Mô hình nuôi bò thương phẩm tam nông ở thôn Nhị Hà 2
Quá trình triển khai Dự án HTTN, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân địa phương, năm 2014, Ban Phát triển xã Nhị Hà đã thành lập 1 nhóm sở thích (NST) nuôi bò thương phẩm ở thôn Nhị Hà 2; có 14 hộ hầu hết là hộ nghèo và cận nghèo tham gia.
Đến tháng 12-2015, thông qua nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ SCG (thuộc Dự án HTTN), nhóm được tài trợ số tiền 154 triệu đồng (cộng với vốn đối ứng của các thành viên là 37,8 triệu đồng) mua 14 bê đực để thực hiện mô hình nuôi bò thương phẩm “Tam nông”.
Anh Lê Đại Hạnh, trưởng nhóm cho hay: Nhờ tham gia vào NST của Dự án HTTN, mỗi thành viên được cấp 1 bò đực, bình quân 13,8 triệu đồng/con. Vì hầu hết thành viên trong nhóm đều thuộc diện khó khăn nên nhóm không tổ chức nuôi tập trung hay phân bổ con giống xoay vòng, mà cấp hẳn cho mỗi hộ 1 con để làm sinh kế, phấn đấu chăn nuôi cho có lãi.
Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ 14 hộ thành viên làm chuồng trại quy củ; tập huấn trước và xuyên suốt thời gian chăn nuôi, giúp bà con nắm bắt được kỹ thuật nuôi bò thịt, cách ủ thức ăn thô, cách nhận biết bệnh và phòng bệnh trên đàn bò.
Từ khi nhận bò của Dự án về nuôi đến nay, các hộ phấn khởi và chí thú làm ăn. Chị Nguyễn Thị Ngọt, một thành viên trong NST chia sẻ: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, trước đây cuộc sống chỉ dựa vào tiền công làm thuê, nay nhờ được Dự án HTTN hỗ trợ 1 con bò đực để nuôi vỗ béo, coi như không tốn vốn đầu tư mà lại có thêm nguồn thu nhập.
Thời gian qua, trong điều kiện nắng hạn, cỏ ngoài đồng khan hiếm, Dự án đã cung cấp thêm giống cỏ để các hộ trồng và chủ động nguồn thức ăn cho bò nên nhiều hộ đã tận dụng đất quanh nhà trồng cỏ lấy thức ăn tươi, cố gắng nuôi “thúc” đúng chu kỳ của dự án là 18 tháng xuất bán và tổng kết đánh giá kết quả mô hình.
Theo tính toán của người chăn nuôi, trong điều kiện có đủ thức ăn và chăm sóc tốt thì bò đực đạt từ 300 - 350kg là có thể xuất bán với giá từ 25 - 30 triệu đồng/con. Như vậy, sau 1 năm rưỡi chăn nuôi thì các hộ thành viên có mức thu lãi từ 15 - 20 triệu đồng sau khi đã trừ một số chi phí chăn nuôi khác. Đây sẽ là nguồn thu nhập khá cho hộ nghèo, cận nghèo.
Theo đánh giá của Ban Phát triển xã Nhị Hà, hoạt động của NST nuôi bò thương phẩm thôn Nhị Hà 2 bước đầu đem lại hiệu quả là nhờ bà con ý thức được cách thức tổ chức chăn nuôi. Hiện nay, thông qua kênh liên kết doanh nghiệp với NST, Ban Phát triển xã đang tìm kiếm đầu ra ổn định cho các hộ chăn nuôi, định kỳ hàng tháng đều gửi thông tin về giá cả bò thịt trên thị trường cho NST nắm bắt.
Mong muốn của địa phương là thông qua nguồn vốn tài trợ từ Dự án HTTN sẽ tạo điều kiện để hộ nghèo và cận nghèo tiếp tục tái sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và góp phần thúc đẩy nghề chăn nuôi bò ở địa phương phát triển.
Related news
Ngày 29/6, tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ thịt bò BBB năm 2016.
Được tỉnh khuyến khích, ông Trần Văn Diễm đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại tổ 15, khóm Hòa Thuận (thị trấn Nhà Bàng, Tịnh Biên, An Giang) với công suất 100 con heo/ngày, đêm. Ông được xem là cá nhân tiên phong trong việc áp dụng công nghệ giết mổ treo cải tiến và hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT).
Nhằm tạo điều kiện các hộ chăn nuôi cung cấp cho thị trường sản phẩm đảm bảo ATVSTP, UBND huyện Nghi Lộc (Nghệ An) chỉ đạo 30 xã, thị tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.