Cao Su Hết Thời Lãi Khủng

Hơn 1 tháng qua, giá mủ cao su liên tiếp giảm khiến nhiều vườn cao su mới phải ngưng khai thác. Chỉ những vườn cao su lâu năm, năng suất cao mới cho lời chút đỉnh.
Hiện giá mủ cao su khô nông dân trong tỉnh Đồng Nai bán cho các đại lý giảm khoảng 11 - 12 triệu đồng/tấn so với cách đây hơn 1 tháng. Giá cao su giảm sâu khiến nhiều vườn cao su mới khai thác 3 - 4 năm, sản lượng chưa nhiều phải tạm ngưng khai thác.
Chỉ đủ trả công thợ
Giá mủ cao su khô các đại lý trên địa bàn tỉnh mua vào đa số chỉ còn 35 - 36 triệu đồng/tấn. Ở mức giá này, các vườn cây dưới 10 năm, năng suất chưa cao khai thác chỉ huề vốn. Do đó, nhiều chủ vườn chọn giải pháp ngưng khai thác để dưỡng cho cây với mong muốn vào dịp cuối năm giá mủ cao su sẽ tăng.
Ông Phạm Hữu Danh, người dân ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), cho biết: “Tôi có hơn 10 hécta cao su mới khai thác được 2 năm, năng suất chỉ hơn 1 tấn/hécta/năm. Năm nay, giá mủ cao su xuống quá thấp nếu cạo mủ chỉ đủ trả công thợ nên tôi quyết định ngưng cạo mủ để dưỡng cây”.
Theo đó, những vườn cây từ 10 năm tuổi trở lên, vốn đầu tư hàng năm ít hơn và năng suất đạt mức 1,5 - 1,6 tấn/hécta/năm thì trừ chi phí, nông dân còn lời trên dưới 10 triệu đồng/hécta. “Giá mủ cao su đã xuống thấp lại khó bán. Những năm trước, mủ tốt, mủ xấu các đại lý mua hết, song năm nay nhiều đại lý chê không mua mủ xấu khiến nông dân phải chật vật tìm nơi bán” - anh Lê Thanh Hải ở ấp Suối Đục, xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) than.
Khác với mọi năm, dù đang trong mùa cạo mủ nhưng đi dọc nhiều khu vực trồng cao su thuộc các huyện Thống Nhất, Long Thành, Xuân Lộc, dễ dàng thấy nhiều vườn cây vắng bóng người thu hoạch. Ông Võ Hữu Thời ở xã Lộc An (huyện Long Thành), nói: “Khoảng 4 năm nay, đây là thời điểm giá mủ cao su xuống thấp nhất. Trong khi giá mủ liên tiếp hạ thì tiền thuê công thợ và tất cả các vật tư đầu vào khác đều tăng. Vì thế, tôi chỉ thuê thợ cạo mủ những vườn cây lâu năm, còn những vườn mới khai thác 1 - 2 năm thì tạm ngưng lại”.
Theo tính toán của ông Thời, các vườn cây mới khai thác năng suất chưa cao, có thu hoạch cũng không lời. Như vậy, bỏ đi một vụ không cạo mủ, cây sẽ phát triển tốt hơn và năm sau năng suất sẽ cao hơn.
Vẫn ào ạt trồng thêm
Dù giá mủ cao su ở thị trường trong nước, thế giới đang giảm mạnh, nhưng nhiều nông dân trong tỉnh có diện tích đất lớn vẫn chuyển qua trồng cao su. Ông Hồ Sơn Tư, chủ trang trại ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc), cho biết: “Tôi đã chuyển hơn 10 hécta đất trồng tràm sang trồng cao su. Giá cao su cũng như giá các loại nông sản khác theo chu kỳ giảm rồi tăng. Kinh nghiệm làm nông nhiều năm của tôi là nuôi và trồng các cây đang thời điểm giá rẻ thì đến khi có thu chắc giá sẽ tăng”.
Một số nông dân ở các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu cho hay, họ giảm dần diện tích các cây trồng kém hiệu quả để chuyển sang trồng cao su tiểu điền. Và đa số đều tin tưởng giá cao su cũng như tiêu, cà phê sẽ theo chu kỳ tăng cao đỉnh điểm rồi giảm sâu và sau đó lại tăng trở lại.
Ngoài hy vọng giá mủ cao su sẽ tăng trong thời gian tới, nhiều nông dân trồng cao su thêm vì sau gần 20 năm khai thác, cây già cỗi sẽ bán lấy gỗ. Hiện nay, gỗ cao su được thị trường trong và ngoài nước khá ưa chuộng. Đặc biệt, những nước coi trọng môi trường đang có xu hướng nhập nhiều các sản phẩm làm bằng gỗ xà cừ, cao su hơn là gỗ rừng. Ông Hồ Sơn Tư chia sẻ thêm: “Tôi có 1 xưởng mộc chuyên sản xuất đồ gia dụng.
Nguồn cung gỗ tự nhiên ngày càng hạn hẹp, giá đắt nên các loại giường, tủ, bàn ghế có giá trung bình tôi chuyển sang dùng gỗ xà cừ và cao su. Hai loại gỗ này làm đồ gia dụng cũng rất đẹp và khá bền nên được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng”. Được biết, trung bình 1 hécta cao su sau khi già cỗi, có thể thu được trên 300 triệu đồng từ bán gỗ.
Theo Tổng công ty cao su Đồng Nai, hơn 1 tháng nay, giá xuất khẩu cao su chỉ còn khoảng 45 triệu đồng/tấn, giảm gần 20 triệu đồng/tấn so với cuối năm 2012. Bên cạnh đó, sản lượng xuất khẩu cũng giảm mạnh. Nguyên nhân là do tình trạng khủng hoảng chung trên thế giới, nhiều nhà máy thu hẹp sản xuất, chỉ hợp đồng những đơn hàng với số lượng ít và ngắn hạn. Đại diện tổng công ty này cũng nhận định, thị trường xuất khẩu cao su từ nay đến cuối năm vẫn chưa có dấu hiệu tốt lên. Do đó, giá mủ cao su khó có thể tăng cao trở lại.
Related news

Giáo sư, tiến sĩ Ngô Ngọc Hưng-Trường đại học Cần Thơ đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật cân đối dinh dưỡng và cơ cấu canh tác hợp lý cho vùng trồng bắp lai ở 3 xã Quốc Thái, Phú Hữu và Khánh An (huyện An Phú, An Giang).

Gần một tháng qua, dọc sông Hậu thuộc các tỉnh, thành Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp… hoạt động thu mua lúa gạo nhộn nhịp “khác thường”. Theo nhiều doanh nghiệp và các thương lái bản địa, đang có một nhóm thương lái là người miền Bắc dẫn theo một số người Trung Quốc vào đây thu gom lúa gạo để xuất sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch làm xáo trộn thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Nhờ chịu khó, ham học hỏi và biết phát huy sức mạnh của tuổi trẻ, anh Hồ Tấn Cường (thôn Quảng Hòa, xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đã trở thành nông dân điển hình sản xuất kinh doanh giỏi.

Năm 2013, phòng Nông nghiệp và Nông thôn huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã chủ động tìm kiếm, liên hệ với doanh nghiệp và đã tư vấn hình thành mô hình liên kết trồng ớt xuất khẩu tại địa phương. Kết quả sau thực hiện liên doanh liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm bước đầu đã cho nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Nắng nóng kéo dài cộng với sùng đất gây hại đã khiến nhiều diện tích mì ở thị trấn Cam Đức (Cam Lâm, Khánh Hòa) bị thiệt hại với tỷ lệ khoảng 40%. Sau mấy cơn mưa vừa qua, người dân muốn trồng dặm lại mì, nhưng nguồn hom giống thiếu hụt.