Mô Hình Nuôi Hươu Sao Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong những năm gần đây một số hộ nông dân trên địa bàn xã Ea Nam (huyện Ea H’leo - Đăk Lăk) đã mạnh dạn thực hiện đưa mô hình nuôi hươu sao và đã có nguồn thu nhập ổn định với hàng chục triệu đồng/năm. Tiêu biểu trong số đó có gia đình anh Đỗ Hữu Sang ở thôn 1.
Gia đình anh Đỗ Hữu Sang là một trong những hộ đầu tiên áp dụng mô hình nuôi hươu sao trên địa bàn. Trước đây, gia đình anh chăn nuôi lợn rất vất vả, công sức bỏ ra nhiều mà thu nhập lại không cao. Sau một thời gian tìm hướng đầu tư phát triển kinh tế, nhận thấy mô hình nuôi hươu sao đem lại hiệu quả kinh tế nên năm 2009 anh đã mạnh dạn mua 2 cặp hươu sao của một người quen ở Nam Đàn (Nghệ An) về gây giống, đồng thời tận dụng chuồng nuôi heo sửa chữa lại để nuôi hươu.
Do nắm bắt được kiến thức kỹ thuật về cách chăm sóc nên đàn hươu sao của gia đình anh đã sinh trưởng và phát triển tốt. Sau một năm tuổi con đực đã cho thu hoạch nhung, con cái đến tuổi sinh sản; trung bình một năm hươu cái đẻ 1 con, hươu đực cho khoảng 0,7 – 1 kg nhung. Trong quá trình nuôi, nhận thấy hươu sao dễ nuôi và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với nhiều giống vật nuôi khác nên anh tiếp tục đầu tư mua thêm hươu về nuôi.
Đến nay gia đình anh đã có 9 con hươu sao, trong đó có 3 con đực đến tuổi cho thu hoạch nhung, 2 con hươu cái và 4 hươu con. Với giá 2 triệu đồng/1 lạng nhung và 1 con hươu con bán được 10 triệu đồng, trừ hết chi phí mỗi năm, gia đình anh thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Anh Sang cho biết: Hươu sao rất dễ nuôi và có khả năng kháng bệnh cao, hệ thống chuồng trại lại đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc. Nguồn thức ăn cho hươu sao lại phong phú như: lá cây, các giống cỏ có tại địa phương, các phế phẩm nông nghiệp… vì thế chi phí cho thức ăn thấp, hiệu quả đem lại khá cao. Trong thời gian tới gia đình anh sẽ đầu tư thêm vốn và giống để mở rộng trang trại.
Related news
Từ trồng 3 vụ lúa nếp/năm, mấy năm gần đây, Hiệp Xương (huyện Phú Tân, An Giang) đã chuyển hơn 150ha sang trồng 2 vụ lúa nếp và 1 vụ trồng rau muống lấy hạt.
Cũng như nhiều người nuôi tôm khác ở đồng bằng sông Cửu Long, anh Huỳnh Chí Thanh ngụ tại xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau rất lo lắng trước tình hình dịch bệnh trên tôm bùng phát và gây thiệt hại. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến do ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thì những lo lắng đó không còn nữa.
Với quyết định tìm hướng đi mới để làm giàu, anh Chu Đình Dục (38 tuổi), ở thôn Trung, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên đã tìm đến nghề nuôi gà Đông Tảo.
Địa hình đồi núi, ruộng bậc thang, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí hạn chế... đang là những cản trở lớn khiến việc thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Cao Phong khó khăn.
Bắt đầu từ xã Thới Thạnh (Bến Tre), năm 2008, Dự án Heifer đầu tư cho địa phương 40 con bò (trị giá ban đầu mỗi con hơn 10 triệu đồng, trọng lượng khoảng 180 kg) dành cho những hộ nghèo, cận nghèo, hộ chí thú làm ăn và có đất chăn nuôi (đất làm chuồng, trồng cỏ, có người chăn).