Một Mùa Dưa Đỏ Ở Khánh Hòa

Với giá bán đầu ra khoảng 9.000 đồng/kg, năng suất 4 tấn/sào, đã có hộ trồng dưa hấu ở Cam Lâm (Khánh Hòa) lãi hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, giá dưa bán tại ruộng đang hạ dần nên khả năng lãi lớn chỉ đến với những người bán sớm.
Trên cánh đồng rộng 8 sào thuộc thôn Trung Hiệp 1, xã Cam Hiệp Bắc, không khí thu hoạch dưa rất khẩn trương. Người cắt cuống dưa, người thu gom dây lá mang vào chỗ bóng mát trải thành “nệm” lót dưa. Càng về trưa, trời càng nắng rát, nhưng gần hai chục người vẫn liên tục ra ruộng, gánh dưa chuyển vào bãi, chờ xe tải tới “ăn hàng”.
Ông Phạm Văn Duyên cho biết, nhà ông trồng 8 sào dưa hấu từ cuối tháng 11 (âm lịch), bắt đầu thu hoạch từ mùng 10 tháng Giêng (trồng khoảng 60 ngày), bán cho người buôn đi Trung Quốc. Dưa nhà ông trồng là giống dưa Trang Nông 386, mua ở Diên Khánh, cho quả thuôn to đều, sọc mờ, da xanh mướt, rất đẹp nên bán được giá cao. “Năm nay, dưa nhà tôi trồng đạt năng suất 4 tấn/sào, cao hơn năm ngoái 0,5 tấn/sào.
Giá bán 9.200 đồng/kg, cao hơn năm ngoái 1.200 đồng/kg. Tuy đầu vụ mưa kéo dài làm yếu cây con, khiến tôi phải tốn thuốc hơn, đội chi phí lên khoảng 8 triệu đồng/sào, nhưng với giá bán và năng suất này, nhà tôi vẫn lãi khoảng 28 triệu đồng/sào”, ông Duyên phấn khởi.
Tính ra, ruộng dưa nhà ông cho lãi hàng trăm triệu đồng. “Nhưng chưa cao bằng hộ ông Tuấn (cùng thôn). Ông ấy bán sớm, lúc giá đang cao nên lãi tới 30 triệu đồng/sào”, ông Duyên cho biết thêm.
Ruộng dưa 1,5ha của nhà ông Nguyễn Văn Thảo đang được bán với giá 8.000 đồng/kg. Với năng suất đạt 3 - 3,5 tấn/sào, vụ này, nhà ông lãi hơn 10 triệu đồng/sào. Ông Thảo cho biết, đầu vụ, có ruộng được người buôn chào giá tới 15.000 đồng/kg, sau hạ dần xuống 10.000 - 9.000 đồng/kg.
Ruộng dưa nhà ông quả không được to, lại nhiều dưa loại (quả nhỏ, màu sắc kém) nên giá thu mua như vậy là hợp lý. Bà Nguyễn Thị Hận (xã Cam Thành Bắc), thu gom dưa loại mang bán ở Buôn Ma Thuột gần 10 năm nay cũng đồng tình: “Năm nay, nông dân trồng dưa lãi trung bình 22 - 23 triệu đồng/sào. Những hộ bán sớm càng lãi nhiều vì giá cao.
Hiện giá dưa chỉ còn 7.000 đồng/kg do ngoài Bắc đang có không khí lạnh, sức tiêu thụ kém”. Chỉ chỗ dưa vừa gom, bà nói thêm: “Chỗ dưa loại này khoảng 3 tấn, tôi mua cả đám với giá 5 triệu đồng. Mua dưa loại thì giá thấp, mình cũng bán giá hạ nên tính ra vẫn có lãi”.
Chị Phan Thị Tường Vy, khuyến nông viên xã Cam Hiệp Bắc cho biết, Cam Hiệp Bắc có 40ha trồng dưa hấu, trong đó có 20ha xâm canh ở các địa phương lân cận. Hiện nay, nông dân trong xã rất phấn khởi vì dưa được mùa, được giá. Nhiều hộ trồng dưa lãi hàng trăm triệu đồng. Do dưa hấu được trồng trên chân ruộng trồng sắn nước đã thu hoạch nên tính ra, chỉ trong nửa năm, có hộ trồng sắn nước và dưa hấu thu lãi tới 160 - 180 triệu đồng/ha.
Ở xã Cam Tân, nông dân trồng dưa cũng có lãi nhưng không nhiều bằng Cam Hiệp Bắc. Theo ông Nguyễn Kiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Tân, diện tích dưa hấu của xã ít hơn Cam Hiệp Bắc, chỉ 14ha, giá bán cũng không cao bằng, khoảng 7.000 đồng/kg. Điều kiện thổ nhưỡng của Cam Tân lại không thích hợp với cây dưa bằng Cam Hiệp Bắc, do đó, tuy nông dân phải đầu tư nhiều hơn nhưng chỉ lời khoảng 20%.
Ông Nguyễn Ta - Phó phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm: Toàn huyện Cam Lâm có 46ha dưa hấu, nhiều nhất ở Cam Hiệp Bắc (40ha). Hiện nay, nông dân Cam Lâm đã thu hoạch 1/2 diện tích dưa. Với năng suất đạt 35 - 40 tấn/ha, giá bán hiện tại khoảng 7.000 đồng/kg, người trồng dưa lãi cao hơn năm ngoái khoảng 15%.
Related news

Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối, hiện sản phẩm cá tra đã có mặt ở 142 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 90% thị phần thế giới.

Nhờ nuôi cho lãi cao, ít dịch bệnh nên nhiều người dân ở xã An Phú (TP Tuy Hòa - Phú Yên) tập trung đầu tư phát triển đàn bò lai, góp phần ổn định cuộc sống.

Vài năm trở lại đây, cây ớt xuất khẩu đã trở thành một trong những cây trồng hàng hóa có hiệu quả kinh tế thuộc loại cao nhất trên các xứ đồng trong tỉnh Thanh Hóa. Nhiều địa phương đã liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để ký hợp đồng trồng ớt cho các doanh nghiệp. Nông dân cũng có lãi cao và đem lại thành công trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Mùa thu hoạch cao su đã đến nhưng hầu hết các hộ dân vẫn băn khoăn có nên tái đầu tư để mở miệng cạo hay không. Giá mủ hiện đã xuống thấp nhất trong gần 10 năm qua, dao động từ 280 đến 330 đồng/độ.

Từ năm 2012 đến nay, người dân xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) đã khôi phục cây chè Gò Loi với diện tích gần 15 ha. Tuy nhiên, do nắng hạn gay gắt, nguồn nước tưới không có, nhiều diện tích chè mới trồng đã bị chết. Trước tình hình này, huyện Hoài Ân đã hỗ trợ kinh phí để nhân dân Ân Tương Tây chống hạn cho cây chè.