Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mỗi Năm Thu Nhập 300 Triệu Đồng Từ Vườn Vú Sữa Lò Rèn

Mỗi Năm Thu Nhập 300 Triệu Đồng Từ Vườn Vú Sữa Lò Rèn
Publish date: Monday. April 28th, 2014

Ông Võ Văn Nam, cư ngụ tại ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành - một trong những nơi được xem là "phát tích" của cây vú sữa Lò Rèn - thương hiệu cây ăn quả độc đáo của Tiền Giang đang được khẳng định trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tháng 4/2014, khi chúng tôi đến thăm, gia đình ông Nam đã cơ bản thu hoạch xong vụ vú sữa Lò Rèn với niềm vui được mùa, bội thu. Với sự xởi lởi, vui tính của người nông dân miệt vườn Nam bộ, ông dẫn chúng tôi đi giáp một vòng vườn rộng mênh mông kề bên con lộ nông thôn đổ bê tông phẳng phiu rất đẹp, ông nói: "Khu vườn vú sữa Lò Rèn của tôi rộng 8.500 m2 (0,85 ha) đã 12 năm tuổi. Trong vườn, để tận dụng đất trống, tăng thêm hiệu quả kinh tế, tôi xen canh thêm 150 gốc bưởi da xanh nay đã 3 năm tuổi. Vú sữa Lò Rèn đã cho thu hoạch ổn định nhiều năm nay, còn bưởi da xanh mới cho trái lai rai, chưa đều".

Để có được nguồn thu nhập cao, tạo dựng nên cơ ngơi sự nghiệp vững vàng ở miệt vườn như trên, ông Nam đã phải trải qua một quá trình đầu tư công sức, lao tâm khổ tứ hết sức nhọc nhằn. Vú sữa Lò Rèn và bưởi da xanh là những cây ăn quả đặc sản nổi tiếng về chất lượng thơm ngon, nhưng cũng rất khó tính, phạm vi phân bố hẹp, chỉ thích hợp đối với một số địa bàn và trong những mô hình canh tác nhất định.

Ví dụ, đối với vú sữa Lò Rèn chỉ có thể trồng được ở một số nơi thuộc Châu Thành, Cai Lậy, những nơi khác của Tiền Giang khó trồng hoặc trồng cho năng suất rất kém, tuổi thọ ngắn. Bưởi da xanh cũng thế, không thể đưa vào vùng đất phèn Đồng Tháp Mười hoặc vùng đất nhiễm mặn Tân Phú Đông được. Ngoài ra, do đặc thù canh tác theo kinh nghiệm cổ truyền nên trước đây, năng suất và sản lượng thấp, hiệu quả không được như mong muốn.

Để tăng hiệu quả kinh tế của vườn vú sữa Lò Rèn và bưởi da xanh, không thể không áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong quá trình thâm canh - ông Nam cho biết, khi xác định áp dụng mô hình trồng vú sữa Lò Rèn kết hợp xen canh thêm bưởi da xanh đặc sản đã phải đi học hỏi nhiều nơi.

Học tập từ kinh nghiệm sản xuất giỏi của những nông dân đi trước đến qua tài liệu khoa học, qua hướng dẫn của cán bộ khuyến nông kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn đúc kết được. Đầu tiên, cần phải chọn giống tốt, sạch bệnh; qui hoạch vườn trồng với mật độ hợp lý, không quá dày nhưng cũng không quá thưa, có chế độ chăm sóc để vườn luôn sung mãn, cho năng suất và sản lượng cao, chất lượng trái tốt, thị trường ưa chuộng.

Trung bình, mỗi công đất (1.000 m2) ông trồng khoảng 12 cây vú sữa Lò Rèn. Vú sữa Lò Rèn sau 4 năm tuổi đã bắt đầu cho trái, năng suất khi cho trái ổn định đạt từ 12 đến 15 tấn/ha. Còn bưởi da xanh do trồng xen canh, tận dụng đất trống nên xem như nguồn thu nhập phụ. Tuy vậy, với 30 gốc trong tổng số 150 bưởi da xanh trồng xen canh trong năm vừa qua bắt đầu cho trái, ông thu được bình quân 60 trái/gốc. Mỗi trái nặng 1,5 kg, tính ra mỗi gốc bưởi đạt năng suất 90 kg - khá cao trong mô hình trồng xen canh mà ông Võ Văn Nam đang áp dụng.

Một trong những bí quyết để vườn cây ăn quả đặc sản luôn sum suê, cho năng suất cao vừa kéo dài được tuổi thọ là bón phân cân đối, dùng nhiều phân hữu cơ hoai mục thay vì lạm dụng phân hóa học như trước đây. Hàng năm, ông sử dụng đến 400 bao phân hữu cơ bón cho vườn vú sữa Lò Rèn và bưởi da xanh. Hiện nay, sau khi dứt vụ vú sữa và bưởi da xanh Tết, gia đình ông đang tập trung làm đất, tỉa cành, tạo tán và chăm sóc để chuẩn bị cho vụ mới trong năm 2014.

"Trong năm vừa qua, tôi đạt sản lượng vú sữa Lò Rèn trên 12 tấn quả, bán với giá bình quân 25.000 đồng/kg, thu được 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi còn thu được gần 3 tấn quả bưởi da xanh, bán với giá bình quân 30.000 đồng/kg, thu được gần 90 triệu đồng." - ông Nam bộc bạch.

Ông Phan Duy Túc, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Châu Thành đánh giá: "Cái hay của ông Nam là biết áp dụng đồng bộ các giải pháp thâm canh, xây dựng mô hình phù hợp qua đó tăng được năng suất, sản lượng và chất lượng vườn quả. Hiệu quả kinh tế mang lại rất cao."


Related news

Bò Sữa Giúp Nông Dân Thoát Nghèo Bền Vững Bò Sữa Giúp Nông Dân Thoát Nghèo Bền Vững

Bình quân nuôi 1 con bò cho sữa, mỗi tháng cho thu nhập từ 1,8 đến 2,2 triệu đồng. Đây là mức thu nhập rất đáng kể đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, do vậy mà các địa phương được đầu tư nuôi bò sữa đã xác định đây là vật nuôi giúp nông dân thoát nghèo bền vững.

Wednesday. December 11th, 2013
Nông Sản Khánh Vinh Rớt Giá Nông Sản Khánh Vinh Rớt Giá

Bắp rớt giá, mì vẫn ở mức giá thấp… trong khi chi phí vật tư, tiền công thu hoạch tăng khiến nông dân huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) lao đao. Nhiều người đang thiếu vốn sản xuất, có nguy cơ thiếu đói…

Wednesday. December 11th, 2013
VietGAP Thủy Sản Tăng Lợi, Giảm Hại VietGAP Thủy Sản Tăng Lợi, Giảm Hại

VietGAP thủy sản là quy trình sản xuất đảm bảo theo hướng an toàn dịch bệnh, môi trường và xã hội; đồng thời truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Với 4 tiêu chí này, VietGAP được xem là cách giúp nông dân “tăng lợi, giảm hại” bền vững. Thế nhưng, giải pháp hữu ích trên vẫn chưa được áp dụng rộng rãi…

Friday. December 13th, 2013
Khai Mạc Hội Nghị & Triển Lãm Nuôi Trồng Thủy Sản Châu Á – Thái Bình Dương (APA-2013) Khai Mạc Hội Nghị & Triển Lãm Nuôi Trồng Thủy Sản Châu Á – Thái Bình Dương (APA-2013)

“Định vị hướng tới Lợi nhuận” là chủ đề của Hội nghị NTTS Châu Á - Thái Bình Dương và Triển lãm Thương mại (APA-2013) được tổ chức từ ngày 10 - 13/12/2013 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC).

Friday. December 13th, 2013
Mô Hình Giảm Nghèo Hiệu Quả Ở Vùng Biên Giới Giang Thành Mô Hình Giảm Nghèo Hiệu Quả Ở Vùng Biên Giới Giang Thành

Tổ chăn nuôi bò vỗ béo của Chi hội Cựu chiến binh ấp T4, xã Vĩnh Phú, là mô hình mới nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã giúp một số hội viên và nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Friday. December 13th, 2013