Mô Hình Trồng Quýt Ở Vân Hồ (Sơn La)
Để khai thác tối đa hiệu quả kinh tế và bảo tồn, phát triển nguồn gen giống quýt vàng bản địa, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vân Hồ (Sơn La) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm tiến hành “Xây dựng mô hình thâm canh, trồng mới và bình tuyển quýt” tại xã Chiềng Yên; thực hiện các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất những vườn quýt hiện có, góp phần giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập cho người trồng quýt.
Nhiều năm nay, cây quýt được người dân các bản Pà Puộc, Mướt, Piềng Chà, xã Chiềng Yên (Vân Hồ) thâm canh hiệu quả, trở thành cây trồng mang lại thu nhập ổn định, nhiều vườn quýt cho năng suất trung bình 100 - 150kg/cây, giá trị khoảng 2 triệu đồng/cây...
Để nhân rộng giống quýt có chất lượng, giúp người dân có thu nhập từ nghề trồng quýt, tổ công tác bình tuyển cây quýt vàng giống tốt của Trung tâm NCTN rau hoa quả Gia Lâm còn tiến hành thẩm định 15 cây quýt vàng bản địa có năng suất, chất lượng làm thực liệu phục vụ công tác nhân giống, cải tạo vườn tạp.
Mô hình thâm canh giống quýt vàng bản địa triển khai tại bản Pà Puộc, xã Chiềng yên quy mô 1 ha có 5 hộ tham gia. Các hộ được hướng dẫn và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trên vườn quýt, sử dụng các chất điều tiết sinh trưởng tăng tỷ lệ đậu hoa quả; sử dụng dưỡng chất vi lượng hạn chế rụng quả non, nứt quả, đồng thời làm tăng độ ngọt của quả, cải thiện mã quả, phòng trừ sâu bệnh hại quả...
Kết quả các chỉ tiêu trên quả của mô hình đều cao hơn với quả của các cây ngoài mô hình; đạt trung bình 150 g/quả; quýt có vỏ vàng xanh, sáng bóng, không có các vết sẹo, muội đen, quả ngọt, múi quả mọng nước, không xảy ra hiện tượng múi và tép bị khô; quả to đều, nhiều nước, mẫu mã đẹp... ngay đầu vụ các hộ đã bán giá trung bình từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg, cao hơn từ 7.000 - 10.000 đồng/kg so với quýt không thuộc mô hình. Năng suất trung bình của mô hình thâm canh đạt 17,5 tấn/ha.
Ông Đặng Văn Chiến, ở bản Pà Puộc, 1 trong 5 hộ tham gia mô hình, nói: Năm trước khi chưa áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, sản lượng quýt của gia đình tôi chỉ đạt 2 tấn, thu nhập 30 triệu đồng. Năm nay, khi tham gia mô hình, làm đúng hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh và phòng trừ sâu bệnh hại quýt, gia đình đã thu hoạch 4 tấn quýt, thu nhập hơn 80 triệu đồng.
Thông qua mô hình, cho thấy triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào bình tuyển quýt giúp tuyển chọn được các cây quýt vàng bản địa năng suất cao, ổn định, chất lượng tốt làm thực liệu phục vụ công tác nhân giống, cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích. Đồng thời, thâm canh tăng năng suất các diện tích hiện có, giúp người trồng quýt từng bước tiếp cận và làm chủ các tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế vườn cây, tăng thu nhập và từng bước làm giàu cho người trồng quýt, phát triển và bảo vệ thương hiệu quýt Chiềng Yên.
Nguồn bài viết: http://www.baosonla.org.vn/News/?ID=9708&CatID=75
Related news
Mùa mưa lũ cũng là thời điểm gỗ lậu ào ạt tuồn về xuôi. Vì thế, nhiệm vụ đấu tranh, giữ bình yên cho rừng của lực lượng kiểm lâm trở nên vất vả hơn bao giờ hết.
Chỉ trong chín tháng đầu năm 2015, với khoảng 740.000 tấn cao su xuất khẩu, ngành cao su VN bị mất hơn… 40.000 tỉ đồng nếu so với giá bình quân cùng thời điểm vào năm 2011.
Mặc dù được coi là hạt “ngọc” của Việt Nam, nhưng do chuỗi giá trị phức tạp nên gạo Việt đang rơi vào tình trạng 3 “không”: không thuần loại, không kiểm soát được dư lượng hóa chất và không truy xuất được nguồn gốc.
Vài tuần trở lại đây, do thường xuyên có các trận mưa to nên đã ảnh hưởng tới diện tích rau màu, khiến cho hàng loạt các loại rau củ quả tại các chợ trên địa bàn Hà Nội tăng giá mạnh.
Trong 2 ngày 1 và 2/10, tại TP Cần Thơ, Văn phòng Quốc hội tổ chức diễn đàn chính sách “Tiêu thụ hàng nông sản trong bối cảnh hội nhập - kinh nghiệm từ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.