Mô Hình Gà Đông Tảo Thả Vườn Nông Nghiệp Đô Thị Hiệu Quả

Một chú gà trống trưởng thành có trọng lượng từ 4,5 - 6kg với đôi chân khỏe, dáng hình cao to thể hiện uy lực dũng mãnh, nên rất được dân gian lựa chọn làm lễ vật cúng tế. Thông tin trên các trang mạng cho hay, mỗi chú gà trống trưởng thành có dáng đẹp giá lên tới chục triệu đồng.
Tại Bình Dương, một gia đình tại phường Chánh Nghĩa, TP.TDM đã nuôi thành công theo mô hình nông nghiệp đô thị. Gà Đông Tảo thuần chủng giá đắt gấp vài lần gà thường.
Sự tình cờ thú vị
Năm 2005 trong một chuyến công tác miền Bắc, anh Khương Văn Út tình cờ nhìn thấy chú gà trống có hình dáng kỳ lạ, to gấp mấy lần gà thường với dáng đi bệ vệ, thân to khỏe. Đặc biệt có đôi chân “khổng lồ” và xù xì, vảy xếp không theo hàng lối. Da gà đỏ hồng mạnh mẽ giống như vỏ trái dâu tây, được nhà hàng giới thiệu là đặc sản gà Đông Tảo. Ngày xưa giống gà này chỉ dùng để tiến vua hoặc cúng tế tại các lễ hội trọng đại. Ngày nay giống gà này đã được xếp vào danh sách các loại giống gia cầm quý hiếm của Việt Nam và được bảo tồn nguồn gien.
Từ những thông tin ban đầu, cộng với “máu” nhà nông, thích chăn nuôi, sưu tầm con giống lạ, sau chuyến công tác đó anh Út đã tích lũy thông tin và tìm về tận gốc rễ, nơi xuất phát của giống gà đặc biệt này tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Thấy anh Út đam mê thật sự và có thành ý muốn mang giống gà quý hiếm về nhân giống ở miền Nam, người dân địa phương đã tận tình hướng dẫn cách chọn giống, đặc điểm sinh trưởng, kinh nghiệm chăn nuôi và nhượng cho anh Út 10 cặp gà giống thuần chủng để mang về miền Nam nhân giống, phát triển loại gà quý hiếm này.
Khởi đầu nan
Tuy được hướng dẫn tận tình, nhưng do sự khác biệt về khí hậu và thức ăn, nên những ngày đầu mang gà về nuôi tại Bình Dương đã gặp rất nhiều khó khăn. “Mình cưng quá nên làm chuồng sạch sẽ, cao ráo, nuôi nhốt trong đó, cho ăn toàn thức ăn ngon, bổ như cám tổng hợp, lúa bắp ngon… gây ra thiếu chất, gà cắn nhau đổ máu đến chết.
Trong khi con gà thuần chủng luôn hoạt bát, thích chạy nhảy và bới tìm ăn thức ăn tự nhiên”, anh Út tâm sự. Sau một năm lao vào chăn nuôi và rút kinh nghiệm, đồng nghĩa với lứa gà giống ban đầu không mang lại hiệu quả, anh Út lại thêm một chuyến ra Bắc nữa để vừa “cập nhật kiến thức” vừa “xin’ thêm con giống để tái đàn.
Anh Út chia sẻ, với đôi chân khổng lồ, da xù xì vừa không giúp gà bay nhảy bình thường được như các giống gà khác vừa gây khó khăn trong quá trình phối giống, ấp trứng, nên tỷ lệ trống mái/đàn gà tốt nhất là 1 trống 3 mái. Cũng từ đôi chân quá khổ ấy mà gà mái ấp trứng cũng rất vụng về, nên cần chuyển trứng cho gà ta ấp hoặc ấp điện.
Đây là giống gà quý nên quá trình sinh trưởng, phát triển hoàn toàn không giống các giống gà khác. Khi gà trưởng thành sức đề kháng rất tốt và phát triển khá nhanh, nhưng trong giai đoạn đầu sức đề kháng của gà rất yếu và phát triển chậm.
Nếu cho ăn thức ăn giàu chất dinh dưỡng, nuôi nhốt chật hẹp, gà sẽ lười vận động, dễ sinh bệnh và nếu có nuôi được thì chất lượng thịt cũng không tốt. Ngược lại ở giai đoạn 2 tháng đầu gà cần được giữ ấm trong môi trường gần gũi thiên nhiên, ăn thức ăn tự nhiên như cám, bắp, lúa, rau xanh, có sân chơi, có ánh nắng thì sức đề kháng của gà sẽ cao và phát triển mạnh sau đó.
Mô hình hiệu quả
Đưa chúng tôi tham quan mô hình nuôi gà Đông Tảo tại nhà, anh Út cho biết: “Với tốc độ đô thị hóa cao như hiện nay, đất đai giành cho sản xuất, chăn nuôi ngày một thu hẹp, trong khi một bộ phận nông dân, người lao động sống trong đô thị vẫn còn yêu và nhớ nghề nông! Với số vốn chừng vài triệu đồng và khoảng đất trống sau nhà, mỗi hộ có thể tổ chức nuôi gà Đông Tảo theo mô hình nông nghiệp đô thị rất hiệu quả”.
Ngoài chất lượng thịt ngon, hình dáng dũng mãnh và tượng trưng cho sự may mắn, gà Đông Tảo rất được ưa chuộng để tổ chức các buổi tiệc gia đình, đón năm mới, nhất là để dâng cúng tổ tiên hay các lễ khởi công, khai trương.
Do mới xuất hiện trên thị trường, ít người biết đến, giá lại khá đắt nên đã xuất hiện gà lai, gà giả nhưng bán với giá trên trời, thậm chí cao hơn cả gà thuần chủng. Anh Út cho biết, nhiều nơi làm ăn bất chính, nhập vào cùng lúc 2 loại gà thuần chủng và gà lai. Gà thuần chủng đòi hỏi kỹ thuật nuôi phải tốt, thời gian nuôi lâu nên chất lượng thịt rất ngon.
Còn gà lai dễ nuôi, con nhỏ và chất lượng thịt không bằng, đặc biệt nếu gà lai thì nhìn đôi chân là biết ngay. Khi đến nhà hàng khách phải để ý đôi chân để không bị đánh tráo gà giả. Có nơi lợi dụng lúc tiệc vui người ta còn làm giả gà Đông Tảo bằng gà đẻ thải loại.
Sau gần 10 năm nghiên cứu giống gà mới này, gia đình anh Út đã phát triển được 3 cơ sở chăn nuôi gà Đông Tảo tại Bình Dương và 1 cơ sở ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Thông qua website, cơ sở chăn nuôi của anh Út vừa cung cấp ổn định loại đặc sản có giá trị cho các nhà hàng vừa cung cấp, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ gia đình, cơ sở có nhu cầu nuôi và phát triển loại gà quý hiếm này.
Related news

Việc nuôi thẻ chân trắng hiện nay của bà con nông, ngư dân phía Bắc Quốc lộ 1A thuộc huyện Giá Rai phát triển tự phát không theo quy hoạch, không tuân theo khuyến cáo của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương.

Nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất nuôi trồng thuỷ sản trong năm 2014. Đồng thời hạn chế những thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch của Ngành Nông nghiệp.

Chiều 5-3, ông Huỳnh Văn Quân, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) cho biết: Giá khoai lang tím Nhật xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang tăng rất mạnh, từ 830.000 - 860.000 đồng/tạ, cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 300.000 - 350.000 đồng/tạ.

Giá mía nguyên liệu dao động ở mức thấp dẫn đến việc thua lỗ kéo dài nên hàng loạt nông dân ở ĐBSCL ào ạt phá bỏ ruộng mía. Dọc các vùng mía trọng điểm ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Long An… nhiều ruộng mía biến thành những ao nuôi tôm, lên bờ trồng cây ăn trái, rau màu… Trước thực trạng cây mía đang bị hắt hủi, các nhà máy lo lắng thiếu nguyên liệu hoạt động trong thời gian tới.

Hiện nay, cả nước còn 63 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 22 tỉnh. Ngày 4/3, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã có phiên họp thường kỳ. Theo đó, các đoàn công tác của Cục Thú y sẽ tiếp tục đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương.