Mùa Lúa Miền Trung Buồn Vui Lẫn Lộn
Theo ước tính của người nông dân, bình quân, mỗi ha cho gần 57 tạ, có nơi đạt 63 tạ, cao hơn các năm trước 5-7 tạ/ha. Tuy nhiên, nông dân miền Trung đang lo lắng khi giá lúa thấp từng ngày.
Được mùa
Ngừng tay gặt lúa, bà Lương Thị Duyên, thôn 1, Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi) gạt những giọt mồ hôi đang chảy dài trên khuôn mặt đen nhẻm vì nắng và kéo chiếc nón cời để lộ khuôn mặt phấn khởi thấy rõ: “Vụ này bà con rất vui vì năng suất đạt khá dù đầu vụ thời tiết không thuận lợi. Không những lúa nhiều hạt mà hạt chắc hơn. Nếu các vụ năm trước chỉ 6 bao lúa/sào thì năm nay đạt 7 bao lúa/sào”.
Còn ông Huỳnh Nghiêng, xã Đức Tân cũng vui mừng khoe: “Có giống lúa Khang Dân đột biến cho 11-12 bao/sào. Vụ này nhà nào lúa cũng đầy bồ”.
Bà Trần Thị Ba, ngụ thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) chỉ vào đống lúa to nằm bên bờ, nói rằng, 19 bao, đó là kết quả có được từ 2 sào ruộng. Không ngờ vụ này lại cho năng suất cao đến thế. Mọi năm, cũng diện tích đó chỉ đạt 10-12 bao lúa.
Cạnh ruộng bà Ba, đám lúa 1,5 sào, giống Đồng Văn 108 của bà Trần Thị Độ cũng bông dài nặng hạt không kém. Khi thấy máy đập liên hợp cho ra 14 bao lúa, bà Độ dường như không tin vào mắt mình. Bởi
“Đám ruộng này mọi năm cho 5 tạ lúa là đạt lắm rồi; giờ được tới hơn 7 tạ!” - bà Độ bày tỏ niềm vui.
Theo Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, vụ đông-xuân 2013-2014 toàn tỉnh gieo sạ trên 38.800ha, năng suất đạt 56,9 tạ/ha, cao hơn dự kiến 3,3 tạ/ha. Lúa được mùa là do nông dân chấp hành đúng lịch thời vụ, sử dụng giống lúa chất lượng, kháng sâu bệnh, thời tiết và biện pháp canh tác tốt và nên cho năng suất cao. Bên cạnh đó, nguồn nước được đảm bảo, cung cấp đúng thời điểm lúa cần nên sản lượng đạt cao.
Trong khi đó tại Quảng Nam, vụ đông xuân 2013 - 2014 được đánh giá là vụ mùa trúng nhất từ trước tới nay. Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết, tính chung, sản lượng lúa trong vụ ước đạt 244.600 tấn, hơn gần 6.500 tấn so với vụ năm trước.
Rớt giá
Cũng được mùa, sản lượng không thua kém các địa phương khác nhưng tại Thừa Thiên - Huế nông dân lại buồn vì giá lúa giảm đúng vào cao điểm thu hoạch.
Bà Trần Thị Hoa, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền buồn rầu nói: “Đã thu hoạch được hơn 2/3 trên tổng diện tích 8 sào lúa hè thu, chủ yếu là giống Khang Dân với năng suất bình quân từ 3-3,2 tạ/sào, tăng so với với mọi năm từ 20-30kg/sào.
2 sào lúa thu hoạch cách đây 10 ngày phơi hong bán giá 6.200 đồng/kg, trừ hết chi phí cho lãi 400.000 đồng/sào (chưa tính công chăm sóc). Nhưng nay giá lúa đột ngột xuống còn 5.000 đồng/kg, lỗ từ 10.000 - 20.000 đồng/sào đối với lúa được mùa, còn với những diện tích năng suất trung bình từ 2,8 - 3 tạ/sào thì lỗ nặng hơn”.
Không chỉ lúa Khang Dân, các giống lúa chất lượng cao như HT1, HN6, XT27 cũng bị mất giá từ 300 - 500 đồng/kg nhưng rất khó bán. Trong khi khoảng cách giữa 2 vụ lúa đang cận kề nên bà con ai cũng muốn bán nhanh lúa đã thu hoạch để có tiền trả nợ nần trong vụ đông xuân và chuẩn bị cho vụ hè thu.
Theo ông Phan Cảnh Dũng, HTX Đông Phú, xã Quảng An, với mức giá hiện tại (5.000 - 6.000 đồng/kg) tương đương năm ngoái, nông dân chịu thiệt do mọi chi phí sản xuất đều tăng từ 1,2 - 1,5 lần. Chưa kể, sức mua chậm khiến nông dân khó khăn trong việc bảo quản lúa do không có kho cất trữ cũng là yếu tố để thương lái lợi dụng ép giá”.
Trong khi theo ban chủ nhiệm HTX Đông Vinh (xã Quảng Vinh), việc HTX thu mua lúa cho bà con với mức giá cao hơn tư thương rất khó thực hiện do không đủ vốn và không có nhân lực để bảo quản cũng như tìm kho cất trữ lúa.
Theo một cán bộ Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có Công ty TNHH Nông sản hữu cơ Quế Lâm đứng ra thu mua và tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Tuy nhiên, công ty này chỉ thu mua những giống lúa có chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng. Còn đối với các giống lúa truyền thống nông dân đang gieo trồng như hiện nay thì rất khó đáp ứng các tiêu chí của công ty.
Related news
Bệnh trắng lá mía do dịch khuẩn bào (phytoplasma) gây ra được phát hiện lần đầu tiên ở Đài Loan năm 1958, ở Ấn Độ và Thái Lan năm 1964. Hiện bệnh này chủ yếu thấy xuất hiện ở các nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Sri Lanka, Campuchia, Lào và Việt Nam. Đây là một bệnh nguy hiểm gây thiệt hại nặng cho SX mía nguyên liệu.
Như chúng ta đã biết, trong nhiều năm gần đây cũng như hiện tại, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm ở nước ta diễn biến hết sức phức tạp, các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm H5N1, H7N9…
Cùng với tiêm phòng, phun hóa chất khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi được coi là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu trong phòng chống dịch; có tác dụng tiêu diệt mầm bệnh, bảo vệ cho cả đàn vật nuôi, cắt đứt mầm bệnh có thể xâm nhập và gây hại. Theo quyết định của UBND tỉnh, từ ngày 28/2 đến ngày 28/3, sẽ tiến hành chiến dịch phun khử trùng tiêu độc trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã Đông Hiếu, chúng tôi đến thăm mô hình trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao của xóm Đông Du 1. Con đường bê tông thoáng rộng nối liền các tổ liên gia trong xóm được bao bọc bởi những vườn thanh long, vườn tiêu, vườn rau ngót xanh ngút ngát.
Chưa vào chính vụ, nhưng giá tỏi ở Lý Sơn giảm thê thảm. Cả đảo Lý Sơn vụ này trồng khoảng 360 ha tỏi. Mỗi năm một vụ, nông dân đặt bao kỳ vọng vào cây tỏi, thế mà nay đang phải đối diện với nguy cơ thua lỗ.