Mô Hình Tiết Kiệm Nước Tưới

Chính quyền và nhân dân xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) đang tập trung nỗ lực chống hạn bảo đảm sản xuất, ổn định đời sống. Nông dân địa phương “chắt chiu” nguồn nước hồ Ông Kinh, hệ thống nước ngầm được tưới tiết kiệm phục vụ hiệu quả canh tác nông nghiệp và chăn nuôi gia súc.
Đồng chí Phạm Khắc Hào, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho biết do thời tiết nắng hạn kéo dài nên chính quyền địa phương vận động nông dân trồng các loài cây sử dụng ít nước tưới theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.
Vụ hè thu năm nay, Nhơn Hải trồng mới 40 ha hành tím, 30 ha ngò cung cấp cây gia vị cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Bà con còn bơm tưới chăm sóc cho 47 ha nho, 20 ha táo đem lại hiệu quả kinh tế cao bảo đảm đời sống góp phần xây dựng nông thôn mới.
Xã Nhơn Hải có 400 ha đất sản xuất nông nghiệp do canh tác trong điều kiện khô hạn nên nông dân địa phương có thói quen tiết kiệm nguồn nước tưới. Mỗi gia đình đều đầu tư 30- 50 triệu đồng đào giếng, khoan nước ngầm bơm tưới hoa màu.
Nông dân cũng đã thực hiện mô hình tưới phun tiết kiệm nước trên diện tích 140 ha. Nguồn nước hồ Ông Kinh có sức chứa trên 800 ngàn khối nước đã góp phần quan trọng làm thay đổi căn bản đời sống của người dân thôn Mỹ Tường 1 và Mỹ Tường 2.
Nhờ cuối năm 2013 trời có mưa nên hồ Ông Kinh tích đầy nước được nông dân “chắt chiu” bơm tưới cho trên 60 ha hoa màu vùng hạ lưu. Hiện nay, lòng hồ còn khoảng 180 ngàn khối nước đủ cho nông dân canh tác hoa màu và chăn nuôi trên 11.000 con gia súc đợi mùa mưa sắp tới.
Đến vùng hồ Ông Kinh, chúng tôi chứng kiến “bức tranh” sản xuất trong điều kiện khô hạn của nông dân xã Nhơn Hải. Vùng lòng hồ được các nông hộ đặt hàng chục ống hút nước “tự chảy” tưới cho vùng hạ lưu. Đặt ống “tự chảy” là cách làm sáng tạo của nông dân chắt chiu tiết kiệm nước.
Nước hút thẳng từ lòng hồ không qua hệ thống cống xả và kênh mương chưa bê tông tiết kiệm được khoảng 40% lượng nước thất thoát do thẩm thấu vào đất cát mùa khô hạn. Cán bộ quản lý công trình thủy lợi chỉ cho bà con hút nước từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày, tránh thất thoát nước chảy tràn lan vào ban đêm.
Đồng đất khu vực hồ Ông Kinh là vùng nho “trọng điểm” của xã Nhơn Hải với 200 hộ trồng trên 40 ha nho. Cây nho canh tác 3 vụ cho thu nhập 400- 500 triệu đồng/năm/ha. Nhiều gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng nho đỏ giống mới NH01-152 đang giai đoạn lên giàn trải lá non xanh.
“Tui mới hùn 16 triệu đồng cùng với 3 hộ trong làng mua ống nhựa dẫn nước từ lòng hồ về tưới bổ sung cho 8 sào đất trồng nho và 6 sào trồng hành tím. Gia đình cũng đã đào giếng sâu 7 mét kết hợp khoan mạch nước ngầm sâu 30 mét tích trữ nước tưới. Tui vừa bán hai giàn nho đỏ khoảng 3 sào được gần 80 triệu đồng.
Bà con tui động viên nhau chắt chiu tiết kiệm nguồn nước tưới cho cây trái thì đất đai không phụ công người chăm sóc. Nhờ nguồn nước hồ Ông Kinh phục vụ sản xuất giúp bà con tui có cuộc sống ngày càng no ấm”, ngừng tay tách hành giống, chị Phạm Thị Liễm ở thôn Mỹ Tường 1 phấn khởi nói.
Related news

Quyết định 68 của Chính phủ về vay vốn mua sắm máy móc, thực hiện cơ giới hóa, giảm tổn thất trong thu hoạch... đã mở nhiều nút thắt, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp.

Vùng núi Cà Đam được thiên nhiên ưu đãi về đa dạng sinh học, nơi sinh trưởng của nhiều loại thảo dược quý, trong đó, có cây sâm “bảy lá”. Song, hiện nay loại sâm này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt khi hàng ngày có nhiều người vào tận rừng săn lùng để bán cho thương lái.

Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Dương (Thăng Bình) được ngư dân gọi là “ngôi nhà” chung. Hơn một năm ra đời đến nay nghiệp đoàn đã tiếp sức để ngư dân vượt qua những thời điểm khó khăn, yên tâm bám biển.

Khi Đề án quốc gia về cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam, được Chính phủ phê duyệt, cũng là lúc Quảng Nam tất bật với việc xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng đường sá, điện lưới và hệ thống viễn thông lên sườn núi Ngọc Linh.

Thời gian qua, hàng trăm hộ dân của xã Đại Hồng (Đại Lộc) đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi và đem lại hiệu quả kinh tế cao.