Một số chất bổ sung quan trọng trong khẩu phần ăn của lợn con và gà
Hiện nay, việc tìm kiếm các chất thay thế thuốc kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi bằng các chất phụ gia tự nhiên đang được các nhà nghiên cứu cũng như các nhà sản xuất thức ăn rất quan tâm. Dưới đây là 4 chất bổ sung quan trọng trong khẩu phần ăn của lợn con và gà.
Immunoglobins
Globulin miễn dịch là một cơ chất sinh học thường có nhiều trong huyết tương động vật, trứng gà và sữa non. Vai trò của nó là tăng khả năng miễn dịch tự nhiên, chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus. Tuy việc bổ sung vào trong thức ăn có chi phí cao nhưng nó là thành phần không thể thiếu trong chế độ ăn của lợn con. Một ứng dụng mới là việc sử dụng các kháng thể trong trứng để tạo ra kháng thể đặc hiệu trong tiêm chủng bệnh hen cho gà. Theo các nghiên cứu, trứng của gà mái siêu miễn dịch có một loạt globulin miễn dịch có khả năng tăng cường hoặc điều hòa sức đề kháng của lợn con.
Chất xơ
Bên cạnh tinh bột, chất béo và protein thì chất xơ là một trong bốn chất dinh dưỡng quan trọng cung cấp năng lượng. Chất xơ có tác dụng làm nở diều, kích thích co bóp dạ dày, ruột và tạo khuôn cho phân, phòng ngừa táo bón, nhờ khả năng giữ nước giúp chống lại bệnh tiêu chảy và tăng cường quá trình tiêu hóa hấp thu tại ruột. Tuy nhiên, không phải tất cả các chất xơ đều có khả năng thực hiện được các chức năng trên. Ví dụ, Inulin chỉ sử dụng trong vai trò điều hòa quá trình tiêu hóa ở đường ruột. Trong khi đó, Lignocellulose (chất xơ có trong thực vật thân gỗ, cỏ,, lúa, ngô) có thể thực hiện tất cả các chức năng trên. Tỷ lệ dùng chất xơ là 2 - 5% trong khẩu phần thức ăn. Nguồn chất xơ chủ yếu là bột cỏ, ngoài ra còn có bột vỏ lạc, cám gạo, khô đậu tương. Việc sử dụng đúng các dạng của chất xơ, đúng nồng độ, và đúng chức năng của chúng sẽ giúp nhà sản xuất đảm bảo được hiệu quả kinh tế và lợi nhuận mang lại.
Khoáng chất
Khoáng chất thường chỉ chiếm một phần nhỏ trong khẩu phần thức ăn của vật nuôi nhưng nó lại có vai trò vô cùng quan trọng. Chất khoáng có nhiều chức năng như thành phần cấu tạo của mô xương như Ca, P ; Hemoglobin (cấu tạo hồng cầu trong máu); Tham gia điều hòa áp suất thẩm thấu của tế bào, điều hòa cân bằng kiềm – axit như K, Na, Cl. Ví dụ, kẽm (Zn) và đồng (Cu) đều là những nguyên tố khoáng vi lượng được bổ sung vào chế độ ăn cho gia cầm và lợn ở dạng kẽm oxit (ZnO), đồng sulfat (CuSO4) để giúp kháng khuẩn, tăng tốc độ sinh trưởng và giảm tiêu chảy ở lợn con. Tuy nhiên, kẽm oxit được bổ sung ngay lập tức sau khi cai sữa, còn đồng sulfat lại bổ sung cho lợn ở cuối giai đoạn nuôi thịt, trong khi cả hai đều có hiệu quả như nhau. Trong đó, đặc biệt là đồng sulfat còn đóng một vai trò quan trọng trong khẩu phần ăn của gà thịt.
Tảo biển
Trong nhiều nghiên cứu cho thấy, tảo biển được xem là nguồn cung cấp năng lượng và protein cho động vật trên cạn. Loại tảo cỡ lớn (Macroalga) đã được chứng minh là có tác dụng trong việc kích thích tăng cường tiêu hóa và hệ miễn dịch của động vật. Hiện nay, các nghiên cứu về sử dụng các chiết xuất từ tảo biển làm phụ gia trong thức ăn của lợn và gà, cho những kết quả khả quan. Bởi, những chiết xuất từ tảo biển đã được chứng minh có thể cải thiện hiệu suất chăn nuôi. Hơn nữa, tảo còn chứa các hàm lượng cao các axit béo không no thiết yếu cho cơ thể là omega 3. Đặc biệt, theo nghiên cứu giữa Viện Nghiên cứu nông học Pháp (INRA) và Tập đoàn Olmix năm 2014, đã sản xuất ra sản phẩm có tên là “Mfeed+” là sự kết hợp độc đáo của các hạt khoáng sét và chiết xuất rong biển khác nhau nhằm kiểm soát được những rủi ro của độc tố nấm mốc trong thức ăn, tăng khả năng tiêu hóa và tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi.
Việc sử dụng, tìm kiếm các chất thay thế thuốc kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi bằng các chất phụ gia tự nhiên tốn chi phí khá cao. Nhà sản xuất phải cân nhắc đến chi phí sản xuất so với tình hình nuôi thực tế. Hoặc, phải tìm ra được những giải pháp nhằm bình ổn chi phí cho xu hướng sử dụng các chất bổ sung an toàn, bền vững này.
Related news
Bệnh dịch tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever - ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút gây ra.
Khi lợn nuôi bị bệnh tai xanh, sức đề kháng giảm, rất dễ cảm nhiễm bệnh kế phát hoặc ghép với một số bệnh khác, làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn
Dịch tả là một trong số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn, gây nhiều thiệt hại về kinh tế. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi của lợn, gây tỷ lệ chết cao