Mùa cá đồng
Đánh lưới trên ruộng những khi nước lớn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho những người làm công việc này
Nguồn thủy sản dồi dào từ các dòng sông, hồ thủy lợi tràn lên các cánh đồng mang lại cho những người làm công việc này có thêm thu nhập trong mùa mưa.
Sáng đồng những tối trời mưa
Vựa lúa Phú Yên (tính những diện tích lúa được cung cấp nước bởi hệ thống thủy nông Đồng Cam) được bồi đắp bởi sông Đà Rằng, sông Bàn Thạch cùng với hồ Đồng Khôn, đập Tân Giang, đập Đồng Lau, Biển Hồ, hệ thống thủy nông Đồng Cam…
Hệ thống sông ngòi, thủy lợi này một mặt tưới tiêu cho đồng lúa Tuy Hòa, mặt khác đem đến cho người dân sinh sống vùng này những nguồn lợi thủy sản đáng kể.
Vào ban đêm, nhất là những đêm mưa mù trời mù đất, những cánh đồng ở đây trở nên “nhộn nhịp” vì có rất nhiều người đổ ra đồng đi đánh bắt cá, châm lươn.
Họ mang tơi, đội nón lặng lẽ đi trong đêm.
Ánh sáng từ đèn pin đeo trên đầu mỗi người nhìn xa như những ánh sao nhấp nháy, sáng cả đồng ruộng.
Trời mùa mưa tối mịt, ông Lê Hậu (thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) và nhiều người khác đang sử dụng ghe nhỏ lướt trên những cánh đồng ngập nước ven sông Bàn Thạch, thỉnh thoảng gõ mái chèo đuổi cá và tay thoăn thoắt gỡ lưới.
Ông Hậu cho biết, có những người đánh lưới chuyên nghiệp, họ làm việc cả ngày lẫn đêm.
Còn ông chỉ là dân nghiệp dư, đánh vài tay lưới để kiếm cá ăn hàng ngày.
Băng qua một quãng đồng trống sình lầy, ông Hậu lội nhanh đến nơi thả lưới.
Ông Hậu giải thích: “Dân nghiệp dư thường thả lưới và thu lại khi chiều tối, nhưng lúc này có cá cũng chỉ được vài con cá rô bí.
Chuyên nghiệp hơn, họ thả qua đêm, đến sáng thu lưới, cá cũng “nặng tay”.
Cả đời làm nghề đặt trúm lươn, soi ếch, thả lưới đánh cá đồng, ông Võ Văn Quới (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) cho biết: “Cá đồng sau thời gian dài trốn hạn, nằm sâu trong các hang hóc, rãnh khô, đến khi mưa về sẽ ngoi lên mặt nước đang dần ngập để tìm kiếm thức ăn.
Cho nên chỉ cần sau mấy ngày nước lên, các loại cá, cua đều nung núc thịt.
Thành lệ, hễ thấy những cơn mưa đầu mùa bắt đầu nặng hạt thì cả xóm, hầu như nhà nào cũng chuẩn bị những đèn pha, bình ắc quy, lờ, lưới, chài… Cái nghề này phụ thuộc con nước, mùa mưa với nhiều người cảm thấy “khó chịu” nhưng những người làm công việc như chúng tôi lại là mùa làm ăn, sống khỏe”.
Hiện nhiều người sử dụng các cách nguy hại để bắt cá đồng, nhưng cách đánh bắt truyền thống như đặt trúm bắt lươn, cắm câu cá rô đồng, đặt lờ, đặt bẩu hay thả lưới trên các ruộng mùa nước lớn vẫn còn được nhiều người sử dụng.
Theo kinh nghiệm, công việc này có thể làm quanh năm, nhưng thuận lợi nhất là mùa mưa.
Những mùa nước lớn, nhất là sau các đợt lụt, những người đánh lưới có khi bắt được những chú cá chép nặng vài ký ngay trên các đồng ruộng.
Mùa cá đồng về, trên các đồng ruộng mênh mông dường như ngày không tắt.
Người làm lưới đêm trên các ruộng cũng không còn đi riêng lẻ mà tập hợp lại thành nhóm để có bạn, cùng hỗ trợ nhau giữa đồng không mông quạnh.
Công việc của họ diễn ra suốt đêm.
Chỉ đến khi trời gần về sáng, họ mới thu dụng cụ cùng “chiến lợi phẩm” về nhà để chuẩn bị cho buổi chợ sớm.
Cá đồng lên ngôi
Mùa này, sáng ra ngoài chợ sẽ có nhiều người bán cá đồng.
Chúng còn tươi nguyên, cựa quẫy khiến nước văng tung tóe.
Người mua tranh nhau chọn những mớ cá, ếch, lươn, cua… ngon nhất, mặc dù giá cả của chúng cũng không hề rẻ.
Vì đã qua rồi cái thời cá đồng được xem như món ăn dân dã, rẻ tiền.
Qua rồi cái thời muốn ăn cua chỉ cần ra đồng thọc tay vào hang là bắt được cả giỏ.
Theo thời gian, con cua, con cá trắng, thậm chí con tép cũng trở nên đáng giá.
Vào mùa, nhưng giá mỗi ký cua đồng cũng khoảng 30.000 đồng; loại tép đồng nhỏ xíu trước đây người ta làm biếng gỡ rong rêu phải quăng cả mớ cho gà ăn thì nay trở thành đặc sản, có giá 120.000 đồng/kg;
Lươn bằng ngón tay cái cũng cả 100.00 đồng/kg hay loại cá trắng rẻ tiền ngày trước, giờ phải mua chục ngàn đồng ăn mới đã thèm…
Còn nhiều loài cá đồng “cao cấp” như cá nhét, cá thát lát thịt chắc mầm, ngọt xớt giờ đây trở nên hiếm hoi đến mức có nhiều tiền cũng chưa chắc đã mua được.
Được con nào, người ta tranh nhau mua con nấy đưa vào nhà hàng, quán xá.
Mùa mưa, ăn con cá đồng mới đúng chất truyền thống, dân dã, cho nên dù có hơi đắt đỏ, những bà nội trợ chẳng ngại mua ít cá rô đồng về nướng dầm mắm ngò, chấm với đọt rau lang luộc hay kho nồi cá trắng riu riu lửa với lá gừng; nấu canh cá chép với lá é trắng.
Nhiều bà nội trợ mua được con cá tràu ngon ngon nghĩ ngay đến việc tìm thêm cây chuối con về làm món cá hấp chuối…
Ăn các món đồng quê với cơm nóng hay nhâm nhi cuốc rượu, cả gia đình ngồi quây quần bên nhau thật ấm áp dù ngoài trời có mưa dầm ướt át…
Related news
Ngày 14.11.1945, phiên họp của Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì xác định: Việt Nam là một nước chuyên về nông nghiệp. Muốn giải quyết vấn đề canh nông cả về phương diện xã hội, cả về phương diện chuyên môn, cần phải có một cơ quan điều hành.
Đó là một trong những đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn - Ủy viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng CSXH Việt Nam trong buổi làm việc ngày 10.11 với Ban đại diện HĐQT chi nhánh ngân hàng này tại tỉnh Bình Thuận.
Với tiềm năng, lợi thế hồ chứa, những năm qua, Trung tâm Khuyên nông - Khuyến ngư Hòa Bình đã triển khai nhiều mô hình: Nuôi cá lồng hồ chứa tại hồ Hòa Bình, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nuôi thủy sản theo hướng công nghệ cao, tăng thêm thu nhập.
Nhiều hộ dân nhận khoán đất rừng ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau phải đóng cho xã gần 2 triệu đồng/ha để mua giống tràm trồng lại sau khi khai thác. Thế nhưng, cây tràm giống mà xã cung cấp vừa mới trồng đã chết sạch.
“Nông nghiệp nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, đáp ứng yêu cầu trong nước, xuất khẩu với số lượng lớn...”.