Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tết Rồng, Cau Vua Lên Ngôi

Tết Rồng, Cau Vua Lên Ngôi
Publish date: Wednesday. December 28th, 2011

Với giá từ 5 đến 25 triệu đồng một cây tùy kích cỡ, nhiều nhà vườn ở các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh (TPHCM)… đã thu hàng trăm triệu đồng từ việc bán cau vua. Năm Nhâm Thìn (con rồng) này, các nhà vườn khẳng định cây cau vua sẽ lại lên ngôi.

Đi xung quanh khu vườn rộng hơn 4.000 m2 trồng rất nhiều loại cây cảnh đắt giá như sanh, sung, tùng, dầu, cau vua… ông Bùi Thế Mân – chủ một vườn cây cảnh tại xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn vui mừng nói: “Lúc mới trồng được 1 năm, thấy các nhà vườn khác theo nhau chặt cau vua, mình cũng nhột. Lại thêm mấy đứa con bảo ba trồng cau làm gì, trồng các loại cây khác có khi còn có lãi. Nhưng nghĩ thế nào tôi vẫn gắng giữ lại chăm sóc và chờ. Cuối cùng thì sau 4 năm kiên trì, năm con rồng tôi đã được đền đáp xứng đáng khi có hơn chục khách hàng đặt tiền mua cau vua, thu về hàng trăm triệu đồng”.

Là một người có kinh nghiệm trồng kiểng lâu năm, theo ông Mân, cau vua là loại cây dễ trồng và dễ chăm sóc. Ngoài việc tưới nước hàng ngày và bón phân NPK định kỳ, nhà vườn phải thường xuyên cắt tỉa những cành đã bị lão hóa quanh gốc. Ông bảo, những loại cây lâu năm khác thì phải uốn cành, tạo thế thường xuyên nếu không cây sẽ mọc hoang và coi như bỏ đi; còn cau vua thì tự nó tạo nên một thế đứng riêng, rất đẹp.

 Trong số khách đặt hàng, hai cây cau vua to nhất ở góc vườn nhà ông Mân được một công ty nước ngoài bên quận 7 mua với giá 8 triệu đồng/cây; hơn chục cây nhỏ hơn ở ngay lối đi được một trường học ở bên Gò Vấp mua với giá 10 triệu/cặp. Ước tính, số cau vua trong vườn thu về cho ông Mân khoảng 250 triệu đồng.

Nằm ngay bên lề đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, đoạn qua xã Tân Nhựt (Bình Chánh), nhà vườn của ông Đặng Văn Tính đúng là “vương quốc” của cây cau vua vì trong hơn 6.000m2 đất thì có tới một nửa diện tích được ông trồng cau. Cây lớn thì to cỡ một vòng tay ôm, nhỏ cũng cỡ bắp đùi. Nhìn vườn cau bằng ánh mắt đầy tự hào, ông Tính bảo: “Mình để cau to vậy không phải vì ế mà là để phục vụ những khách hàng có sở thích đặc biệt. Hiện nay, nhiều người thích có một vài cây cổ thụ đặt trước cổng nhà hay công ty để khách thấy được sự bền vững, lâu dài nên chọn cau vua là thích hợp nhất. Nó có nhiều ưu điểm như dễ trồng, dễ chăm sóc và đặc biệt tỷ lệ sống rất cao dù có thay đổi nhiều địa điểm trồng. Mặt khác, cau vua cây cao, tán rộng phù hợp với những nơi diện tích đất chật hẹp".

Năm nay, giá cau vua đã tăng hơn các năm trước khá nhiều do nhu cầu của khách hàng tăng. Cụ thể, loại cau to một vòng ôm có giá khoảng 20 đến 25 triệu đồng kể cả tiền vận chuyển và đào đất trồng mới. Ông Tính cho biết, để chăm sóc cau mau lớn và mau to gốc, phải đào đất xung quanh gốc cây, trực tiếp bón phân vào vùng rễ mới bị đào và tỉa lá, chỉ để một vài nhánh non duy trì sự sống cho cây mà thôi. Bằng cách này, ông có thể tăng “vòng eo” của cau lên khoảng 50cm/tháng.

Theo ông Nguyễn Sỹ Phước - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Xuân (Hóc Môn), khoảng 4 năm trước, nhiều nông dân kêu trời và chặt cau vua hàng loạt vì bán không được. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối năm nay, cây cau vua lại trở thành hàng “hot” trên thị trường. Trên địa bàn xã có khoảng hơn 40 nhà vườn trồng kiểng và nhà nào cũng trồng cau vua. Đó là tín hiệu đáng mừng, mang lại hàng trăm triệu cho mỗi hộ vì giá cau vua đang tăng lên từng ngày.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Lãng - Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM cho biết, cau vua có 2 loại là cau thân thẳng và cau lùn. Cau thân thẳng được trồng theo từng cặp, cây khoảng 5 tuổi trở lên có thể cao tới 8 mét, đường kính chừng 80-100cm, có bụng lớn, tròn bầu ở đoạn gốc nhìn rất đẹp. Riêng loại cau lùn thường được trồng từng dãy nhiều cây như ở các công viên, đường phố, công trình phúc lợi xã hội khác với ưu điểm chịu được thời tiết khắc nghiệt, có tán đẹp tạo bóng mát. Ngoài ra, cau vua còn có đặc điểm là dễ sống và chịu được nắng nóng hay mưa ẩm, rất phù hợp với thời tiết của phương Nam.

“Dịp Tết con rồng 2012 này, thị trường cau vua hứa hẹn sẽ tạo ra cơn sốt mới cho loài cây đế vương này” – ông Lãng nói.


Related news

Trúng đậm mùa tôm nuôi Trúng đậm mùa tôm nuôi

Đến thời điểm này, diện tích nuôi tôm vụ 1 - 2015 ở huyện Duy Xuyên đã thu hoạch xong, sớm hơn so với mọi năm. Nhờ sản lượng tăng, giá bán sản phẩm ổn định nên người dân hết sức phấn khởi.

Friday. May 22nd, 2015
Phước Sơn mở rộng diện tích cây quế Phước Sơn mở rộng diện tích cây quế

Gần đây, nhu cầu mua bán, tiêu thụ quế tăng cao so với mọi năm nên nhiều người trồng quế ở Phước Sơn rất phấn khởi. Bên cạnh việc chăm sóc diện tích quế cũ, nông dân địa phương gieo ươm cây quế bản địa để mở rộng thêm diện tích.

Friday. May 22nd, 2015
Quy hoạch tạm thời 37,5 ha mặt nước nuôi tôm thẻ tại Tam Hải Quy hoạch tạm thời 37,5 ha mặt nước nuôi tôm thẻ tại Tam Hải

Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành vừa cắm mốc quy hoạch 37,5ha mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt tại xã Tam Hải. Trong đó, tại thôn Thuận An có 17ha, thôn Bình Trung 10ha, thôn Đông Tuần 5ha, thôn Tân Lập 3ha và thôn Xuân Mỹ 2,5 ha.

Friday. May 22nd, 2015
Nỗi buồn rong mơ Nỗi buồn rong mơ

Cứ đến tháng 5-6 hằng năm, người dân ở các vùng ven biển Bình Sơn lại được dịp hái “lộc biển” khi đua nhau khai thác rong mơ. Tuy nhiên, tình trạng khai thác ồ ạt loại rong biển này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển gần bờ.

Friday. May 22nd, 2015
Hệ lụy từ nuôi trồng thủy sản tự phát kkhổ vì quy trình ngược Hệ lụy từ nuôi trồng thủy sản tự phát kkhổ vì quy trình ngược

Thay vì tập trung quy hoạch vùng nuôi trồng trước khi thả nuôi thủy sản, nhiều địa phương lại đợi người dân thả nuôi rồi mới quy hoạch. Điều này không chỉ khiến ngành nuôi trồng thủy sản khó có thể phát triển bền vững, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành kinh tế khác và gây ra nhiều hệ lụy về môi trường…

Friday. May 22nd, 2015