Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mùa Ong Làm Mật

Mùa Ong Làm Mật
Publish date: Tuesday. April 8th, 2014

Khi hoa vải thiều bung nở cũng là lúc hàng chục nghìn đàn ong khắp các nơi trong cả nước "bay” về Lục Ngạn - Bắc Giang (huyện có 18 nghìn ha vải thiều) "đánh” mật. Mùa khai thác mật ong lớn nhất trong năm ở vương quốc vải thiều đã bắt đầu.

"Vựa” mật

Ông Nguyễn Duy Chương (quê Ninh Bình) – chủ nuôi ong ngoại có hơn 10 năm kinh nghiệm chuyển trại ong 500 đàn từ Đắc Lắc về thôn Bắc Một, xã Quý Sơn khai thác mật hoa vải thiều.

Khi chúng tôi đến thăm, ông Chương cũng vừa nhờ xong vị trí đặt đàn ong trong vườn vải rộng gần 2 ha của gia đình ông Ngô Văn Nhật. Công việc của chủ trại ong lúc này là tháo nêm các cầu vệ sinh tổ, kiểm tra lại ong chúa, chuẩn bị các vật dụng cần thiết để bước vào vụ khai thác mật mới.

Để di chuyển được đàn ong với khoảng cách hơn 1.000 km từ Đắc Lắc về đây, ông Chương tốn khoảng 70 triệu đồng tiền thuê xe ô tô tải và công bốc vác.

Tuy nhiên, theo các chủ nuôi ong thì với diện tích vải thiều lớn và trồng tập trung, hoa vải lại nhiều mật nên nếu thời tiết thuận lợi thì chỉ khoảng 20 ngày khai thác mật hoa ở Lục Ngạn, sản lượng mật đã bằng cả năm khai thác mật cao su, cà phê, keo… ở trong Nam.

Cách trại ong của ông Chương khoảng 500 m, tại vườn vải thiều nhà ông Lăng Văn Cun (cùng thôn) cũng có chủ nuôi ong ngoại nhờ địa điểm đặt 300 đàn. Đó là trại ong của anh Đào Văn Chung đến từ Phú Thọ. Mới bước vào nghề kinh nghiệm chưa nhiều, anh Chung vận chuyển trại ong từ Đắc Lắc ra Lục Ngạn vào đúng đợt rét cuối vụ và mưa phùn nên đàn ong chết mất khoảng 10%. "Tôi lo và xót ruột quá. Chỉ mong trời nắng lên để mùa khai thác mật được thuận lợi” – anh Chung nói.

Theo UBND xã Quý Sơn, tại xã hiện có 150 trại ong chủ yếu là của người trong Nam về nhờ địa điểm, mỗi trại có từ 300 – 600 đàn ong Ý. Khi vận chuyển đàn ong về đây, chủ trại ong đều trực tiếp liên hệ với các hộ dân có vườn vải thiều đẹp, thuận đường giao thông và có điều kiện dễ quản lý đàn ong.

Tạo điều kiện tốt nhất cho người nuôi ong

Cùng với Quý Sơn, Thanh Hải cũng là xã có diện tích cây ăn quả lớn của huyện Lục Ngạn. Với gần 800 ha vải thiều đang độ nở hoa, các vườn thu hút 26 trại ong (mỗi trại có từ 500 – 900 đàn ong Ý) của chủ nuôi ong ở trong và ngoài tỉnh về khai thác mật. Trại ong có 800 đàn đang đặt tại thôn Đồng Tuấn, xã Thanh Hải của hai chủ là ông Nguyễn Huy Chung (quê Hòa Bình) và ông Nguyễn Văn Điệp (quê Hải Dương) là một điển hình.

Do nắm bắt tình hình hoa vải thiều sẽ nở và vận chuyển đàn ong ra Lục Ngạn kịp thời nên khi chúng tôi đến thăm, trại ong của ông Chung đã được khai thác (quay) đợt mật đầu tiên. Để khai thác hết mật của các đàn ong, ông Chung đã phải thuê đến 7 nhân lực ở địa phương làm các công việc như: Dỡ, vận chuyển cầu về máy quay mật, cắt gọt bớt sáp ong thừa và quay lấy mật…

Ông Chung cho biết: "Khi bỏ cả trăm triệu đồng để vận chuyển đàn ong về Lục Ngạn, chúng tôi muốn khai thác được nhiều mật ong nhất nên việc phân bố vị trí đàn ong sẽ phải tính toán khoa học, hợp lý giữa các chủ trại ong với nhau. Đợt khai thác đầu tiên này, cả trại ong của tôi ước chỉ thu về khoảng 2 tấn mật, ít hơn các vụ trước do thời tiết xấu kéo dài”.

Ở gần đó, trại ong 900 đàn của anh Phạm Minh Dương (quê Bình Dương) cũng đang chuẩn bị bước vào đợt khai thác mật đầu tiên. Anh Dương cho biết, đây là năm thứ 2 anh đưa đàn ong về Lục Ngạn. Sản lượng mật hoa vải thiều khai thác được nhiều hay ít phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố.

Thứ nhất thời tiết thuận lợi, trời nắng đẹp, mật hoa đặc thì ong sẽ lấy mật nhanh (thường chỉ từ 2 – 3 ngày được quay mật một lần); thứ hai là đàn ong phải khỏe, trong tổ phải bảo đảm có từ 8 – 10 cầu khai thác mật mới nhanh. Nếu như hoa vải có nhiều mật mà đàn ong yếu thì việc khai thác cũng kém. Trong điều kiện thời tiết đẹp thì người nuôi ong có thể quay được 6 lần mật hoa vải thiều/vụ. Bình thường chỉ cần quay được 4 -5 lần cũng là tốt lắm rồi.

Đánh giá về mùa khai thác mật hoa vải thiều năm nay, ông Leo Văn Phúc, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn cho biết: "Ước tính toàn huyện Lục Ngạn có từ 70 – 80 nghìn đàn ong ngoại của các chủ nuôi ong ở khắp các tỉnh, thành phố về khai thác mật hoa vải, trong đó có hơn 10 nghìn đàn ong của người dân trong tỉnh.

Năm nay vải thiều ra nhiều hoa nhưng thời tiết không thuận lợi (độ ẩm trong không khí cao, trời thường xuyên có mưa), vì thế hoa vải thiều có ít mật hoặc mật loãng nên sản lượng khai thác sẽ kém hơn nhiều so với những năm trước.


Related news

Nông Dân Được Mùa Mè Nông Dân Được Mùa Mè

Những ngày này, nông dân trồng mè ở xã Phan Tiến (Bắc Bình) đang “rộ” mùa thu hoạch. Ai cũng phấn khởi bởi mè trúng mùa, được giá.

Wednesday. August 14th, 2013
Cần Sử Dụng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Đúng Cách Cần Sử Dụng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Đúng Cách

Tuy nhiên, trên thực tế không ít nông dân mới phun thuốc trừ sâu được một, hai ngày đã mang ra chợ bán. Do đó lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong rau rất cao, nguy hiểm đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Wednesday. August 14th, 2013
Nuôi Heo Hướng Nạc Nuôi Heo Hướng Nạc

Thời gian gần đây, cùng với việc mở rộng chăn nuôi theo quy mô trang trại, nhiều nông dân đã chọn giống heo hướng nạc để nuôi, do loại vật nuôi này cho năng suất cao, sản phẩm phù hợp với thị trường.

Wednesday. August 14th, 2013
Thành Công Với Mô Hình Nuôi Tôm Càng Xanh Toàn Đực Thành Công Với Mô Hình Nuôi Tôm Càng Xanh Toàn Đực

Nông dân huyện Châu Phú nuôi thử nghiệm mô hình tôm càng xanh toàn đực trong ao đất và thu được thành công bước đầu. Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Châu Phú cho biết, hiện có 16 hộ nuôi tôm càng xanh toàn đực chính vụ với diện tích 11,3 héc-ta, thuộc địa bàn các xã: Thạnh Mỹ Tây, Vĩnh Thạnh Trung, Bình Phú. Giá tôm hiện nay khoảng 230.000 đồng/kg, đây là mức giá lý tưởng cho nông dân.

Thursday. August 15th, 2013
Tập Huấn Và Chuyển Giao Công Nghệ Nông Nghiệp Nam Bộ Thu Hoạch 6 Ao Tôm Thẻ Chân Trắng Tập Huấn Và Chuyển Giao Công Nghệ Nông Nghiệp Nam Bộ Thu Hoạch 6 Ao Tôm Thẻ Chân Trắng

Trong tình hình dịch bệnh tôm nước lợ bùng phát mạnh thời gian gần đây, đặc biệt là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà vẫn chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu khiến người dân trong vùng chưa dám mạnh dạn đầu tư vào con tôm thì tại Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao công nghệ Nông nghiệp Nam bộ, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã nuôi thành công 6 ao nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tiên.

Thursday. August 15th, 2013