Tiên phong xây dựng lò giết mổ hiện đại
Giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến
An toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường là vấn đề ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến sức khỏe con người, đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Một trong những nguyên nhân phải kể đến là khâu giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo an toàn còn diễn ra khá phổ biến.
Các chất thải từ hoạt động giết mổ chưa qua xử lý thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm, trở thành nguồn bệnh nguy hiểm cho con người và vật nuôi do chứa các loại ký sinh trùng, virus, vi khuẩn, nấm, liên cầu...
Theo báo cáo của Cục Thú y, hiện cả nước còn hơn 34.600 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, trong đó chỉ có gần 36% số điểm được kiểm soát, còn lại là các điểm tự phát không bảo đảm điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Tại An Giang, số liệu điều tra của ngành Thú y đến cuối năm 2015 cho thấy, toàn tỉnh có 98 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, có 15 cơ sở giết mổ tập trung, 7 cơ sở giết mổ hỗn hợp và 76 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.
Các cơ sở giết mổ tập trung và cơ sở giết mổ hỗn hợp được kiểm soát 100% vệ sinh thú y. Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ được kiểm soát 61% vệ sinh thú y. Các cơ sở có quy mô lớn (trên 100 con gia súc/đêm) tập trung ở TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và huyện Châu Thành, còn lại đa số giết mổ từ 20 – 60 con gia súc/đêm.
Tại các lò giết mổ, phần lớn do các thương lái thu gom và tự điều hành đội giết mổ riêng biệt. Giết mổ theo cách truyền thống, thủ công làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng thân thịt. Có nhiều nơi giết mổ trên nền, sàn, nguy cơ thân thịt bị nhiễm bẩn và nhiễm chéo các vi sinh vật, mầm bệnh không đảm bảo vệ sinh thú y.
Tại Châu Thành và Long Xuyên, có cơ sở đã trang bị công nghệ giết mổ treo cải tiến nhưng vẫn chưa áp dụng hoặc áp dụng chưa đúng theo quy trình giết mổ. Kết quả kiểm tra, đánh giá tại 5 huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Phú Tân, Chợ Mới và An Phú cho thấy, trong số 30 cơ sở giết mổ, chỉ có 1 cơ sở được xếp loại A, 1 cơ sở loại B, còn lại đều là loại C.
Qua đó, đoàn công tác kiến nghị ngưng hoạt động 2 cơ sở giết mổ gia súc tập trung, đồng thời đề nghị đầu tư, nâng cấp chuyển đổi mục đích sang giết mổ gia cầm đối với nhiều cơ sở do các lỗi vi phạm như: Nền, sàn đọng nước, không có hố sát trùng trước cổng, nước thải ra môi trường không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế bố trí khu vực giết mổ không đảm bảo an toàn thực phẩm, nước sử dụng cho các hoạt động giết mổ và làm sạch không phù hợp với quy chuẩn.
Hỗ trợ cho công nghệ mới
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tỉnh An Giang giai đoạn 2015 – 2020.
Mục tiêu là hình thành và từng bước đưa vào hoạt động hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh theo hướng tiên tiến gắn với vùng nguyên liệu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm.
Tỉnh đã quy hoạch 20 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, ưu tiên thiết kế xây dựng áp dụng công nghệ giết mổ treo cải tiến và hệ thống xử lý chất thải đáp ứng theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng lò giết mổ theo kế hoạch sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Hưởng ứng tinh thần trên, ông Trần Văn Diễm (thị trấn Nhà Bàng, Tịnh Biên) đã tiên phong đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung Nhà Bàng, đạt công suất 100 con heo/ngày, đêm.
Cơ sở có kinh phí đầu tư trên 2 tỷ đồng, được hỗ trợ 100 triệu đồng theo Quyết định số 1478/QĐ-UBND, ngày 5-9-2014 của UBND tỉnh. Cơ sở được xây dựng trên diện tích 5.774m2, trong đó đất xây dựng công trình là 3.218m2, đất trồng cây xanh và dự trữ mở rộng là 2.526m2.
Các hạng mục công trình được thiết kế, như: Xây tường rào chung quanh, san lấp mặt bằng, xử lý chất thải bằng hầm sinh học và hầm chứa (lắng, lọc) trước khi cho ra môi trường bên ngoài, đồng thời có các khu quản lý, điều hành, khu vực nhốt và giết mổ gia súc... theo hướng dẫn của ngành NN-PTNT.Tại khu giết mổ, ông Diễm trang bị hệ thống giàn mổ treo cơ bản cải tiến, thiết kế từ khu bẩn đến khu sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cơ sở giết mổ gia súc tập trung Nhà Bàng dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 7-2016, cung cấp sản lượng thịt an toàn cho người dân trong vùng. Qua đó, giúp huyện Tịnh Biên từng bước siết chặt, đi đến đóng cửa các điểm giết mổ không đảm bảo an toàn thực phẩm và không theo quy hoạch của huyện.
Related news
Vừa qua, tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã tổng kết mô hình trình diễn sử dụng 2 loại phân bón NPK mới là NPK 6.8.4 và NPK 12.3.13. Theo đánh giá, cây vải trong mô hình có bộ lá dày xanh, quả có vị ngọt đậm, mẫu mã đẹp, hạn chế bị rám, sâu đầu, năng suất tăng 20-25% so với trước...
Theo Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương, tháng 7 tới, chi cục cùng các cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra trên diện rộng tại 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đối với việc sử dụng chất vàng ô (Auramine O) nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ngày 29/6, tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ thịt bò BBB năm 2016.