Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Nuôi Cá Trắm Đen Hiệu Quả Từ Thức Ăn Công Nghiệp Ở Nam Định

Mô Hình Nuôi Cá Trắm Đen Hiệu Quả Từ Thức Ăn Công Nghiệp Ở Nam Định
Publish date: Thursday. April 12th, 2012

Mô hình nuôi cá trắm đen đã được các hộ trong tỉnh Nam Định đưa vào nuôi thử nghiệm từ năm 2008. Các hộ nuôi thường cho cá trắm đen, chủ yếu đối với loại cá có trọng lượng trên 1 kg ăn ốc bươu vàng và dắt biển. Cá chỉ ăn ruột ốc, ruột dắt biển, còn lại thải ra môi trường nên lượng vỏ ốc, vỏ dắt biển tồn dư trong ao nhiều, dễ gây ô nhiễm môi trường nước, khiến cá chậm lớn và dễ bị nhiễm bệnh. Các hộ nuôi cá trắm đen ở xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) những năm qua đều lao đao vì gần như năm nào cá trắm đen cũng bị dịch bệnh. 

Hộ các ông Trần Quốc Sáng, Trần Ngọc Thao ở thôn Thát Đoài chỉ sau một đêm cá chết nổi đầy ao do môi trường nước bị ô nhiễm. Sau mỗi vụ thu hoạch cá, việc cải tạo ao để tiếp tục nuôi cá trắm đen hoặc chuyển con nuôi khác thường rất tốn kém. Mặt khác, do biến đổi khí hậu và khai thác không đúng quy cách nên nguồn dắt ở vùng biển của tỉnh bị cạn kiệt. Anh Trần Xuân Năm ở xóm 3, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) cho biết: “Để nuôi hơn 1.600 con cá trắm đen, mỗi ngày cần hơn 1 tấn dắt biển. 

Hiện tại, nguồn dắt biển ở địa phương không đáp ứng đủ nên gia đình phải sang các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An để thu mua nên chi phí cho thức ăn khá cao”. Ngoài ra, dắt biển vốn được khai thác ở vùng nước mặn nên khi đổ xuống ao, một phần nước mặn trên cơ thể dắt biển dễ làm thay đổi độ ngọt của nước ao nên cá trắm đen vốn mẫn cảm với nước, dễ bị chết hàng loạt. Lượng dắt biển thừa sẽ chết sau 6 - 8 tiếng, dễ gây ô nhiễm môi trường, gây bệnh cho cá. Nếu nuôi cá trắm đen bằng dắt biển, các hộ phải thường xuyên kiểm tra độ ngọt của ao sau khi cho ăn 2 đến 3 tiếng, đồng thời phải thay nước hằng tuần, đảm bảo nước sạch để cá sinh trưởng và phát triển tốt.

Nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp ở gia đình ông Trần Văn Việt, thôn Đào, xã Hiển Khánh (Vụ Bản).

Để nuôi cá trắm đen đạt hiệu quả bền vững cần đổi mới phương pháp nuôi, đặc biệt là nguồn thức ăn cho cá. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh (Sở NN và PTNT) đã áp dụng giải pháp “Nuôi cá trắm đen sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn tươi sống” nhằm thay đổi tập tính của loài cá trắm đen từ một loài chỉ sống ở tầng đáy và ưa thích ăn ốc, dắt biển sang sống ở tầng mặt và ăn thức ăn công nghiệp, qua đó chủ động nguồn thức ăn cho cá, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích nuôi. 

Mô hình trên đã được thử nghiệm thành công tại hộ ông Trần Văn Việt ở thôn Đào, xã Hiển Khánh (Vụ Bản). Được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, tháng 8-2010, ông đã tiến hành nuôi thả hơn 500 con cá trắm đen kết hợp thả ghép thêm 100 con cá mè. Để thay đổi tập quán ăn của cá trắm đen từ tầng đáy lên tầng nước mặt, ông đã sử dụng ao nuôi rộng 200 m2 để nuôi 500 con cá trắm giống, đồng thời thả ghép 20 con cá chép lai 3 máu. Chỉ sau 15 ngày, cá trắm đen đã bắt đầu thích nghi với thức ăn công nghiệp dạng nổi được thả ở tầng nước mặt. 

Tiếp đó, ông chuyển cá trắm đen sang ao nuôi chính rộng hơn 1.000 m2 kết hợp thả ghép với 100 con cá mè. Kết quả, sau 8 tháng nuôi tuân thủ đúng quy trình, gia đình ông thu được hơn 1,37 tấn cá trắm đen; trọng lượng bình quân từ 2,5 - 3 kg/con. Sau khi trừ chi phí gia đình ông có nguồn thu từ các loại cá gần 80 triệu đồng. Theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, các hộ nuôi cần tránh bắt cá theo hình thức vây bắt hẹp mà đánh bắt nhẹ nhàng tránh cho cá bị sốc, giảm thiểu tổn thất khi thu hoạch.

Related news

Nuôi nai dưới tán rừng Nuôi nai dưới tán rừng

Xuất phát từ Chương trình khuyến lâm, khoảng 10 năm trước, Chi cục Kiểm lâm An Giang khởi xướng cách làm này và mô hình trở nên quen thuộc với cư dân vùng Bảy Núi, trong đó anh Đỗ Văn Tài (đồi 3 núi Phú Cường, xã An Nông) là người tiêu biểu, thực hiện hiệu quả mô hình nuôi nai dưới tán rừng.

Saturday. July 4th, 2015
Bình Dương xử phạt 2 cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi Bình Dương xử phạt 2 cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Thực hiện Thông tư số 57/2012/TT-BNNPTNN về việc kiểm tra các chất cấm thuộc nhóm Beta- Aginist tại các cơ sở chăn nuôi năm 2015, Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương đã tiến hành kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, thức ăn hỗn hợp được sử dụng, kiểm tra tồn dư các chất cấm thuộc nhóm Beta-Aginist tại các cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh.

Saturday. July 4th, 2015
Bình quân 3,38 triệu đồng chi phí kiểm dịch cho mỗi lô gà giống nhập khẩu Bình quân 3,38 triệu đồng chi phí kiểm dịch cho mỗi lô gà giống nhập khẩu

Ngày 1-7, Cục Thú y cho biết: Trong sáu tháng đầu năm 2015, có 48 lô gà giống bố mẹ của 11 Công ty nhập khẩu vào vùng Đông Nam Bộ để nuôi làm giống (từ 11 đến 35 nghìn con/mỗi lô).

Saturday. July 4th, 2015
Hà Nội có 5.500ha rau an toàn Hà Nội có 5.500ha rau an toàn

Trong 6 tháng đầu năm, toàn TP Hà Nội đã rà soát, định vị được thêm 500ha rau an toàn để tập trung quản lý, nâng tổng diện tích rau an toàn lên 5.500ha.

Saturday. July 4th, 2015
Lúa đổ ngã, thương lái hạ giá mua Lúa đổ ngã, thương lái hạ giá mua

Mưa kèm theo gió lớn hồi tuần qua làm nhiều ruộng lúa Hè Thu đến kỳ thu hoạch bị đổ ngã. Không chỉ ảnh hưởng năng suất, chất lượng mà giá bán cũng giảm theo. Nhiều nơi thương lái kỳ kèo, bỏ cọc, hạ giá mua lúa.

Saturday. July 4th, 2015