Mùa Săn Cá Đồng
Mùa mưa đến, nước tràn đồng, đây chính là lúc cá đồng từ các sông, suối thượng nguồn tràn về, sinh sôi nảy nở và cũng là lúc những người hành nghề "săn" cá đồng vào mùa. Cá về, không chỉ có những người chuyên sống bằng nghề bắt cá đồng phấn khởi, mà cả những người dân sống gần ao, hồ... cũng tranh thủ đánh bắt để phục vụ cho bữa ăn gia đình.
So với mọi năm, năm nay, mùa mưa đến muộn nhưng những trận mưa lớn, dồn dập trong mấy ngày qua khiến mực nước tại các ao hồ, kênh mương, bàu, trảng dâng cao. Sa mưa, nước ngập đầy đồng là môi trường thuận lợi để các loài thuỷ sản sinh sôi nảy nở. Nhắm chừng nước đã tràn đồng, nhiều người háo hức chuẩn bị “đồ nghề” đi hành nghề.
Thời điểm này, đi dọc các cánh đồng, nơi nào có mương nước chảy.. thì ở nơi đó thu hút rất nhiều người dân tham gia đánh bắt cá với đủ các đánh bắt khác nhau. Từ thả lưới, cất vó cho đến đặt lờ, trúm.... Mỗi cách đánh bắt có một lợi thế, nguồn thu nhập riêng, nhưng tất cả tạo nên một bức tranh mưu sinh mùa nước lớn.
Gắn bó với nghề chài lưới đã hơn 10 năm nay, tranh thủ những ngày mưa đầu mùa, hằng ngày hai vợ chồng anh Huỳnh Tấn Minh ở xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) chèo ghe ra đến các cánh đồng, kênh mương để thả lưới kiếm thu nhập cho gia đình. “Đầu mùa mưa cá xuất hiện nhiều, nên đi thả lưới mùa này thích lắm, cá dính lưới con nào con nấy bự nhìn thấy mê."- anh Minh chia sẻ.
Sống bằng nghề chài lưới dọc các sông hồ quanh năm, nhưng vào đầu mùa mưa, vợ chồng anh Minh phấn khởi hơn, bởi thu nhập tăng lên đáng kể. Anh Minh cho biết: Cá đồng thì có quanh năm, song cá đồng đầu mùa người mua rất "khoái" ăn, bởi cá mới lớn, rất mềm xương, thịt ngọt và thơm và đặc biệt nhiều con có bụng trứng căng tròn. Chính vì thế, giá cả cá đồng bán vào đầu mùa lúc nào cũng cao hơn những thời điểm bình thường.
"Khoản thu nhập trời cho này vô chừng lắm, ngày nhiều, ngày ít, song tính ra bình quân, mỗi ngày cũng khoảng 200 nghìn đến 250 nghìn. Đủ trang trải cuộc sống hàng ngày trong những ngày mưa"- anh Minh tiết lộ.
Ngoài những người quanh năm mưu sinh với công việc thả lưới, cất vó... thì những ai mê các món ăn thơm ngon, ngọt béo từ cá đồng cũng rủ nhau đi bắt cá, để cải thiện bữa ăn. Đánh bắt cá đồng mùa mưa đã trở thành một thú vui của nhiều người.
Thời điểm này, mặc dù chỉ mới đầu mùa, nhưng cá đồng được người dân đánh rất đa dạng, phong phú. Nào cá rô, tràu, trê, diếc, trắm cỏ, cấn, mại,… nên ai cũng rất thích thú. Có thời điểm chỉ một khúc sông, mương có đến gần cả chục người dùng vó để đánh bắt cá. Tiếng cười nói, í ới gọi nhau khi cất được những mẻ vó đầy ắp cá.
Vừa cất một vó với cá kha khá, người đàn ông tên Phúc ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) thấy chúng tôi có vẻ thích thú nên cười tươi bảo với chúng tôi: Trời mưa, cá chạy nhiều nên từ sớm giờ cũng kiếm được khá khá rồi. Theo lời giải thích của ông Phúc thì, mưa lớn, cá từ dưới sông ngược theo mương lên ruộng, nên người cất vó cứ tập trung ở những chỗ trũng nước hoặc những chỗ nước chảy như mương nước, cống thoát nước lớn, ao, hồ có đường thông nước... thì chắc chắn sẽ kiếm được nhiều cá.
"Ngày mưa, anh em trong xóm không biết làm gì, nên rủ nhau cùng đi cất vó cho vui. Vừa cất, vừa tán chuyện với nhau. Đa phần là bắt cá chỉ để ăn thôi, khi nào dư mới bán. Nhìn thấy thế này thôi, chứ có người cất vó cả ngày bán được 200 nghìn- 300 nghìn chứ chẳng chơi đâu"- vừa nói ông Phúc cười tươi, hòa lẫn trong tiếng cười nói rộn ràng của những "đồng nghiệp".
Cá đồng vào mùa mang lại niềm hứng khởi cho nhiều người quanh năm mưu sinh với nghề này. Tuy nhiên, nhiều người khá lo lắng, bởi lẽ cùng với cách đánh bắt cá truyền thống thân thiện với môi trường, thì cũng có không ít người vì cái lợi trước mắt, để bắt được nhiều các loài cá đồng đã sử dụng các biện pháp, như: dùng xung điện, hóa chất thuốc cá… Đây là một trong những nguyên nhân khiến lượng cá đồng trong những năm gần đây ngày càng ít dần.
Related news
Với mong muốn nông dân sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần với ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Mới đây, UBND tỉnh thống nhất việc hỗ trợ giá giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh qua từng năm, kết thúc vào cuối năm 2015...
Phấn đấu đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 7.000 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, cấp chứng nhận mới cho 800 ha và tái cấp chứng nhận khoảng 3.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn nông dân đều chưa thấy được lợi ích mà VietGAP mang lại. Do đó, sự tích cực tham gia chương trình VietGAP của không ít bà con đã giảm hơn trước...
Trong đó: Trung ương Hội ủy thác cho 17 hộ nông dân vay 500 triệu đồng đầu tư chăn nuôi lợn nái ở thị trấn Hòa Thuận; Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh ủy thác cho 19 hộ nông dân vay 140 triệu đồng đầu tư chăn nuôi bò tại hai xã: Hồng Đại, Tiên Thành; Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện cho 73 hộ nông dân vay phát triển chăn nuôi nuôi trâu, bò, lợn nái, lợn thịt..., với tổng số tiền 519 triệu đồng.
Phía sau câu chuyện nuôi cá bông lau là tâm huyết của các kỹ sư nông nghiệp trẻ cho sự phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của quê hương.
Những ngày xuân ấm áp này, ở Hà Nam, bà con nông dân đang tranh thủ xuống đồng, gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước vào khung thời vụ gieo cấy. Còn ít ngày nữa mới đến lịch gieo cấy bằng mạ, song hiện nay nhiều địa phương đã triển khai gieo sạ theo phương pháp cải tiến bằng nông cụ sạ hàng.