Mô hình trồng lúa 3 giảm 3 tăng thích ứng biến đổi khí hậu, đem lại hiệu quả cao
Hiệu quả rõ rệt
Mô hình được áp dụng với diện tích 80ha, sản xuất lúa RVT trong vụ đông xuân, có 65 hộ tại khóm Tân Chánh A, khóm 3, phường 2 và khóm Vĩnh Tiền, phường 3 (thị xã Ngã Năm) tham gia, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia đầu tư.
Theo đó, sau 3 tháng sản xuất lúa theo quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, nông dân đã thấy rõ sự khác biệt giữa sản xuất lúa thông thường với cách làm mới này.
Ông Nguyễn Văn Hoanh ngụ khóm Tân Chánh A, phường 2, đánh giá: “Nếu người nông dân áp dụng đúng với những yêu cầu kỹ thuật đã được hướng dẫn, thì so với làm lúa thông thường, mô hình sản xuất lúa SRI hiệu quả hơn nhiều.
Cái lợi trước mắt là lúa ít bị sâu bệnh, tiết kiệm được chi phí sản xuất, sản phẩm đạt chất lượng nên được doanh nghiệp bao tiêu với giá tương đối cao, nông dân có lời nhiều hơn”.
Áp dụng phương pháp cấy bằng máy với lượng giống chỉ còn 50kg/ha.
Còn ông Hà Văn Giai ( phường 3, thị xã Ngã Năm) thì cho rằng: “Do lượng phân, thuốc bón giảm hơn so với cách làm thông thường nên chi phí được tiết giảm rất nhiều, tiết kiệm khoảng 300.000 đồng/công.
Hơn nữa, với cách sản xuất lúa áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI, năng suất đạt rất cao”.
Theo thống kê của ngành chức năng, thì với mô hình sản xuất này, lượng thuốc BVTV giảm còn gần 30% so với sản xuất thông thường, đặc biệt cho năng suất cao hơn từ 7 - 10%, các hộ tham gia mô hình còn được doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu lúa với giá 6.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường từ 700 – 1.000 đồng/kg.
Nhân rộng cho nông dân
" Mô hình ứng dụng gói giải pháp 3 giảm, 3 tăng.
Đó là giảm giống, giảm lượng phân bón hóa học và giảm thuốc bảo vệ thực vật.
Giảm giống áp dụng phương pháp cấy bằng máy với lượng giống chỉ còn 50kg/ha, giúp đồng ruộng hạn chế cỏ dại đầu vụ và quản lý ốc bươu vàng dễ hơn so với sạ lan”. Ông Võ Quốc Trung-Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng
Theo Trạm khuyến nông thị xã Ngã Năm, mô hình áp dụng quản lý nước theo ướt khô xen kẽ, 3 giảm 3 tăng và phương pháp cấy bằng máy phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu ở Ngã Năm.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp thị xã tiếp tục nhân rộng mô hình để bà con có điều kiện tìm hiểu và áp dụng.
“Mô hình còn thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn hiện nay nhờ vào chế độ quản lý nước theo phương pháp ướt khô xen kẽ và phòng trừ dịch bệnh theo phương pháp IPM”–ông Nguyễn Minh Trí – Trưởng trạm khuyến nông thị xã Ngã Năm nhận định.
Những năm gần đây, thị xã Ngã Năm là vùng sản xuất lúa chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, rõ nét nhất là tình trạng nắng hạn và xâm nhập mặn kéo dài.
Do đó, mô hình sản xuất lúa này phù hợp với điều kiện thời tiết biến đổi phức tạp, đồng thời cũng thể hiện được sự liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp và là tiền đề cho việc thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương.
Related news
Trả lời chất vấn câu hỏi của ĐB Trần Ngọc Vinh về câu chuyện “đường từ dạ dày đến nghĩa địa ngày càng ngắn” liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết đang triển khai 5 nhóm giải pháp để giải quyết thực trạng này.
Khoảng 15 năm về trước, Tà Niết còn là bản khó khăn bậc nhất của xã Chiềng Hắc (huyện Mộc Châu, Sơn La), mà một phần nguyên nhân là người dân có tập quán canh tác lạc hậu.
Mô hình trồng lúa theo dự án 3 giảm 3 tăng đang là cơ hội đổi đời của nhiều nông dân ở Cà Mau, sau nhiều năm gắn bó với phương pháp sản xuất lúa theo cách truyền thống.
Từ ngày 12 – 14.11, Hội ND tỉnh Quảng Ngãi đã giải ngân 1,7 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND do T.Ư Hội NDVN ủy thác cho 69 hộ hội viên, ND thuộc 5 xã Phổ Quang, Nghĩa Thương, Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi), Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) và xã Bình Hải (Bình Sơn).
5.000 con gà rừng tai đỏ, tai trắng được chăn thả tự nhiên trên diện tích 30ha của Trang trại gà rừng NTC - trang trại chăn nuôi gà rừng thuần chủng lớn nhất Việt Nam.