Mưa nhiều lúa đổ ngã, hư hại rau màu
+ Cảnh báo 3 vùng trọng điểm đợt triều cường tháng 8
Mưa lớn kéo dài 3 ngày qua đã làm một số diện tích lúa Thu Đông và rau màu, cây ăn trái trong tỉnh Vĩnh Long ngập cục bộ, gây ảnh hưởng năng suất, thiệt hại cho nông dân.
Chi cục Thủy lợi tỉnh, cũng cảnh báo 3 vùng trọng điểm đợt triều cường tháng 8 âm lịch sắp tới.
Ghi nhận nhanh của nhóm phóng viên trong mấy ngày mưa kéo dài.
Người dân ở Mang Thít khó khăn thu hoạch lúa đổ ngã.
Lúa đổ ngã, vườn ngập úng
Tại huyện Trà Ôn, hiện diện tích lúa Thu Đông đang ở giai đoạn chín chờ thu hoạch có hơn 6.300ha, giai đoạn trổ chắc xanh còn 3.100ha, do mưa kéo dài cả ngày lẫn đêm và lượng mưa rất lớn nên diện tích lúa đang chuẩn bị thu hoạch bị đổ ngã và một số còn bị ngập trong nước khiến diện tích lúa này có nguy cơ giảm năng suất khoảng 30%.
Bên cạnh, một số diện tích vườn cây ăn trái, rau màu của bà con nông dân trong huyện cũng bị ngập. Để kịp thời bảo vệ diện tích lúa Thu Đông, rau màu và vườn cây ăn trái, hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Trà Ôn tập trung các máy bơm thoát nước, bơm nước ra kịp thời không để ngập úng lâu.
Trong khi đó, tuy không phải là vùng trực tiếp chịu ảnh hưởng của mưa lũ, nhưng vào mùa mưa lũ các xã cù lao và các xã phía Bắc QL1 thuộc huyện Long Hồ cũng bị thiệt hại đáng kể.
Nhằm chủ động phòng chống lũ, giảm nhẹ thiên tai, huyện tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi sử dụng ngân sách nhà nước và nguồn huy động trong nhân dân, đi đôi với việc vận động nhân dân tự gia cố, chằng chống nhà cửa, các công trình kiến trúc cũng như bờ bao, bờ thửa liền ranh.
Từ đầu năm 2015 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai thi công 11 công trình nâng cấp, duy tu, sửa chữa đê bao thủy lợi với tổng chiều dài hơn 27.000m.
Tại huyện Bình Tân, ông Lê Thanh Phong- cộng tác viên khuyến nông và bảo vệ thực vật xã Tân Hưng (Bình Tân)- cho biết xã có khoảng 500ha lúa chín đến ngày thu hoạch nhưng phải hoãn lại chờ qua mưa, song đã có một số đồng lúa bị ngã.
Trong khi đó, khoảng 100ha khoai từ 4 tháng trở lên bị ngập tới 1/3 giồng, nông dân phải đặt máy bơm. “Cũng may là giống khoai tím Nhật chịu ngập tốt nên không hề gì. Nhờ đặt máy bơm đều đồng nên nay đã ổn rồi”.
Ông Phong cũng cho biết thêm các loại rau cải, bắp cải,… cũng bị ảnh hưởng nhiều. Dưa hấu với diện tích khoảng 25ha gần tới ngày thu hoạch, chụp nụ… ảnh hưởng mưa nên nông dân phải bơm suốt ngoài rẫy vì nếu ngập chừng 1 buổi là úng trái, nụ đậu không đều.
Ghi nhận từ Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, mưa nhiều mấy ngày qua cũng gây ảnh hưởng đến một số đồng lúa đến ngày thu hoạch khiến bà con nông dân lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Ngãi (TP Vĩnh Long)- cho biết: “Xã có 7 tổ sản xuất, trong đó, 1 tổ đã thu hoạch lúa xong. Trong khi tổ 3B với khoảng 16,5ha lúa tới ngày thu hoạch nhưng gặp ngay đợt mưa nên phải đình lại. Nước ứ đọng trên đồng, nông dân đang chắt nước ra.
Lúa bị đổ ngã nhiều, trong đó có khoảng 10ha bị ngã rạp nên chi phí công cắt chắc sẽ tăng lên.
Trước đó, thương lái đã đặt cọc với giá 4.200 đ/kg (lúa IR50404), nhưng nông dân đang lo lái chê lúa xấu, lên mộng mà bỏ cọc không mua hoặc hạ giá thì rất căng”. Nhiều nông dân cho biết nếu trời nắng thì 1- 2 ngày nữa sẽ thu hoạch.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, vài ngày qua, Vĩnh Long chịu ảnh hưởng của bão nên trên địa bàn tỉnh có xảy ra mưa dầm trong 2 ngày, tuy nhiên lượng mưa không đáng kể, nên không gây ngập lụt, mức độ rủi ro không cao.
Theo người dân, lúa đổ ngã do ảnh hưởng mưa sẽ làm giảm năng suất.
Chủ động đối phó lũ lớn, triều cường
Theo ghi nhận ban đầu của nhóm phóng viên, mưa lớn kéo dài mấy ngày qua không gây ra sạt lở, hư hại nhà cửa người dân. Tuy nhiên, các địa phương và người dân trong tỉnh cho biết luôn chủ động phương án ứng phó.
Tại huyện Vũng Liêm, ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện- cho biết hiện Vũng Liêm đã tăng cường kiểm tra các điểm nóng thường xảy ra sạt lở, đồng thời cảnh báo người dân chằng chống nhà cửa, theo dõi tình hình thiên tai tại các xã thường xuyên để cảnh báo người dân kịp thời.
Do hệ thống đê bao hoàn thiện, nên ông Trần Văn Đào- cán bộ nông nghiệp xã Thành Đông (Bình Tân)- cho biết đợt mưa này ít ảnh hưởng, chỉ một số diện tích khoai đang vào mùa thu hoạch phải đình lại, chờ hết mưa.
Tuy nhiên, người dân lo ngại vì “thấy nước ngoài sông đã dâng cao hơn, nếu tình hình mưa lũ còn tiếp diễn như vầy thì con nước rằm tháng 8 sắp tới nước sẽ rất lớn”- Lê Thanh Phong dự báo và cho biết thêm “hiện đã xin phòng Nông nghiệp- PTNT huyện hỗ trợ be bờ tạm đối với những đoạn đê yếu, có nguy cơ bị vỡ”.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn huyện Bình Tân, tình trạng sạt lở ngày càng diễn biến nghiêm trọng.
Cụ thể tại xã Thành Lợi có 2 đoạn sạt lở ở kênh Hai Quý, với chiều dài gần 50m, tại xã Tân An Thạnh sạt lở một đoạn dài 80m, dọc theo kinh Xã Hời và tại xã Tân Bình sạt lở 2 đoạn dọc theo 2 bên sông Thông Lưu dài khoảng 300m và khu vực vàm sông Bà Đồng ra Sông Hậu, dài khoảng 200m.
Hiện tại một số điểm sạt lở đã được địa phương triển khai nhiều biện pháp gia cố và di dời các hộ dân xung quanh khu vực sạt lở vào tuyến dân cư vượt lũ để người dân có chỗ ở an toàn.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, mùa mưa bão năm nay, toàn tỉnh có 3 vùng trọng điểm có thể bị ảnh hưởng lũ, triều cường khi lũ thượng nguồn đổ về gồm: vùng Bắc QL1 là vùng ngập sâu nhất trên địa bàn tỉnh, với độ ngập sâu đến 1m, vùng từ QL1 đến bờ bắc sông Măng Thít có độ ngập dao động từ 0,5 - 1m và vùng các cù lao trên sông Tiền, sông Hậu.
Một điểm có nguy cơ sạt lở cao ven sông Măng Thít, khu vực xã Tân An Hội.
Để bảo vệ tài sản người dân tại các vùng trọng điểm thường xuyên bị ảnh hưởng lũ lụt, hiện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công các đê bao chống lũ, vận động người dân gia cố cống đập, bờ vùng, chuẩn bị máy bơm bảo vệ lúa Thu Đông, vườn cây ăn trái, ao cá, rau màu,…
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất do lũ, triều cường gây ra, nhất là đợt triều cường vào tháng 8 âm lịch.
Giá nhiều loại nông sản biến động do mưa
Theo một số tiểu thương, mưa kéo dài nên giá nhiều loại nông sản tăng mạnh, có loại tăng gấp đôi so với vài ngày trước đó, nhiều loại tăng từ 2.000 - 7.000 đ/kg.
Ông Trần Văn Hiền- Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Phước Hậu (Long Hồ)-cho biết hiện đang vào mùa mưa bão nên có một số diện tích rau đang trong vụ thu hoạch bị ngập úng dẫn đến giá rau tăng giảm thất thường.
Các mặt hàng hành lá, ngò rí, cải thìa tăng giá từ 5 - 10% thì các loại rau ăn lá, giảm 10 - 15% do số diện tích rau ngập úng nông dân thu hoạch không đạt chất lượng nên thương lái chê dẫn đến giá giảm.
Còn tại Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, anh Phạm Lê Minh Phúc- Marketing siêu thị- cho biết hiện đang thực hiện chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nên giá nhiều mặt hàng vẫn bình ổn, một số mặt hàng thực phẩm, rau củ quả giữ giá ổn định, nguồn hàng tương đối dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn huyện Bình Tân, từ đầu năm 2015 đến nay, tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn ngày càng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Cụ thể, lốc xoáy đã làm sập 1 căn nhà và tốc mái 5 căn tỷ lệ thiệt hại từ 40 - 100% tại 2 xã Tân Hưng và Thành Lợi; làm đổ ngã gần 2ha rau màu, tổng thiệt hại ước tính trên 150 triệu đồng.
Related news
Sông Vàm Cỏ Đông lâu nay bị các cơ sở sản xuất chế biến mì, cao su nằm ven bờ tận dụng để xả nước thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước. Thời gian qua, Sở Tài nguyên - Môi trường Tây Ninh đã tích cực vào cuộc, xử lý nghiêm một số cơ sở có hành vi vi phạm nói trên.
Ngày 19-8, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký Quyết định số 1451/QĐ-TTg cấp bổ sung kinh phí bù hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia. Theo đó, bổ sung 149 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2014 cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua bù 4.040 tấn hạt giống lúa, 353 tấn hạt giống ngô và 110 tấn hạt giống rau đưa vào dự trữ quốc gia.
Đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện có gần 3,1 triệu con, giảm 5,54% (tương đương 181.280 con) so với tháng 4/2014. Trong đó, đàn gà giảm 4,02% (tương đương 44.600 con); đàn vịt giảm 6,88% (giảm 140.270 con). Đàn gia cầm giảm do người chăn nuôi sợ dịch bệnh, nhất là các hộ nuôi vịt thời vụ cũng giảm mạnh do không có đồng để nuôi thả vịt chạy đàn.
Theo tin từ Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An, từ ngày 26/8/2014, Công ty NT Vegetable - Nhật Bản bắt đầu chuyến công tác trực tiếp sang Việt Nam và sẽ tiến hành khảo sát về sản phẩm gừng sản xuất trên địa bàn huyện Tương Dương và Kỳ Sơn - tỉnh Nghệ An. Đây là một trong những cơ hội quan trọng để củ gừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An có thể phát huy giá trị kinh tế.
Thiên nhiên vốn ưu đãi cho TP Hải Phòng là tổ hợp tài nguyên, môi trường phong phú, rất thuận lợi cho việc nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản. Song khu vực này đang chịu tác động từ nhiều phía, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển, làm hạn chế sự phát triển của ngành thủy sản thành phố cảng.