Kỹ Thuật Nuôi Cá Linh
Thiên nhiên ban tặng cho vùng lũ ĐBSCL một tài sản vô cùng quý giá, đó là con cá linh (mỗi năm chỉ xuất hiện một lần). Ít ai nghĩ sẽ nuôi được cá linh sống trong ao hồ. Chỉ có một nông dân theo đuổi và đã thành công. Đó chính là ông Trần Văn Nhãn, ở ấp 3, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ, nuôi cá linh mỗi năm thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Trước đây cá linh nhiều vô kể. Cá bắt được dùng không hết, bà con ủ làm nước mắm hoặc làm phân bón cho hoa màu. Tuy không có giá trị kinh tế cao nhưng từ bao đời nay, con cá linh đã trở thành món ăn phổ biến trong nhân dân, nhất là người nghèo. Tuy là món quà trời cho, nhưng từ vài mươi năm trở lại đây, nguồn cá linh đã dần dần cạn kiệt, khiến cho giá cả tăng lên, nhất là đầu mùa, cuối vụ.
Còn cá linh nghịch mùa thì lại trở thành hàng đặc sản quý hiếm, có tiền cũng chưa chắc mua được. Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ của thị trường, ông Nhãn đã tận dụng 2 ha mặt nước để nuôi cá linh từ năm 2007 đến nay, mỗi năm cá linh của ông nuôi trong ao đều thắng đậm, bán được giá cao mà vẫn không đủ hàng để cung cấp cho thị trường.
Ông Nhãn bộc bạch, hơn 20 năm qua, ông đã từng gắn bó với nghề nuôi cá, từ cá lóc, cá rô, cá chép, thác lác, lươn, bống tượng đến cá tra, thứ nào ông cũng trải qua. Giờ thì đến cá linh.
Ông Nhãn cho biết: Đầu năm 2007, do thất bại nuôi cá tra gia đình nợ nần ngập đầu, đến nỗi không có tiền mua gạo ăn. Ông cùng mấy đứa con ra phía sau tháo nước trong ao bắt những con cá còn sót lại bán đổi gạo ăn. Tình cờ ông bắt được những con cá linh ống và linh rìa sống trong ao.
Đây là những con cá linh sống ngoài thiên nhiên theo nguồn nước vào ao nuôi cá tra trước đó, chúng sống và phát triển nhờ vào nguồn thức ăn cá tra. Sau khi bắt lên con nào con nấy mập ú, bụng căng đầy trứng. Từ đó hình thành trong đầu ông ý tưởng nuôi cá linh trong ao, vì cá linh có thể cho đẻ được.
Sau nhiều ngày trăn trở, ông đã quyết định tận dụng mặt ao từng nuôi cá tra đang bỏ trống để thả cá linh. Nhưng nguồn con giống không có nhiều để cho đẻ. Đến tháng 4 năm 2007, ông đem ý tưởng đó trình bày với người bạn thân làm kỹ sư chuyên ngành thủy sản ở Tiền Giang, sản xuất cá linh giống để giúp ông hoàn thành ước mơ. Ít lâu sau những mẻ cá linh bột đầu tiên ra đời.
Đầu năm 2008 ông đem về gần 5 triệu con cá linh giống thả nuôi với diện tích là 2 ha. Khi đem cá linh về thả nuôi, mọi người trong xóm cười ông vì cá linh chỉ sống trong thiên nhiên, ở nơi nước chảy, đâu có ai nuôi cá này trong ao hầm. Nhất là cá linh chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi từ tháng 7-11 hằng năm, còn những tháng khác cá về lại đầu nguồn Biển Hồ (Campuchia) sinh sống. Mặc cho mọi người bàn tán, hằng ngày ông ôm hi vọng sẽ nuôi thành công cá linh.
Thực tế nuôi cá linh không khó. Kết quả sau hơn 2 tháng lứa cá ông thả nuôi đầu tiên thu hoạch hơn 2,5 tấn, bán với giá 35.000 đ/kg (bình quân 50 con/kg) trong mùa nghịch, lời trên 45 triệu đồng. Lứa thứ hai ông thả nuôi 2 ha cá linh, thu hoạch được 3 tấn, lứa sau nữa sản lượng tăng lên 4 tấn. Vào tháng 11/2009 vừa rồi ông Nhãn phá kỷ lục là thu hoạch đạt 6 tấn/2 tháng/2ha. Và cứ thế, thu hoạch xong đợt nầy lại tiếp tục thả đợt khác, trung bình một năm ông có thể nuôi từ 4 - 5 lứa cá.
Ông Nhãn cho biết thêm: Tránh nuôi vào những tháng cá linh ngoài thiên nhiên có, sẽ bán mất giá. Thông thường vào những tháng sau Tết giá cá linh đội lên 60 - 100 ngàn đồng/kg, nhưng nuôi không kịp để bán. Ông Nhãn khoe với chúng tôi: Do gần hai năm liền nuôi cá linh đều thắng đậm, bán giá cao nên nợ ngân hàng ông đã trả được hơn phân nửa. Hiện nay, dưới ao còn khoảng 3 tấn cá, dự định kéo bán vào cuối tháng 12 âm lịch.
Ông Nhãn cho biết cá linh rất dễ nuôi, dễ cho ăn. Nếu so với cá linh sống ngoài tự nhiên là loại cá cần oxi nhiều, thích sống ở nơi nước chảy, chỉ cần đem lên bờ khoảng 3 phút cá sẽ chết. Cá linh của ông Nhãn nuôi trong ao do thích nghi với môi trường trong ao từ nhỏ, ít oxi và không có nước chảy cá vẫn sống tốt và phát triển nhanh. Nuôi cá linh việc xử lý ao hầm cũng giống như nuôi các loại cá khác, quan trọng là xử lý nguồn nước thật sạch.
Ban đầu thả cá bột vào trong vèo lưới rộng khoảng 10m2 để tiện lợi chăm sóc, cho cá giống ăn chủ yếu là trứng vịt khuấy đều hoặc bột đậu nành. Khi cá khoảng 15 - 20 ngày tuổi thả cá ra ao hồ, tập cá ăn cám xay nhuyễn. Cá gần 1 tháng tuổi cho ăn thức ăn là cá biển xoay nhuyễn trộn với cám, mỗi ngày cho ăn 2 lần sáng và chiều.
Ngoài ra trong ao hồ còn có rong, tảo cũng là nguồn thức ăn tốt nhất cho cá mau phát triển. Tuy nhiên, điều làm cho ông băn khoăn là cá linh nuôi riêng trong ao hơi chậm lớn, ngược lại nếu nuôi chung với cá chép hoặc các loại cá khác thì lại mau lớn hơn. Nhưng nếu nuôi ghép thì lại khó thu hoạch với số lượng lớn để giao cho bạn hàng. Hiện đầu ra của con cá linh nuôi rất ổn định.
Đó là nhờ ông hợp đồng với một Cty chế biến thực phẩm tổng hợp ở An Giang thu mua chế biến xuất khẩu cá linh đóng hộp với số lượng lớn. Không chỉ thế, siêu thị Coopmart An Giang đặt ký hợp đồng mua cá, nhưng ông chưa nhận lời vì sợ cá không đủ cung cấp. Ông nói thành quả có được hôm nay chỉ mới là bước đầu.
Ông đang tiếp tục nghiên cứu về thức ăn, về con giống và kỹ thuật xử lý ao hồ để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Ông hi vọng sẽ thành công nếu như các nhà khoa học cùng tham gia và coi con cá linh là đối tượng để nghiên cứu và chọn làm vật nuôi trong giai đoạn hiện nay. Vì hiện nay, nguồn cá linh trong thiên nhiên mỗi năm lại ít đi, do tác động thiên nhiên và môi trường, nhất là vấn đề biến đổi khí hậu.
Related news
Công ty cổ phần Thủy sản Việt - Úc sẽ phát triển dự án nuôi trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính tại tỉnh Bình Định.
Liên tiếp trong 3 ngày qua, Hà Tĩnh có mưa trên diện rộng. Những cơn mưa làm dịu mát không khí, tưới tắm những cánh đồng, chấm dứt tình trạng hạn hán kéo dài suốt 2 tháng qua…
Công tác đầu tư hệ thống thủy lợi trên địa bàn xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, có nhiều bước tiến. Nổi bật nhất là việc người dân chủ động hiến đất, hùn vốn thực hiện các công trình thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Lúa chưa thu hoạch đã bị đỗ ngã, nguy cơ thương lái bỏ tiền cọc vì chất lượng gạo kém; còn lúa mới sạ xuống cũng bị chết hàng loạt nên phải sạ lại... đó là những tình cảnh khó khăn mà nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt do ảnh hưởng của mưa dầm kéo dài trong những ngày qua.
Là một trong 3 phong trào thi đua lớn của các cấp hội nông dân, thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi luôn được Hội Nông dân thị xã Ngã Bảy đặc biệt quan tâm. Từ đó, phong trào ngày càng lan tỏa mạnh và đạt hiệu quả chất lượng cao.