Home / Cây ăn trái / Dừa

Một số vấn đề cần quan tâm trong canh tác dừa uống nước

Một số vấn đề cần quan tâm trong canh tác dừa uống nước
Author: Nguyễn Thị Thanh Hoa - Trung tâm Khuyến nông Bến Tre
Publish date: Friday. September 14th, 2018

Tính đến nay, diện tích dừa của tỉnh đã phát triển hơn 71.000 ha, trong đó diện tích dừa uống nước chiếm khoảng 15%, chủ yếu tập trung nhiều trên địa bàn các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Mỏ Cày Nam… Những năm gần đây, ngoài phục vụ cho tiêu thụ trong nước, một số doanh nghiệp đã xuất khẩu dừa uống nước sang các nước Nhật, Mỹ, Úc và Châu Âu… sản phẩm đã được người tiêu dùng đánh giá cao về mặt chất lượng. Tuy nhiên, tỉ lệ dừa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là không cao do nhiều nguyên nhân như trái nhỏ, trái bị thẹo do sâu hại, trái bị rỗng xơ, độ ngọt thấp… Để sản phẩm dừa uống nước ổn định về chất lượng và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người trồng dừa, chúng ta cần quan tâm đến một số vấn đề trong canh tác dừa như sau: 

Giống dừa xiêm xanh.

Về mật độ trồng, cần bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa cây cách cây và hàng cách hàng tối thiểu 6,5m, có như vậy thì cây có thể nhận đủ ánh sáng để bảo đảm vườn dừa đạt năng suất tốt.

Về quản lý dinh dưỡng, trung bình lượng phân cần bón cho 1 cây dừa mỗi năm là 1kg phân Ure + 2 kg Lân +1,5 kg Kali, tuy nhiên vào thời điểm mưa nhiều, cần hạn chế đạm tăng kali để hạn chế rụng trái. Nếu vườn dừa đậu trái sai, cần bổ sung thêm khoảng 15-20% lượng phân bón nêu trên. Ngoài lượng phân chủ yếu nêu trên, hàng năm cần bón thêm 500-800 kg vôi/ha, 20-30 kg phân hữu cơ/cây, 5-10 gam borax/cây… để phòng trị dừa rụng trái non, bị trăng ăn, bị dính lá chét... 

Rễ dừa không có lông hút, ở rễ con có một đoạn được cấu tạo bởi các tế bào có vách mềm có thể cho nước và dưỡng chất đi qua, đó là nơi hấp thụ nước và dưỡng chất của cây dừa. Cây dừa từ 5 tuổi trở lên, có khoảng 70% rễ mọc cách gốc trong vòng bán kính từ 1,5m đến 2,5m và không ăn sâu (30-60cm). Đây là vùng rễ chủ yếu hút nước và phân bón để nuôi cây, việc bón phân và tưới nước nên tập trung vào vùng nầy. Dừa là loại cây trồng cho trái quanh năm. Vì vậy, muốn dừa có trái sai và liên tục, thì phải bảo đảm cho cây dừa luôn đủ dinh dưỡng liên tục trong năm (ánh sáng, phân bón và nước). Vì vậy, để dừa luôn đủ dinh dưỡng nên chia phân ra bón hàng tháng hoặc ít nhất là 6 lần/năm. Xới nhẹ đất trong vùng tập trung nhiều rễ, cách gốc trong khoảng 1m-2m (tùy theo tuổi của cây dừa), rải đều, khỏa đất lấp kín phân hoặc phủ mụn dừa hay lá dừa lên trên. Nếu bón phân trong mùa nắng cần tưới đủ nước ngay để cây hấp thu tốt và tránh bị thất thoát.

Lưu ý: Thời gian gần đây, các vườn dừa sản xuất thâm canh trên 7 năm tuổi, trái dừa có triệu chứng rỗng sơ (hình 2), khi trái dừa bị triệu chứng này làm giảm giá trị thương phẩm. Hiện tượng dừa rỗng xơ, nứt trái là do thiếu Canxi và Kali, cần bón bổ sung Canxi và Kali với liều lượng khuyến cáo như trên. 

Về tỉa trái, từ tháng thứ 4 trở đi cần tỉa bớt trái trên các buồng dừa sai, để tối đa 12 trái/buồng nhằm đảm bảo độ lớn của trái đồng đều, đạt chuẩn và góp phần ổn định dinh dưỡng cho cây nuôi các lứa trái sau. 

Hiện tượng dừa bị rỗng sơ.

Về nhu cầu nước, Trong mùa nắng, nên tưới 7-10 ngày/lần sẽ góp phần gia tăng năng suất dừa. Thiếu nước, cây dừa sẽ không hút được chất dinh dưỡng (do rễ dừa không có lông hút), không đậu trái hoặc rụng trái non. Nên duy trì lớp thực vật trên mặt liếp bằng cách trồng xen, hoặc giữ lớp cỏ mỏng, nhất là cỏ họ đậu, hay dùng tàu dừa và các loại lá cây phủ lên mặt liếp để chống việc rửa trôi đất trong mùa mưa, giữ ẩm đất trong mùa khô, làm tăng độ màu mỡ của đất.  

Về quản lý sâu bệnh hại dừa, đối với dừa uống nước dù được thu hoạch mỗi tháng 1 lần, tuy nhiên để bảo đảm an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, chúng ta nên ưu tiên sử dụng các biện pháp sinh học để quản lý sâu hại dừa, cụ thể như sau: nuôi thả ong ký sinh để quản lý bọ cánh cứng hại dừa, phun nấm xanh (Metarhizium anisopliae) định kỳ 2 tháng/lần lên vùng ra hoa và mang trái của cây dừa, đặc biệt là bên trong các bẹ lá già (nơi có nhiều chất hữu cơ và ẩm để nấm có thể tiếp tục nhân mật số và phát tán) để quản lý bọ vòi voi, bọ cánh cứng, bọ xít hại dừa. Riêng việc quản lý kiến vương, cần phun nấm xanh vào các đống phân hữu cơ, gốc và thân dừa đã chết để nấm ký sinh ấu trùng và thành trùng kiến vương. Trong trường hợp áp lực sâu hại quá cao cần phải sử dụng thuốc hoá học để khống chế sâu bệnh hại thì nên chọn các loại thuốc ít độc, các loại thuốc có nguồn gốc sinh học như trong tài liệu của Trung tâm Khuyến nông.

Tóm lại, để vườn dừa uống nước cho năng suất cao, chất lượng tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cần bảo đảm mật độ trồng thích hợp, đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng, nhu cầu nước và quản lý tốt sâu hại theo hướng an toàn.


Related news

Dừa dứa: Cây trồng triển vọng cho nhà vườn ĐBSCL Dừa dứa: Cây trồng triển vọng cho nhà vườn ĐBSCL

Dừa dứa (dừa Xiêm dứa) là dừa nước có vị ngọt, hương đặc trưng thơm mùi lá dứa.

Friday. May 11th, 2018
Cách chọn giống dừa xiêm Cách chọn giống dừa xiêm

Tôi mua giống dừa xiêm lùn và trồng đã cho trái được 1 năm nay. Nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn tôi cách chọn giống dừa xiêm cho năng suất cao?

Tuesday. May 22nd, 2018
Chăm sóc khai thác dừa nước Nam Bộ Chăm sóc khai thác dừa nước Nam Bộ

Cây dừa nước (Nypa fruticans, Arecacae) là thành phần quan trọng của đa dạng sinh học vùng ngập mặn nước ta.

Tuesday. July 24th, 2018