Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Điêu Đứng Vì Cá Điêu Hồng

Điêu Đứng Vì Cá Điêu Hồng
Publish date: Wednesday. April 25th, 2012

Mấy ngày nay, hàng nghìn hộ nuôi cá ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như ngồi trên đống lửa sau khi có thông tin cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm - Trifluralin. Tại tỉnh Đồng Tháp, nơi được coi có nguồn gốc cá nhiễm chất cấm, sau khi có thông tin trên, thị trường thu mua cá trở nên vô cùng ảm đạm, giá cả rớt không phanh, người nuôi cá điêu hồng đang… điêu đứng.

Thông tin cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm Trifluralin khiến thị trường thu mua trở nên ảm đạm.

Cá lớn nhanh, nỗi lo càng lớn

Trước khi bước chân lên một bè cá thuộc địa bàn khóm Phú Mỹ Cù Lao, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh một đồng nghiệp ở Báo Đồng Tháp dặn: "Bây giờ hỏi chuyện với các chủ nuôi cá điêu hồng khó lắm. Đặc biệt sau khi báo đăng tải thông tin cá bị nhiễm chất cấm Trifluralin làm nghề nuôi cá khốn đốn, bà con rất dị ứng với báo chí. Ông lựa lời mà nói nhé". Thật vậy, tiếp xúc với chúng tôi các hộ nuôi cá rất e dè. Gia đình anh Trần Văn Mười dù chưa phải là hộ nuôi lớn nhất ở đây nhưng cũng có tới 8 bè cá điêu hồng. Để làm một bè cá kích cỡ 4m x 10m, anh phải bỏ ra gần 100 triệu đồng, chưa kể tiền cá giống mất 30 triệu đồng và tiền thức ăn cho cá. Trung bình, mỗi vụ cá (khoảng 6 tháng), một bè cá cho thu hoạch 10 tấn cá. 

Anh Mười buồn rầu nói: "Tôi nuôi cá điêu hồng gần 10 năm nay, nhưng chưa bao giờ gặp phải tình trạng thê thảm như hiện nay. Nếu ai nghi ngờ cá điêu hồng Đồng Tháp có nhiễm chất cấm gì đó thì cứ đến bè cá của tôi mà lấy mẫu đi kiểm định. Chúng tôi chỉ sử dụng thuốc kháng sinh trong trường hợp bất khả kháng khi cá nhiễm bệnh. Nếu có dùng chất cấm thì chỉ là số ít, chứ không thể đánh đồng tất cả các hộ nuôi cá. Hơn nữa, cán bộ của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản của tỉnh thường xuyên kiểm tra nguồn nước, thức ăn của các hộ nuôi. Nói thật, chẳng hộ nào dại dùng thuốc cấm vì nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì coi như đi tong vì biết bán cá cho ai. Một vài tấn thì còn đỡ, như gia đình tôi mỗi vụ thu hoạch khoảng 80 tấn cá thì biết đổ đi đâu cho hết?". Trước đây cá điêu hồng có giá 33.000 đến 34.000 đồng/kg, thậm chí lúc cao điểm lên đến 36.000 đồng/kg thì hiện tại giá rớt xuống chỉ còn 26.000 đồng/kg.

Cách các bè nuôi cá của anh Mười không xa là 6 bè của gia đình anh Trần Thanh Phong. Vác bao thức ăn ra mép bè đổ cho cá ăn, nhìn đàn cá ken đặc chụm lại đớp mồi mà ruột gan anh như có lửa. Gia đình anh hiện có 3 bè cá điêu hồng ước tính cho thu hoạch gần 40 tấn, nhưng cả tuần nay bị kẹt vì không có ai thu mua. Thương lái cho biết thị trường cá điêu hồng hiện rất ế ẩm sau khi có thông tin cá có nhiễm hóa chất cấm. Bình thường cá càng lớn nhanh thì hộ nuôi cá càng mừng, ấy vậy mà vào thời điểm này, cá không bán được, 6 bè cá của anh Phong "ngốn" hết gần một tấn thức ăn. Quy ra tiền là hơn 13 triệu đồng. Như vậy, chỉ cần một tuần không bán được cá, gia đình anh phải tốn thêm hơn 100 triệu đồng. 

Dù bị lỗ nhưng không phải ai cũng bán được cá. Trong khi chờ thương lái quay trở lại, phần lớn người nuôi cá buộc phải sử dụng lục bình, rau cỏ trộn với thức ăn cho cá ăn cầm cự để giảm chi phí. Anh Phong cho hay: "Trước đây các đại lý thức ăn sẵn sàng cho nợ tiền theo hình thức gối đầu, mua chuyến sau thì trả tiền chuyến trước. Tuy nhiên, hiện nay các đại lý áp dụng kiểu "tiền trao, cháo múc", trả tiền mặt rồi mới lấy thức ăn. Điều này khiến người nuôi cá rơi vào khó khăn vì vốn đầu tư nuôi cá bè rất lớn, ít ai có khả năng chi tiền mặt mua thức ăn cho cá. Từ khi đại lý nói không với việc bán thiếu, tôi phải vay mượn 200 triệu đồng mua thức ăn cho cá. Tuy vậy số tiền này chẳng mấy chốc đã sạch trơn. Nhiều hộ trong khóm phải đem giấy tờ đất đai cầm cố vay mượn để nuôi bè cá, thậm chí có người còn chủ động hạ giá bán cá với hy vọng sớm bán được để... bớt thua lỗ".

Cần một lời giải oan

Trở lại câu chuyện người nuôi cá ở Đồng bằng sông Cửu Long đang lao đao như trên bắt nguồn từ đầu tháng 4-2012 khi báo chí đăng tải về việc cuối tháng 12-2011, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP Hồ Chí Minh phát hiện dư lượng chất cấm Trifluralin trong mẫu cá điêu hồng bán tại chợ Bình Điền (TP Hồ Chí Minh). Sự việc trầm trọng hơn khi ba thương lái là ông Nguyễn Văn Vũ, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Văn Bình "khai" đã thu mua cá ở Đồng Tháp rồi bỏ mối cho chợ Bình Điền. Để làm rõ thông tin này, cơ quan quản lý của Đồng Tháp đã đến xác minh tại ba cơ sở thu mua cá điêu hồng nói trên. Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đồng Tháp, những thông tin đó là không có cơ sở. 

Cụ thể, ngày 16-12-2011, thương lái Nguyễn Văn Vũ thu mua 8 tấn cá điêu hồng của ông Nguyễn Hoàng Nhân ở Đồng Tháp, nhưng qua ghi chép trong sổ sách của ông Nhân không sử dụng chất kháng sinh cấm, đặc biệt là chất Trifluralin. Đối với thương lái Nguyễn Thanh Hùng không có lưu sổ sách ghi chép, đồng thời ông Hùng cho biết, việc thu mua cá đã diễn ra từ lâu nên không nhớ đã thu mua từ hộ nào. Còn thương lái Nguyễn Văn Bình cũng ở Đồng Tháp cho biết không thu mua cá điêu hồng. Chính vì vậy, do thời điểm phát hiện mẫu cá nhiễm chất cấm diễn ra đã lâu nên các cơ quan chức năng của Đồng Tháp chưa thể truy tìm được nguồn gốc, nguyên nhân lây nhiễm.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp tỏ ra rất bức xúc, khẳng định: "Trước năm 2010 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép chất Trifluralin sử dụng trong nuôi trồng thủy sản để diệt ký sinh trùng. Nhưng từ tháng 4-2010 đưa vào danh mục cấm. Từ đó cho đến nay, trong các đợt kiểm tra thường kỳ và đột xuất đều không phát hiện các bè nuôi cá trong tỉnh có nhiễm chất này. Khi có thông tin Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP Hồ Chí Minh phát hiện cá điêu hồng nhiễm chất Trifluralin, Sở đã giao cho Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản lấy mẫu tại các bè nuôi gửi về các trạm kiểm nghiệm trung tâm vùng 6 ở Cần Thơ và các trạm kiểm nghiệm ở TP Hồ Chí Minh để kiểm tra nhưng đều không phát hiện ra chất này trong cá".

Cá điêu hồng được nuôi nhiều ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang… Với thông tin thất thiệt như trên đã làm ảnh hưởng đến tất cả các hộ nuôi cá trong vùng. Ngồi trên chiếc ghe chạy trên sông Tiền, nhìn các bè nuôi cá của người dân san sát nhau, kéo dài hàng kilômét, chúng tôi cũng phần nào hiểu rằng hàng nghìn hộ nuôi cá điêu hồng ở đây đang trong tâm trạng bất an. Đặc biệt, ở tỉnh Đồng Tháp, nơi chiếm số lượng lớn với hơn 600 hộ nuôi cá điêu hồng rải rác ở 1.765 bè, sản lượng ước thu hoạch trong một vụ đạt trên 13.000 tấn. 

Lâu nay, người dân vốn ám ảnh bởi thực phẩm không an toàn vệ sinh, vậy nên khi có bất cứ thông tin liên quan đến các loại thực phẩm lập tức bị người tiêu dùng tẩy chay ngay. Vậy nhưng, đợi khi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, minh oan thì người nông dân đã trắng tay. Còn nhớ, cách đây không lâu, ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều người trồng bưởi, người nuôi cá kèo và cá rô đầu vuông cũng đã phá sản vì những thông tin có chất gây ung thư. Việc cảnh báo về ô nhiễm nguồn nước, chất độc hại trong thực phẩm, vật nuôi, cây trồng là cần thiết, nhưng việc cung cấp thông tin cũng như đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cần hết sức thận trọng. Nếu chỉ vì một hiện tượng nhỏ, chưa được kiểm tra, kết luận rõ ràng, đã vội vàng kết luận chắc chắn sẽ gây hoang mang trong xã hội, đẩy nhiều người nuôi trồng thủy sản rơi vào cảnh điêu đứng.

Trifluralin là một hóa chất dùng trong bảo vệ thực vật (thuốc diệt cỏ). Trước tháng 11-2010, chất này có trong thành phần của nhiều sản phẩm nhập khẩu (chủ yếu từ Thái Lan) và sản xuất trong nước sử dụng trong nuôi trồng thủy sản để diệt nấm, tảo, rong rêu. Trifluralin rất độc hại đối với sức khỏe của người và động vật.

Related news

Cá Chình Xuất Khẩu Trên 500.000 Đồng/kg Cá Chình Xuất Khẩu Trên 500.000 Đồng/kg

Đó là mức giá bán buôn cao hơn từ 100.000 - 150.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2014 và tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây. Nông dân Phan Hồng Phúc (ấp Hòa Tây B, xã Phú Thuận, Thoại Sơn, An Giang) cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu cá chình xuất khẩu còn tăng cao và thị trường tiêu thụ đang phát triển tốt.

Thursday. February 12th, 2015
Một Số Lưu Ý Khi Lấy Nước Vào Ao Nuôi Tôm Một Số Lưu Ý Khi Lấy Nước Vào Ao Nuôi Tôm

Đối với những ao nuôi đã lấy nước và chưa thả giống, bà con cần diệt khuẩn 2 lần bằng 2 loại thuốc diệt khuẩn khác nhau. Sau đó thực hiện gây màu nước, khi nước ao đạt độ trong 30 - 40 cm là thích hợp. Bà con nên thả giống theo đúng lịch thời vụ khuyến cáo bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 năm 2015 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thursday. February 12th, 2015
Chủ Động Phòng, Chống Dịch Bệnh Trong Nuôi Trồng Thuỷ Sản Chủ Động Phòng, Chống Dịch Bệnh Trong Nuôi Trồng Thuỷ Sản

Dịch bệnh tiếp tục gây chết tu hài nuôi tại Vân Đồn trong các tháng 2, 3 kéo dài đến tháng 8, 9-2014. Nguyên nhân ban đầu được đánh giá là do ký sinh trùng Perkinsus, vi khuẩn Pseudomonas, Vibrio gây sưng vòi trong điều kiện độ pH, độ mặn cao. Hiện tượng cá rô phi, trắm cỏ, cá chép nuôi tại Uông Bí, Quảng Yên và Đông Triều chết rải rác trong năm 2014 cũng là do nhiễm khuẩn Pseudomonas.

Thursday. February 12th, 2015
Cà Mau Phát Huy Tối Đa Thế Mạnh Trong Nuôi Trồng Thủy Sản Cà Mau Phát Huy Tối Đa Thế Mạnh Trong Nuôi Trồng Thủy Sản

Thu nhập bình quân đầu người tăng lên 33 triệu đồng, tăng 9,9 % so với năm 2013; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm chỉ còn 4,9 %. Năm 2014, Cà Mau là tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất cả nước, đạt 1,3 tỷ USD vượt kế hoạch đặt ra. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội cũng như giải quyết việc làm cho địa phương.

Thursday. February 12th, 2015
“Cao Thủ” Bắt Lịch Bằng Tay “Cao Thủ” Bắt Lịch Bằng Tay

Khi kênh Trà Sư mùa cạn nước, người dân trong xóm lại thấy anh Mạnh tay cầm chiếc can nhựa chạy xe gắn máy rảo khắp kênh, rạch để bắt lịch. Lớn lên tại vùng quê nghèo, cái nghề này đã gắn chặt với anh Mạnh từ nhỏ. Anh kể, ngày trước, cá và tôm ở kênh Tha La, Trà Sư nhiều vô kể.

Thursday. February 12th, 2015