Chăm sóc khai thác dừa nước Nam Bộ
Cây dừa nước (Nypa fruticans, Arecacae) là thành phần quan trọng của đa dạng sinh học vùng ngập mặn nước ta.
Khai thác dừa nước là một truyền thống lâu đời ở Đông Nam Á khi mà một bộ phận khá lớn cư dân các vùng duyên hải Tây Thái Bình Dương lấy nước dừa làm nguồn thu nhập chính. Ở Philippines, 93% cồn và rượu được sản xuất chủ yếu từ dừa nước trong năm 1910, sản lượng lúc đó đã lên đến 90.000 lít (Gibbs, 1911). Giấm dừa nước là nguyên liệu tuyệt vời chế biến các món ăn hấp dẫn nơi các nhà hàng Thái Lan và Philippines. Ở Malaysia, đường dừa nước có vị thơm ngon là một mặt hàng xuất khẩu. Ở nước ta, nông dân ngày nay mới chỉ sử dụng trái để ăn và lá để lợp nhà hay làm củi, không mấy ai biết đến kỹ thuật rút nhựa dừa nước từ cuống hoa để nấu đường, ủ rượu, làm bia, lên men giấm, chưng cất cồn và một loạt sản phẩm có giá trị khác.
Rừng dừa nước Nam bộ
Chính đây là nguồn thu nhập có hiệu quả nhất của dừa nước. Sản lượng đường dừa nước trung bình 20,3 tấn/ha (Kiew, 1989) so với đường mía trong khoảng từ 5 đến 15 tấn/ha (Khieu, 1995). Hamilton và Murphy (1988) so sánh 5 nguồn cung cấp năng lượng thực vật, tính trên sản lượng cồn cất được, gồm khoai lang đạt mức 6.750 đến 18.000 lít/ha, dừa nước 6.848 đến 15.600 lít/ha, dừa 5.000 lít/ha, sắn (khoai mì) 3.240 đến 6.700 lít/ha và mía 3.350 đến 6.700 lít/ha, đã nhấn mạnh rằng dừa nước là nguồn cung cấp năng lượng thực vật tốt nhất, xét cả về mặt sản lượng và quản trị khai thác.
Cây dừa nước mọc thành đám. Lá và hoa đâm lên từ thân ngầm dạng củ (rhizome) nên chiều cao các rừng dừa nước khá đồng nhất, ít khi vượt quá 4 mét. Chiều cao này rất lý tưởng để thiết lập các vùng đệm canh phòng và chống cháy giữa các rừng sác hoặc rừng tràm như ở Cần Giờ, U Minh Thượng và U Minh Hạ. Phải đến năm thứ 4 hoặc thứ 5 cây mới đơm hoa cho trái. Thời gian này sẽ kéo dài cho đến năm thứ 55 trở lên, nghĩa là mỗi cây dừa nước có thể khai thác liên tục trên 50 năm (Magalon, 1930). Các bông dừa nước ở Nam bộ và Nam Trung bộ đâm lên rất mạnh, nằm trên đầu một cuống hoa dài từ 1,2 đến 1,6 mét tính từ mặt đất.
Cây dừa nước mạnh khỏe cho hoa quanh năm, có thể đạt đến 26 bông mỗi cây một năm (Kiew, 1989). Để lấy nhựa dừa nước, người ta chọn 2 bông thật tốt trên mỗi cây rồi làm dập cuống hoa cho nhựa rỉ ra, chảy vào đồ hứng treo sẵn trên cây. Mỗi ngày hai lần, người ta dùng dao sạch cắt bỏ một lát mỏng 2mm trên đầu cuống để nhựa cây chảy ra liên tục, bằng cách này các bông dừa luân phiên cho nhựa quanh năm và người lao động không gặp phải cảnh nông nhàn kéo dài.
Trái dừa nước Nypa fruticans
Trên thực tế, nhựa dừa nước rỉ ra nhiều hay ít, thời gian thu nhựa của mỗi cuống dài hay ngắn, tùy thuộc rất lớn vào kỹ thuật làm dập cuống hoa và thời gian kéo dài các biện pháp cơ học xử lý từng cuống để chuẩn bị cho thời kỳ khai thác, chủ yếu là uốn cong nhiều lần cho sau này dòng nhựa dễ chảy và chảy nhiều lên ngọn. Với các cây không được xử lý, lượng nhựa hàng ngày không mấy khi đạt được 150ml, nhưng với các cây xử lý đúng cách, lượng nhựa có thể lên đến 1.800ml/ngày với hàm lượng đường ổn định trong khoảng 12%.
Kỹ thuật chuẩn bị khai thác có khác nhau ở mỗi vùng mỗi dân tộc. Các nhà khoa học Philippines và Papua New Guinea đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu, đúc kết và công bố quy trình chuẩn mực cho việc khai thác, đặc biệt là Quimbo (1991) và Paivoke (1985), nhờ đó sản lượng nhựa tăng từ 60.000 lít lên trên 100.000 lít/ha mỗi năm và năng suất đường đạt đến 28 tấn/ha. Trước đó, các cánh rừng dừa nước phải được tỉa mỏng, chỉ giữ lại 500 bụi thay vì trên 2.500 bụi/ha, bằng việc loại bỏ các thân ngầm khả dĩ cạnh tranh dưỡng chất bởi đâm mọc thêm nhiều chồi non (Hamilton, 1988). Ở đồn điền Sumatra, cứ mỗi 10 hecta cần đến 38 người lao động: 30 cho việc lấy nhựa, 5 cho việc tỉa gốc và xử lý cơ học cuống hoa, 2 cho việc chuyên chở và 1 người cai quản. Sản lượng đường đều đặn tại đó vào khoảng 22,4 tấn/ha/năm.
Phục hồi rừng dừa nước ở nước ta như một nhu cầu cân bằng sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học là việc làm cần thiết. Việc này chỉ có thể làm được khi đặt cây dừa nước thành đối tượng khai thác kinh tế có hiệu quả, đồng thời quy hoạch các rừng dừa nước như nguồn dự trữ năng lượng thực vật –đường ăn, cồn và củi- cho hiện tại và tương lai.
Related news
Mô hình trồng dừa dùng làm nước giải khát đang được nông dân huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) lựa chọn bởi hiệu quả kinh tế cao, ít tốn công chăm sóc.
Dừa dứa (dừa Xiêm dứa) là dừa nước có vị ngọt, hương đặc trưng thơm mùi lá dứa.
Tôi mua giống dừa xiêm lùn và trồng đã cho trái được 1 năm nay. Nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn tôi cách chọn giống dừa xiêm cho năng suất cao?