Dự Án Chăn Nuôi Dê Phát Huy Hiệu Quả Tốt
Năm 2013, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai Dự án “Phát triển chăn nuôi dê” tại xã Trung Hội (Định Hóa). Qua hơn 1 năm triển khai, Dự án đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần tạo sinh kế bền vững cho nhiều hộ dân ở xã miền núi này.
Ông Ma Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hội cho biết: Trung Hội có diện tích rừng khá lớn, thuận lợi để phát triển chăn nuôi dê.
Cùng với đó, một số hộ dân trong xã đã có sẵn chuồng trại và kinh nghiệm chăn nuôi dê. Trên thực tế, chăn nuôi dê đã phát triển ở xã từ khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch cụ thể về vùng chăn nuôi, đa số các hộ đều nuôi dê tự phát và chăn thả tự do ảnh hưởng đến sản xuất nông, lâm nghiệp. Thêm vào đó, để bắt đầu nuôi dê cần khá nhiều vốn vì giá dê giống luôn ở mức khá cao, một con dê sinh sản nặng 30kg có giá khoảng 3-4 triệu đồng.
Trong lúc nhiều hộ dân đang loay hoay với việc phát triển đàn dê, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai Dự án “Phát triển chăn nuôi dê” ở xã. 12 hộ được lựa chọn tham gia Dự án đã được vay 20-30 triệu đồng/hộ, với lãi suất 0,8%/tháng trong vòng 2 năm từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương để đầu tư phát triển chăn nuôi dê. Trước khi thực hiện Dự án, Hội Nông dân huyện Định Hóa đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn dê cho các hộ gia đình.
Ông Mạc Văn Viên, ở xóm Làng Mố, xã Trung Hội một trong những người đầu tiên tham gia dự án cho biết: Khoảng năm 2008-2010, tôi đã chăn nuôi dê nhưng do không có vốn đầu tư nên sau một thời gian duy trì nuôi 1-2 con dê/lứa, tôi đã không tiếp tục tái đàn. Năm 2013, sau khi vay 30 triệu đồng từ Dự án, ông Viên đã đầu tư làm chuồng trại và mua 5 con dê sinh sản. Từ 5 con dê ban đầu, có thời điểm đàn dê của gia đình ông có trên 20 con.
Khi chúng tôi đến thăm nhà, ông vừa bán 5 con dê thịt thu được gần 14 triệu đồng. Ông Viên nhẩm tính: Nuôi dê đang có đầu ra ổn định và cho thu lãi cao hơn khoảng 1,5 - 2 lần so với nuôi lợn. Chúng tôi chỉ cần gọi điện thoại là các tư thương sẽ đến tận nơi thu mua với mức giá khoảng 120 nghìn đồng/kg.
Cũng được vay 30 triệu đồng từ Dự án “Phát triển chăn nuôi dê”, gia đình anh Ma Văn Hào ở xóm Làng Vầy hiện đã có 15 con dê. Anh Hào cho biết: Trước kia, gia đình tôi đã chăn nuôi lợn nhưng có những thời điểm giá lợn xuống rất thấp trong khi giá thức ăn ngày càng cao nên tôi đã suy nghĩ tìm nuôi một con vật mới có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ngoài tiền giống, chăn nuôi dê hầu như không tốn kém thêm chi phí nào khác vì chúng hầu hết ăn các loại cây cỏ, lá cây rừng. Đây cũng là loại vật có sức đề kháng cao, ít bị ốm. Qua hơn 1 năm tham gia dự án, gia đình tôi đã thu hồi được tiền vốn ban đầu.
Được biết, các hộ dân tham gia dự án đều có quy mô đàn từ 10-30 con/hộ. Tất cả các gia đình đều đã xuất bán từ 2-3 lứa dê với giá bán trung bình khoảng 120-150 nghìn đồng/kg. Thêm vào đó, hiện nay, nhu cầu thị trường khá cao nên gần như nguồn cung dê thương phẩm không đủ cầu.
Dù chỉ bán một số dê trưởng thành nhưng đa số các hộ thuộc Dự án đều có khả năng trả được vốn vay, đồng thời có vốn để đầu tư nhân đàn... Sau khi các hộ tham gia dự án thu được hiệu quả bước đầu, nhiều hộ dân trong xã cũng đã phát triển chăn nuôi dê trở lại. Hiện toàn xã có hơn 60 hộ chăn nuôi dê, với tổng số đàn dê là khoảng 700 con.
Theo ông Ma Ngọc Hạnh, “Phát triển chăn nuôi dê” là dự án đem lại hiệu quả thiết thực đối với nông dân ở xã Trung Hội. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ đề xuất tiếp tục và mở rộng hơn nữa quy mô dự án, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi dê. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với nhân viên thú y xã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời lên kế hoạch cụ thể để tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương nhằm phát triển chăn nuôi dê.
Nguồn bài viết: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/du-an-chan-nuoi-de-phat-huy-hieu-qua-tot-222540-108.html
Related news
Những năm gần đây, mít Thái được bà con nông dân huyện Chơn Thành (Bình Phước) đưa vào trồng nhiều do dễ trồng, chăm sóc và khoảng 2,5 năm cho thu hoạch. Những năm trước, mít Thái đã giúp nông dân xóa đói và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, mùa thu hoạch năm 2014, đến thời điểm này, thị trường mít rớt giá quá mạnh, gây thiệt hại nặng về kinh tế, làm cho bà con nông dân điêu đứng, dở khóc, dở mếu.
Về vùng chuyên canh thanh long trong những ngày này vào ban đêm, gần như đến nơi nào chúng tôi cũng thấy ánh đèn điện sáng choang phát ra từ những vườn thanh long làm rực sáng cả vùng quê. Hỏi ra mới biết, thời điểm này, nông dân đang tập trung xông đèn xử lý thanh long cho trái nghịch vụ.
“Ai cũng nói Lục Ngạn được trời phú cho chất đất hiếm nơi nào có. Vườn rộng mà không làm nên cơm cháo gì thì thật lãng phí. Vì thế tôi đã dồn hết tâm huyết vào chăm cây có múi để có hướng đi của riêng mình”. Anh Lưu Văn Sáng, thôn Trại Ba, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) mở đầu câu chuyện về nghề làm vườn với chúng tôi như thế.
Ngày 24-12, tại UBND thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang đã đến khảo sát và làm việc với Hợp tác xã (HTX) xoài Bảy Ngàn để xây dựng nhãn hiệu tập thể. Tại đây, HTX đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hướng dẫn thực hiện các trình tự, thủ tục và gợi ý các mẫu logo nhãn hiệu xoài. Theo đó, HTX đã thống nhất chọn tên nhãn hiệu tập thể là Xoài cát Bảy Ngàn.
Với việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu giống cây ăn quả theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường, các nhà vườn tập trung đầu tư phát triển mạnh các giống cam như: đường canh, cam sành, cam V2. Riêng cam đường canh, tính đến đầu tháng 12, nông dân trong huyện đã thu hoạch được trên 500 tấn.