối Tuyết Diêm mỗi ngày sản xuất được trên 100 tấn muối thành phẩm. Cũng trong 3 tháng sản xuất muối vừa qua, nhiều gia đình ở thôn Tuyết Diêm thu 10 đến 20 tấn muối hạt.
Bà Trần Thị Diệu, diêm dân ở thôn Tuyết Diêm, thở dài: “Nhà tôi làm 10 ô muối, sau 3 tháng thu gần 10 tấn. Mấy năm trước làm đâu bán đó, năm nay muối thu hoạch xong chất đống thành núi chờ thương lái nhưng không ai ngó ngàng. Không có kho chứa, tôi phải mua mấy tấm bạt to tủ muối”.
Không chỉ năm nay mà năm 2014, nắng kéo dài, diêm dân “trúng” muối. Chỉ tính riêng tại vùng muối Trung Trinh, mỗi ngày xe tải chở 30 đến 35 tấn muối, tuy nhiên giá cũng chỉ 500 đến 600đ/kg. Giá muối thấp diêm dân gọi điện thoại cho thương lái đến mua nhưng thương lái khất lần vì không có kho chứa.
Tại xã Xuân Bình, nhiều diêm dân đối mặt với được mùa nhưng muối ế. Ông Nguyễn Văn Đông, một người mua muối ở xã Xuân Bình, cho biết: "Tôi mua đi bán lại muối cho các thương lái lớn ở Bình Định, nhưng năm nay vùng muối Bình Định cũng ế nên thương lái ít nhập muối Sông Cầu".
Cũng theo ông Đông, năm ngoái có người tồn đọng trên ngàn tấn muối mua trữ chờ giá. Thường thì tháng Giêng là thời điểm bắt đầu bước vào vụ muối mới nên giá muối tăng cao.
Người mua trữ muối trong tháng Giêng chủ yếu là cung ứng cho các tàu cá đánh bắt gần bờ muối cá. Thế nhưng, tháng Giêng năm nay, các tàu ít trúng cá nên sản lượng muối bán ra không đáng là bao nên muối ế đến tháng 2, tháng 3 năm nay.
Theo các thương lái thu mua muối ở TX Sông Cầu, sở dĩ hai năm liền giá muối thấp và ế ẩm là do các tỉnh có làm muối trong khu vực được mùa nên lượng muối làm ra cung cấp trên thị trường dư thừa.
Thống kê của Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, đến đầu năm 2015, lượng muối của diêm dân tồn kho khoảng 8.200 tấn. Không chỉ muối sản xuất bằng phương pháp thủ công tồn đọng mà muối sạch cũng rất khó bán. Trung bình hàng năm diêm dân toàn thị xã sản xuất 20.140 tấn muối, trong đó xã Xuân Phương 4.230 tấn, Xuân Bình 15.910 tấn.
Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho hay: “Năm 2013, giá muối tăng cao nên đến năm 2014, diêm dân đầu tư làm muối nên sản lượng muối tăng trên 40,7 lần so với cùng kỳ, giá muối lại giảm, sản lượng muối tồn đọng cho đến đầu năm 2015. Khó khăn hiện nay diêm dân gặp phải là giá muối không ổn định, được mùa nhưng mất giá. Hiện giá muối hạ chỉ bằng 50% so với năm 2013.
Related news

Tại Hội nghị quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững vùng ĐBSCL tổ chức tại tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Huy Điền- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản -cho biết, đến thời điểm này, 8 tỉnh, thành phố ven biển vùng ĐBSCL đã đề xuất 61 dự án thủy lợi với tổng nguồn vốn đầu tư lên tới trên 9.288 tỉ đồng.

Theo kết quả phân tích mẫu tôm biển kiểm tra bệnh định kỳ của Chi cục Nuôi trồng Thủy sản từ cuối tháng 02 đến ngày 17 tháng 3 năm 2014, xét nghiệm 13 mẫu tôm chân trắng nuôi và 06 mẫu tôm giống, đã phát hiện 07 mẫu tôm chân trắng nuôi và 04 mẫu tôm giống nhập tỉnh nhiễm bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (IHHNV).

Huyện Quảng Xương: Vụ mùa năm 2014, huyện Quảng Xương gieo cấy hơn 8.500 ha, trong đó cơ cấu trên 60% diện tích lúa mùa muộn. Hiện nay, ở các xã: Quảng Cát, Quảng Phong, Quảng Châu... hơn 90% diện tích lúa mùa đang bị các đối tượng sâu bệnh tấn công, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ; mật độ trung bình là trên 100 con/m2, cá biệt, có nơi lên tới trên 300 con/m2.

Đánh bắt và khai thác nguồn lợi thuỷ sản mùa nước nổi là nghề rất đặc thù của người dân vùng châu thổ ĐBSCL, nhất là vùng Đồng Tháp Mười và khu vực Tứ giác Long Xuyên.

Đối với nghề nuôi tôm biển (sú, thẻ chân trắng ) đặc biệt là nuôi thâm canh thì vấn đề như: môi trường, mầm bệnh, chăm sóc và quản lý,…là các yếu tố quyết định sự thành công của nghề nuôi tôm.