Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển Cây Đậu Trên Cát Cho Hiệu Quả Cao

Phát Triển Cây Đậu Trên Cát Cho Hiệu Quả Cao
Publish date: Friday. August 2nd, 2013

Là một xã vùng biển bãi ngang, toàn bộ diện tích đất tự nhiên của Triệu Vân nằm trong vùng cát của huyện Triệu Phong (Quảng Trị), do đó canh tác nông nghiệp khó khăn và nguồn nước tưới không đảm bảo. Nguồn thu nhập từ biển của ngư dân Triệu Vân không nhiều lắm do chủ yếu đánh bắt ven bờ. Sản xuất nông nghiệp của xã trước đây phần lớn chỉ trồng được một vụ lúa đông xuân đạt năng suất thấp. Hàng năm vào vụ hè thu, do không có nước tới nên vùng cát toàn xã Triệu Vân bị bỏ hoang.

Vài năm trở lại đây, thực hiện sản xuất nông nghiệp phù hợp với biến đổi khí hậu, xã Triệu Vân đã đưa vào trồng mới một số loại cây trồng chịu hạn, cho năng suất cao và sản phẩm dễ tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài tỉnh như các loại cây họ đậu, dưa hấu, bầu, bí, mướp…

Năm 2013, được sự hỗ trợ của dự án sản xuất nông nghiệp ở vùng cát tỉnh Quảng Trị (mỗi héc ta được hỗ trợ 5 triệu đồng bao gồm giống và vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), người dân xã Triệu Vân đã trồng 15 ha đậu đen, nâng tổng số diện tích đậu đen của toàn xã lên 45 ha. Nhờ được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chu đáo, cặn kẽ cách canh tác nên năng suất đậu đen của xã Triệu Vân đạt khá, bình quân đạt 15 tạ/ha.

Được sự đầu tư của dự án, gia đình ông Trần Đình Anh ở thôn 8 là một trong những hộ đầu tư trồng đậu đen mang lại hiệu quả cao. Trên diện tích 4 sào ruộng trồng lúa vụ đông xuân, vụ hè thu gia đình ông Anh trồng đậu đen, thu hoạch mỗi vụ được sản lượng hơn 3 tạ. Vụ hè thu năm nay đậu đen được mùa ông Anh thu hoạch hơn 3,5 tạ, thu hoạch đến đâu ông tranh thủ thời tiết nắng ráo phơi rồi bán ngay nên được giá, mỗi kilôgam giá 40.000 đồng. Chỉ đầu tư sản xuất trong thời gian 2 tháng trên diện tích 4 sào đất, gia đình ông Anh thu về hơn 13 triệu đồng.

Hiện tại, trên địa bàn xã Triệu Vân có hơn 80% số hộ dân tập trung ở thôn 7, thôn 8 và thôn 9 tham gia trồng đậu đen xanh lòng. Theo người dân ở đây cho biết, cây đậu đen xanh lòng rất dễ trồng, ít vốn đầu tư và công chăm sóc, thời gian gieo trồng ngắn nhưng cho hiệu quả kinh tế rất cao, thích hợp với vùng đất cát. Với giá đậu đen trên thị trường hiện nay thì trồng mỗi héc ta cho giá trị khoảng 50 - 60 triệu đồng/vụ.

So sánh với một số cây trồng khác thì trên cùng một diện tích, trồng đậu đen cho thu nhập gấp 2 lần trồng lúa và gấp hơn 3 lần trồng khoai lang. Hơn nữa, trồng đậu đen tiết kiệm được nước tưới, lại làm cho đất tốt hơn qua các vụ canh tác nên vụ sau trồng lúa có năng suất cao.

Thời vụ trồng đậu đen ngắn nên rất thích hợp để trồng trong vụ hè thu vừa tiết kiệm nước tưới, vừa tránh được những rủi ro do thiên tai cuối vụ như mưa lũ, bão… Những năm qua, nhờ phát triển cây đậu đen mà nhiều hộ dân đã có thu nhập khá, góp phần ổn định cuộc sống.

Phát huy hiệu quả đó, qua các năm, xã Triệu Vân đã vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ hè thu, cây đậu đen được xã tập trung chỉ đạo nông dân tăng cường mở rộng diện tích. Trong quỹ đất phát triển nông nghiệp của địa phương, hàng năm, xã vận động nông dân chuyển đổi và mở rộng thêm khoảng 5 - 8 ha đậu đen, khả năng toàn xã có thể phát triển được khoảng 120 ha đậu đen.

Ông Nguyễn Văn Ngưỡng, Chủ tịch UBND xã Triệu Vân cho biết: “Ruộng vụ đông xuân của xã phải trồng lúa để đảm bảo lương thực, vụ hè thu thiếu nước trước đây dân bỏ hoang nay xã đã vận động người dân trồng các loại cây màu đem lại thu nhập khá, nhất là cây đậu đen và mướp đắng, mỗi sào cho thu hoạch trị giá 2 - 3 triệu đồng vụ hè thu.

Hai loại cây này đã mang lại thu nhập khá cho người dân. Những năm tới, xã không chỉ mở rộng diện tích cây đậu đen mà còn chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất. Điều quan trọng là phải tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm đậu đen của người dân để cây đậu đen thực sự là cây chủ lực trong vụ hè thu của xã về lâu dài, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân địa phương”.


Related news

Cây Nho Ninh Thuận, Vì Sao Lận Đận? Cây Nho Ninh Thuận, Vì Sao Lận Đận?

Gần như là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ những yếu tố để phát triển cây nho, nhưng thương hiệu nho Ninh Thuận lại chưa có một vị thế xứng tầm.

Saturday. May 19th, 2012
Mô Hình Không Dùng Hóa Chất Xử Lý Hạt Giống Mô Hình Không Dùng Hóa Chất Xử Lý Hạt Giống

Ngoài các biện pháp kỹ thuật đang được phổ biến như "một phải năm giảm" (phải dùng giống lúa xác nhận, giảm giống, giảm phân đạm, giảm thuốc BVTV, giảm nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch), mô hình còn áp dụng tuyệt đối không dùng bất cứ hóa chất nào để xử lý hạt giống trước lúc gieo sạ.

Monday. July 16th, 2012
Đưa Giống Thanh Long Ruột Đỏ Về Vùng Đất Núi Đưa Giống Thanh Long Ruột Đỏ Về Vùng Đất Núi

Là người tiên phong đưa giống cây thanh long ruột đỏ về vùng đất miền núi Tràng Xá, anh Chu Văn Hợp, xóm Khuôn Ruộng, xã Tràng Xá (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), hiện là chủ nhân của 300 gốc cây thanh long ruột đỏ đang đơm hoa kết trái, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây là mô hình sản xuất mới, phù hợp với vùng đất miền núi khô cằn, đang được nhiều hộ dân học tập theo.

Monday. October 1st, 2012
Người Hrê Đưa Khoa Học Kỹ Thuật Vào Ruộng Mía Người Hrê Đưa Khoa Học Kỹ Thuật Vào Ruộng Mía

Nhờ ứng dụng cơ giới vào khâu làm đất và biết sử dụng phân bón hợp lý, hàng trăm hộ dân người Hrê trồng mía ở huyện miền núi Ba Tơ đã nâng năng suất cây mía lên gấp 2 lần, hạn chế được tình trạng đất bị xói lở, bạc màu.

Thursday. June 14th, 2012
Giàu Lên Từ Rắn Hổ Giàu Lên Từ Rắn Hổ

Gắn chóa đèn pin lên trán, một tay cầm cây móc, một tay thò vào hộc lôi con rắn hổ to đùng còn đang phùng mang phù phù ra, anh La Minh Vũ cười xòa: “Con này cho thu nhập khoảng 7 triệu đồng đấy”. Thấy tôi tròn xoe mắt kinh ngạc, anh chiết tính: con này cỡ hai ký rưỡi, mỗi ký giá một triệu đồng; mỗi năm nó đẻ hai lứa, mỗi lứa trung bình 15 trứng, giá mỗi trứng 300.000 đồng.

Tuesday. October 2nd, 2012