Một Số Đề Tài Nông Nghiệp Ứng Dụng Có Hiệu Quả

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, trong 3 năm (từ 2010 – 2013) Sở đã tổ chức nghiệm thu 33 đề tài và 01 đề án nghiên cứu KH-CN với tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách sự nghiệp khoa học hơn 12,1 tỷ đồng.
Trong đó, lĩnh vực KHXH&NV chiếm 23,3%; lĩnh vực khoa học kỹ thuật chiếm 25%; lĩnh vực khoa học y, dược chiếm 21,5%; lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm 27,7%và lĩnh vực khoa học tự nhiên chiếm 2,4% trên tổng kinh phí.
Một số đề tài, dự án được triển khai, ứng dụng có hiệu quả trong công tác quản lý của ngành, trong thực tiễn sản xuất và đời sống, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Các đề tài, dự án KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu về ứng dụng và chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng và năng suất cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn của tỉnh. Điển hình như đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn các giống đậu phộng mới phục vụ cho sản xuất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”, do Trung tâm Giống nông nghiệp chủ trì.
Năm 2013, Trung tâm này đã triển khai cho nông dân các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu và Châu Thành mượn giống sản xuất. Các hộ nông dân mượn giống sản xuất đánh giá các loại giống đậu phộng này rất có năng suất. Các nguồn giống đậu phộng Lỳ, GV12 và MD7 được xem là giống tốt có triển vọng và được lưu thông qua lại với nhau để sản xuất.
Hiện Trung tâm Giống nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch thực hiện triển khai tại 2 điểm xã Truông Mít (huyện Dương Minh Châu) và xã Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng) với nội dung là tập huấn kết quả đề tài nhằm mục đích chuyển giao kỹ thuật canh tác, giống tốt cho nông dân ở vùng chuyên canh tác, sản xuất đậu phộng.
Một đề tài thiết thực khác là “Nghiên cứu tuyển chọn một số giống mía mới nhập nội có năng suất, chất lượng cao cho vùng đất thấp Tây Ninh” do Viện nghiên cứu Mía đường chủ trì. Kết quả nghiên cứu đã tuyển chọn được các giống K88-92, KU00-1-58, K95-84, K93-219, K95-156 có năng suất cao so với giống đối chứng > 10% (năng suất tối thiểu 80 tấn/ha) và chữ đường đều đạt từ 11 CCS trở lên, có khả năng chống chịu tốt, cũng như thích ứng với vùng đất thấp Tây Ninh; diện tích các giống mía triển vọng trên được nhân rộng sau khi kết thúc đề tài.
Đề tài “Nghiên cứu quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) đối với sản xuất mãng cầu ta ở tỉnh Tây Ninh” do Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ chủ trì. Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được mô hình sản xuất mãng cầu ta theo VietGap trên diện tích 5 ha (vượt so với diện tích dự kiến ban đầu đăng ký là 3 ha) tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu và đã đạt được chứng nhận tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGap. Mô hình này là cơ sở để địa phương nhân rộng và tăng diện tích sản xuất.
Theo Sở KH-CN, nhìn chung các đề tài, dự án từ 2010 – 2013 sau khi nghiệm thu đã được ứng dụng trong công tác quản lý của các Sở, ngành, được triển khai nhân rộng trong thực tiễn sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên, các đề tài, dự án KH&CN mới giải quyết những vấn đề trước mắt, chưa có tính định hướng chiến lược, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới và làm tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở địa phương.
Related news

Với giá từ 5 đến 25 triệu đồng một cây tùy kích cỡ, nhiều nhà vườn ở các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh (TPHCM)… đã thu hàng trăm triệu đồng từ việc bán cau vua. Năm Nhâm Thìn (con rồng) này, các nhà vườn khẳng định cây cau vua sẽ lại lên ngôi.

Theo Chi cục Thú y Phú Yên, hiện tình trạng tôm nuôi bị nhiễm bệnh tiếp tục diễn ra tại các vùng nuôi. Thống kê trong tháng 5, toàn tỉnh có thêm 205,5 ha diện tích tôm nuôi bị nhiễm bệnh, tập trung ở TX Sông Cầu 49,5 ha, huyện Đông Hòa 151 ha, Tuy An 5 ha, nâng số diện tích tôm nuôi bị nhiễm bệnh từ đầu năm đến nay trong tỉnh lên 781 ha.

Nhu cầu thấp, nguồn cung dồi dào tiếp tục kéo giá dừa nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL giảm mạnh trong những ngày qua. Không chỉ dừa nguyên liệu, giá dừa giống cũng quay đầu giảm nhanh.

Người dân xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An, gọi anh Hùng ở xóm Đào Nguyên là “Vua lợn rừng”. Trang trại lợn rừng của anh được đánh giá là lớn nhất miền Tây xứ Nghệ.

Sau nhiều năm thử nghiệm ở nhiều tỉnh Nam Bộ, mới đây biện pháp kỹ thuật tổng hợp “1 phải, 5 giảm” đã được Cục Trồng trọt công nhận là tiến bộ kỹ thuật (TBKT) mới trong SX lúa ở nước ta.